Gần 60 năm cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu và đào tạo, ở tuổi 88, GS Nguyễn Đức Dân vẫn minh mẫn, miệt mài nghiên cứu và công bố các công trình khoa học. Nhiều thế hệ học trò, dù rất sợ cái nghiêm nghị, mực thước của Thầy, những vẫn mong ước được ngồi nghe Thầy giảng, trao đổi, góp ý học thuật, vì những điều đó chất chứa một hàm lượng khoa học thích đáng. Nơi Thầy, một nguồn năng lượng, bầu nhiệt huyết dấn thân cho sự nghiệp nghiên cứu và đào tạo lan tỏa mạnh mẽ, khiến cho những thế hệ học trò thêm nghị lực và kiên nhẫn trên con đường đi đến chân trời khoa học.
Học thầy giỏi nhất
GS.TS, NGUT Nguyễn Đức Dân có giọng nói chậm rãi, ấm áp, sâu lắng. Lần nào đến thăm cũng bắt gặp ông ngồi lặng yên bên chồng tài liệu và đều đặn tuôn chảy những những dòng chữ không chỉ là tri thức, mà còn hàm chứa một tấm lòng cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Có lúc tôi thầm tiếc nuối và ước ao thời gian quay chậm lại để lần nào đến đây cũng có thể nhìn thấy người thầy đáng kính và đọc những bài viết mới nhất của ông.
GS Nguyễn Đức Dân là một trong những chuyên gia đầu ngành ngành Ngôn ngữ học. Ông đã góp phần đặt nền móng và xây dựng hàng loạt các môn học mà trước đây chỉ có ở các trường đại học Châu Âu, như Ngôn ngữ học thống kê, Ký hiệu học, Ngữ nghĩa học, Ngữ pháp tạo sinh, Logic hình thức và Logic phi hình thức... Với lòng say mê nghiên cứu và tấm lòng dành cho sự nghiệp "trồng người", Thầy đã tham gia giảng dạy trong suốt mấy chục năm qua ở nhiều trường đại học khác nhau, cả thỉnh giảng cho một số đại học ở Hàn Quốc và Pháp, đào tạo biết bao nhiêu thế hệ học trò, trong đó có nhiều người thành danh, đóng góp lớn cho đất nước trên các mặt công tác.
Giáo sư Nguyễn Đức Dân
Trong một nói chuyện, Thầy tâm sự, thời trẻ ở miền Bắc, ông và các bạn rất may mắn vì được học các Giáo sư đầu ngành, giỏi nhất Việt Nam, những cây đại thụ ở các lĩnh vực, trong đó có Giáo sư Tạ Quang Bửu. Và thời đó cứ học, chỉ sợ không đủ sức mà học, vì học nhiều nhưng không phải bỏ thêm đồng kinh phí nào. Vậy là ông bỏ thời gian ra học nhiều chuyên ngành, từ Logic toán, Ngôn ngữ máy tính, Vật lý lượng tử... trước khi mở rộng chân trời, ra nước ngoài để học tập và nghiên cứu toán học.
Có những người thầy về hưu thì cảm giác xem như đò đã sang sông, lúc gác mái chèo, sống cuộc đời vô tư, hồn nhiên với con cháu. Nhưng đối với Thầy Dân, về hưu thì ông lại càng chăm chỉ nghiên cứu, công bố học thuật. Thân phụ của Giáo sư là cụ Nguyễn Đức Chung, Nguyên Trưởng ty kinh tế Hà Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Nga - cháu ngoại của cụ Tam Nguyên Yên Đổ - nhà thơ Nguyễn Khuyến. Mạch chảy dòng tộc dường như vẫn róc rách, xuyên suốt từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Cụ Tam Nguyên Yên Đổ - nhà thơ Nguyễn Khuyến từng giữ chức quan đầu tỉnh là Bố Chính ở Quảng Ngãi (năm 1877). Sau khi từ quan, ông đã để lại các tác phẩm Yên Đổ thi tập, Bách Liên thi văn tập, Quế Sơn thi tập... Thời nhỏ Thầy Dân có nghe người thân của mình đọc những bài thơ bằng chữ Hán, chữ Nôm trong những tập sách này:
"Năm sơn viển viển hiểu lôi minh/Tự hướng nhân gian tố bất bình/Nhất xuất điện quang thiên hữu thuấn/Tài qua phong tín trúc vô thanh...". Nghĩa là: Ở phía nam núi Nam Sơn, buổi sớm có tiếng sấm vang rền xa xa, Tựa hồ như hướng về cõi nhân gian tố cáo nỗi bất bình. Điện lóe ra một tia sáng, tưởng như trời chớp mắt, Cơn gió qua rồi, tre lại im lặng, không còn tiếng nữa.
Phảng phất Nguyễn Khuyến
cách đây chưa lâu, khi theo dõi tranh luận xung quanh câu chuyện Trường ĐH Tôn Đức Thắng thí điểm bổ nhiệm chức vụ chuyên môn, GS Nguyễn Đức Dân gửi tới bài viết "Gán nhãn chất lượng cho học hiệu, học hàm", Thầy đã nói rất nhiều và nêu rõ: Nhiều người sau khi được học vị TS, học hàm phó giáo sư (PGS), giáo sư (GS) thì không nghiên cứu gì nữa (GS Hoàng Tụy cho rằng số này chiếm hơn 2/3).
Cuốn sách Lôgích và Tiếng Việt của Giáo sư Nguyễn Đức Dân xuất bản năm 1996, qua 5 lần tái bản vẫn được nhiều độc giả tìm mua
Thầy chua xót nói rằng, những PGS này trở thành những nhà khoa học "nằm vùng", cả chục năm không hề có một công trình khoa học. Nhưng họ vẫn đường đường có "mác" TS, PGS. Cần đào thải những ai, những gì không còn thích hợp, không còn đáp ứng nhiệm vụ được giao phó. Để thực hiện điều này, ngoài những biện pháp hành chính tôi đề nghị một cơ chế dùng dư luận xã hội.
Nhìn mái tóc bạc của Thầy và những cái gật đầu nhấn mạnh, tôi nhớ đến những câu thơ "Bùi Viên cựu trạch ca" của cụ Nguyễn Khuyến "Bằng tăng bạch phát phục hà vi? Quy khứ lai hề, hồ bất quy!". Nghĩa là: Tóc bạc bù xù còn biết làm gì được? Đi về thôi, sao không về đi?. Câu thơ về lòng người thoái lui khi tuổi xế chiều. Nhưng thầy Dân, con cháu của cụ thì tóc bạc phơ sương thì cụ càng cặm cụi, miệt mài, làm việc.
Thầy Dân sinh năm 1936, các cụ ngày xưa hay gọi là "Bính Tý, mạng Thủy nước đầy tràn sông". Cậu sinh viên bắt đầu vào đại học năm 1954, hè năm 1957, Nguyễn Đức Dân tốt nghiệp cử nhân ban Toán (khoa Toán - Lý, ĐHSP Hà Nội), tháng 8/1957 được nhận quyết định về dạy Toán tại trường Bưởi (nay là Trường THPT chuyên Chu Văn An - Hà Nội). Từ đó Thầy theo đuổi và tận tụy với sự nghiệp "trồng người".
Từ năm 1963 đến năm 1966, Thầy được phân công phụ trách lớp "Bồi dưỡng Toán của Hà Nội" thi học sinh giỏi toàn miền Bắc. Nhiều học trò do Thầy bồi dưỡng đã trở thành các nhà Toán học có tiếng như: GS.TS. Phan Quốc Khánh, GS.TS. Đào Văn Lượng, GS.TS Nguyễn Bá Ân... Từ năm 1966 tới năm 1970, Thầy được cử đi làm nghiên cứu sinh tại Ba Lan. Vì quan tâm các vấn đề về logic và thống kê trong toán học, nên Thầy đề xuất nguyện vọng đi sâu về vấn đề toán học trong nghiên cứu ngôn ngữ.
Năm 1970, Thầy bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học hình thức (formal linguistics) với đề tài "Minh họa câu đơn tiếng Việt bằng ngữ pháp phạm trù” tại Warszawa, Ba Lan. Đây là bước chuyển hướng quan trọng từ Toán học sang Ngôn ngữ học trong sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu của Thầy.
Sau khi từ Ba Lan về, Thầy giảng dạy Ngôn ngữ học tại khoa Ngữ Văn, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG Hà Nội). Năm học 1979 - 1980, Thầy làm giáo sư thỉnh giảng môn "Tiếng Việt và Văn minh Việt Nam" tại ĐH Paris 7 (Cộng hòa Pháp). Từ năm 1986, Thầy chuyển vào Nam công tác tại Trường ĐH Tổng hợp TPHCM. Trong thời gian công tác tại đây, Thầy được Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư năm 1991, học hàm Giáo sư năm 1996. Thầy đã liên tục là Tổ trưởng tổ bộ môn Ngôn ngữ, Khoa Ngữ văn - Báo chí, Phó chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. Thầy nghỉ hưu vào năm 2002.
Trong suốt thời gian giảng dạy và nghiên cứu, Giáo sư Nguyễn Đức Dân đã công bố gần 30 sách nghiên cứu và giáo trình, trong đó có: Từ điển tần số tiếng Việt /Dictionnaire de fréquence du Vietnamien (Paris VII, 1980); Ngôn ngữ học thống kê (1984); Lôgích - ngữ nghĩa - cú pháp (1987); Lôgích và tiếng Việt (1996); Ngữ dụng học, tập I, (1998); Ngữ pháp tạo sinh (2012); Từ câu sai tới câu hay (2013) và hàng trăm bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước.
Tạc thầy trong lòng
GS.TS Bùi Khánh Thế, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ và tin học trong buổi tọa đàm sách Lôgích - ngữ nghĩa từ hư tiếng Việt do Bộ môn Ngôn ngữ học, Khoa VH&NN, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM tổ chức ngày 23/6, nhân sinh nhật lần thứ 80 của GS.TS Nguyễn Đức Dân kể lại: "Tôi thấy Thầy Dân ngồi hội đồng là yêu cầu học trò đi dự ngay. Hội đồng nào có Thầy Dân tham gia không khí học trở nên nghiêm túc và thú vị”.
Gần 60 năm trong sự nghiệp trồng người, cho đến nay, học trò của Thầy lên đến con số hàng nghìn người, từ Bắc chí Nam, từ Toán cho đến Ngôn ngữ... đã trở thành những công dân tiên tiến, có nhiều đóng góp tích cực cho đất nước. Nhiều người trong số họ đã nhận được các học hàm, học vị cao và là những cán bộ chủ chốt của các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan nhà nước.
Tuy không là thế hệ môn sinh trực tiếp thụ lãnh với GS.TS Nguyễn Đức Dân nhưng PGS.TS Đoàn Lê Giang, Trưởng khoa VH&NN, ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM luôn tâm niệm: "Đối với chúng tôi, Thầy Nguyễn Đức Dân là một người Thầy, một nhà ngôn ngữ học, nhà khoa học hăng say trong công việc. Thầy là một trong số ít các nhà ngôn ngữ học tiêu biểu, cùng với GS Cao Xuân Hạo, GS Nguyễn Tài Cẩn xem mục đích của đời mình là đóng góp cho đất nước, cho khoa học, không màng đến vinh lợi, hư danh".
Hôm nay viết về Thầy, trong đầu tôi lại hiện ra mái tóc bạc, giọng nói ấm áp, hơi ấm tỏa ra từ ánh mắt bao dung của người Thầy đáng kính.
(Còn tiếp...)
(CATP) Nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân, giúp nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của việc tự học trong kỷ nguyên số mang lại nhiều giá trị, cơ hội để thay đổi, để tiếp cận tri thức của nhân loại, mở ra cho mọi người cơ hội học tập thường xuyên, học tập suốt đời, học mọi lúc, mọi nơi, mở rộng quan điểm sống, mở rộng không gian, thời gian, phương pháp và hình thức học tập. Ngoài các em học sinh, sinh viên còn trong độ tuổi đến trường, thời gian qua vẫn có rất nhiều tầng lớp nhân sĩ, tri thức tuy có học hàm, học vị cao, tuổi đã ngoài trung niên nhưng vẫn luôn cố gắng phấn đấu tiếp tục sự nghiệp học tập của mình, nâng cao tri thức cho bản thân và giúp ích cho xã hội. Nhân kỷ niệm ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam (20/11/2023), Chuyên đề Công an TPHCM xin giới thiệu một số tấm gương điển hình trên.