Rác: Nhiều nơi "kêu cứu" vì quá tải, ô nhiễm tràn ngập!

Thứ Năm, 16/11/2023 08:29

|

(CATP) Rất nhiều địa phương trong cả nước "kêu cứu" vì quá tải trong xử lý rác thải. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, du lịch sinh thái... Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã yêu cầu chậm nhất đến ngày 31/12/2024, tất cả hộ gia đình trong cả nước phải phân loại rác, nếu không sẽ bị xử phạt. Vấn đề là việc phân loại rác thì có thể làm được, nhưng công nghệ nào để xử lý rác, biến rác thành tài nguyên?

Hàng trăm ngàn tấn rác không biết đổ đi đâu

Thời gian gần đây, tình trạng ô nhiễm rác thải xảy ra khắp nơi trong cả nước và ngày càng căng thẳng, khiến cư dân ở nhiều địa phương phản ứng vì chịu không thấu tình trạng ô nhiễm nguồn nước và không khí. Ở một số địa phương xảy ra tình trạng nhiều người chặn xe rác vào các bãi rác, vì không chịu nổi tình trạng ô nhiễm do rác thải tại các bãi rác này gây ra.

Miền Trung đang trong giai đoạn giữa mùa mưa. Trận lũ hôm cuối tháng 10/2023 tại các tỉnh Miền Trung đã phơi bày sự nhếch nhác ở các bãi biển, nhất là những bãi gần các cửa sông. Người dân các làng chài ven cửa biển Sa Cần, Sa Kỳ (Quảng Ngãi), các cửa sông từ Hà Tĩnh, Quảng Bình đến Quảng Nam... không thể nào chịu nổi mùi hôi thối từ những bãi rác khổng lồ gồm chai nhựa, bịch nylon, xác động vật trương sình... Nhiều bãi biển du lịch như Mũi Né (TP.Phan Thiết, Bình Thuận), Thuận An (Thừa Thiên - Huế) nhiều năm qua cứ đến mùa lũ cũng ngập ngụa rác. Đó là rác "tự nhiên" theo mùa, mà nguồn xuất phát từ đất liền, những địa phương thượng nguồn không có giải pháp xử lý rác căn cơ hoặc người dân có thói quen vứt rác bừa bãi, cuối cùng đều... trôi về biển!

Rác tại các khu dân cư có hệ thống xử lý rác nhưng chỉ chôn lấp thì cũng đáng ngại không kém. Mới đây, người dân sinh sống gần Khu xử lý chất thải Quang Trung (xã Quang Trung, H.Thống Nhất, Đồng Nai) phản ứng vì mùi hôi nồng nặc từ khu xử lý rác quy mô rộng 130 héc-ta này. Đây là khu xử lý rác thải tiếp nhận rác sinh hoạt cho 8 huyện, thành phố của tỉnh Đồng Nai, đang rơi vào tình trạng quá tải, đến nay vẫn chưa có giải pháp xử lý bền vững.

Được biết, Khu xử lý chất thải Quang Trung hoạt động từ năm 2009, công suất 1.200 tấn/ngày. Tại đây tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp và xử lý bằng cách sản xuất phân compost. Sau đó, 15% chất trơ còn lại được xử lý chôn lấp. Các ô chôn lấp chất trơ đều phủ bạt kín, có lót bạt đáy và thu lại nước rỉ rác để xử lý. Tuy nhiên, thời gian gần đây khu xử lý này đã quá tải, người dân phản ánh rằng có mùi hôi thối không chịu nổi. HĐND tỉnh Đồng Nai đã ban hành nghị quyết, yêu cầu các địa phương phải bảo đảm tỉ lệ chôn lấp chất trơ dưới 15%, nhưng nhiều huyện, thành phố của tỉnh này không đáp ứng được.

Sau cơn lũ, bãi biển ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) ngập ngụa rác

Tại Bến Tre, nhà máy xử lý rác của Công ty cổ phần Xử lý rác thải Bến Tre phải đóng cửa từ tháng 10/2022 do có nhiều vi phạm. Mỗi ngày, có 160 tấn rác thải của hai huyện Châu Thành, Ba Tri và TP.Bến Tre không biết đổ đi đâu, phải chuyển sang bãi rác An Hiệp (H.Ba Tri). Giữa tháng 7/2023, do không chịu nổi tình trạng ô nhiễm tại bãi rác An Hiệp, người dân lập chốt ngăn xe chở rác vào bãi rác này. Hơn 100 hộ dân xung quanh bãi rác An Hiệp đã ta thán về tình trạng ô nhiễm tại đây từ nhiều tháng qua, nhất là đang mùa mưa, nước thải tràn ra xung quanh. Trước sự việc trên, mới đây UBND tỉnh Bến Tre đã có văn bản công bố tình huống khẩn cấp sự cố môi trường.

Tại TPHCM, đầu tháng 7/2023, người dân Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Q7) lại than phiền về mùi hôi từ bãi rác Đa Phước của Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của họ. Từ năm 2009 đến nay, năm nào cũng vậy, khu xử lý rác này đều gây "bốc mùi", khiến người dân các khu vực bị ảnh hưởng lập hẳn một nhóm trên mạng xã hội để thông báo tình hình, tập hợp ý kiến gửi tới cơ quan chức năng. Đây là bãi rác xử lý bằng cách chôn lấp theo công nghệ đã lạc hậu. Theo Sở TN&MT TPHCM, khi nào bãi rác này đủ công suất thiết kế thì đóng cửa, TPHCM chuyển sang công nghệ đốt rác mới xử lý triệt để mùi hôi. Dự kiến đến năm 2024, bãi rác này sẽ hết công suất. Theo kế hoạch, nếu muốn tiếp tục hoạt động thì VWS phải chuyển đổi công nghệ xử lý rác sang đốt rác phát điện khoảng 3.000 tấn rác/ngày, chấm dứt việc chôn lấp.

Bãi rác Phương Thạnh ở tỉnh Trà Vinh

Tương tự, bãi rác Phương Thạnh ở H.Càng Long (Trà Vinh) chỉ rộng 1,4 héc-ta nhưng chứa hàng chục nghìn tấn rác, chất cao như núi. Đầu tháng 8/2023, người dân địa phương phản ánh mùi hôi từ bãi rác này bốc lên nồng nặc, nước rỉ đen ngòm tràn ra khu vực bên ngoài. Tại Bạc Liêu, bãi rác lớn nhất tỉnh rộng 2 héc-ta, hoạt động 14 năm qua với công suất tiếp nhận mỗi ngày hơn 100 tấn. Đến nay, rác chất cao khoảng 15m, vượt sức chứa 4 lần, mùi hôi thối lan đến các khu dân cư.

Tại Hà Nội, từ năm 2021, hai bãi chôn lấp rác thải lớn nhất của thành phố này là bãi rác Nam Sơn và bãi rác Xuân Sơn (bãi rác này đốt kết hợp chôn lấp) đều phải dừng tiếp nhận rác do quá tải, nguy cơ xảy ra sự cố. Trong khi đó, hàng loạt dự án xử lý rác thải khác trên địa bàn đang triển khai ì ạch. Điều đáng mừng là Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý (nhà máy đốt rác phát điện lớn thứ 2 thế giới) đặt tại H.Sóc Sơn đã chính thức hòa lưới điện quốc gia từ ngày 25/7/2022.

Thống kê của Bộ TN&MT, hiện cả nước có khoảng 1.000 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, nhưng chưa đến 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Tỉ lệ chôn lấp chất thải rắn còn ở mức cao (chiếm khoảng 70%), nhiều bãi chôn lấp không đáp ứng quy chuẩn môi trường.

Cần xây nhiều nhà máy xử lý rác hiện đại

Theo Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, yêu cầu tỉ lệ chôn lấp rác ở đô thị giảm còn 30% (năm 2025) và 10% (năm 2030). Riêng TPHCM đặt mục tiêu giảm tỉ lệ chôn lấp rác còn 20% (năm 2025). Trong đó, 80% lượng rác phát sinh sẽ được xử lý bằng công nghệ tiên tiến đốt rác phát điện và tái chế, hướng tới năm 2030 có 100% lượng rác được xử lý hoàn toàn theo công nghệ này, không còn chôn lấp. Đây là chiến lược đúng đắn để giải quyết dứt điểm vấn đề rác thải quá tải đang ảnh hưởng đến đời sống người dân và sự phát triển kinh tế, nhất là du lịch sinh thái. Nhưng chiến lược này cũng đặt ra nhiều thách thức cho từng địa phương và các ngành chức năng vì cần xây dựng ngay những nhà máy đốt rác hiện đại sử dụng công nghệ mới.

Tỉnh Bến Tre công bố tình huống khẩn cấp sự cố môi trường tại bãi rác An Hiệp

Tại một số địa phương khác, nhiều nhà máy điện rác đang được xây dựng nhưng rất chậm. Tại Quảng Ninh, đã có doanh nghiệp của Hà Lan thăm dò. Tỉnh Bắc Ninh đang triển khai 4 dự án xây dựng nhà máy đốt rác phát điện ở các huyện Quế Võ, Thuận Thành, Lương Tài. Các dự án nhà máy rác phát điện ở TP.Hải Phòng thì vẫn còn đang xây dựng kế hoạch...

Từ năm 2018, Bộ TN&MT đã đưa mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 chỉ còn 7% lượng rác thải chôn lấp, số còn lại phải đốt rác thành điện một cách bền vững. Đây là một kế hoạch khó khả thi, vì đến nay 70% lượng rác thải vẫn phải chôn lấp thì chỉ còn 2 năm nữa làm sao đạt kế hoạch trên? Đáng lưu ý, mô hình xử lý rác an toàn, bền vững ở các vùng dân cư có khoảng 30.000 dân, được đặt ra từ Quốc hội khóa trước (năm 2018) nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp công nghệ. Rác ở các vùng dân cư vẫn "trôi nổi", gây ô nhiễm rất lớn.

Và dù Bộ TN&MT mới yêu cầu phân loại rác trên cả nước để xử lý, chậm nhất đến ngày 31/12/2024 phải thực hiện cũng là một thách thức rất lớn đối với nhiều địa phương và các cơ quan chức năng liên quan. Tại TPHCM, hiện mỗi ngày có gần 10.000 tấn rác các loại, chủ yếu là rác thải sinh hoạt. Từ năm 2006 đến nay, TPHCM có nhiều đợt thí điểm tổ chức phân loại rác tại nguồn. Đặc biệt, có thời điểm một số phường, xã tổ chức phân loại rác tại nguồn, nhưng rác được vận chuyển đến điểm tập kết thì lại đổ lẫn vào nhau, khiến nỗ lực phân loại rác bất thành.

Chưa thể biến rác thành tài nguyên

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định phân loại rác thải sinh hoạt từ các hộ gia đình để biến rác thành tài nguyên, nhưng đến nay gần như trên cả nước rất ít địa phương thực hiện được điều này. Nghị định 45 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định sau ngày 31/12/2024, người nào không phân loại rác thải sinh hoạt sẽ bị phạt từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng.

Mới đây, Bộ TN&MT ra văn bản yêu cầu muộn nhất đến ngày 31/12/2024, các địa phương tuyên truyền để người dân phân rác thành ba loại: chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt, bao gồm chất thải nguy hại.

Bình luận (0)

Lên đầu trang