Cắt đứt nguồn cung sim "rác"
Lâu nay, ở nước ta xảy ra tình trạng sim ĐTDĐ "rác", không chính chủ liên quan đến nhiều vụ lừa đảo qua mạng; kẻ gian dùng các loại sim này để gọi điện, nhắn tin đe dọa, uy hiếp, chiếm đoạt tiền của các nạn nhân bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Với nỗ lực rất lớn của các cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng Công an cả nước liên tục điều tra, triệt phá hàng loạt băng nhóm, cá nhân sử dụng sim "rác", sim không chính chủ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Tuy nhiên, muốn thực hiện quyết liệt và triệt để hơn nữa, nhằm phòng ngừa tội phạm lừa đảo bằng sim "rác", sim không chính chủ, các cơ quan chức năng đang tiến hành nhiều biện pháp nghiệp vụ. Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) cho biết, sẽ dừng hoạt động bán sim qua các đại lý trên toàn quốc kể từ ngày 10/9 tới.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ ngày 06/9/2023, thống kê từ các nhà mạng, trong số sim được bán ra thị trường có đến 80% phát hành qua kênh đại lý ủy quyền, 10% được bán trực tiếp từ nhà mạng (các cửa hàng giao dịch của nhà mạng) và 10% qua kênh chuỗi (các hệ thống bán lẻ điện thoại lớn). Như vậy, trong số này, kênh bán sim qua các đại lý được đánh giá là nguồn cung cấp nhiều sim "rác", sim không chính chủ nhất.
Sắp chấm dứt tình trạng bán sim qua các đại lý trên toàn quốc
Thực tế, để bán được sim ĐTDĐ, không ít đại lý đã sử dụng thông tin cá nhân của người dân (mượn hoặc thuê lại) để đăng ký thông tin thuê bao rồi bán cho người dùng khác, dẫn đến tình trạng "thuê bao chính chủ, nhưng người sử dụng thì... không chính chủ". Cũng theo Bộ TT&TT, tính đến ngày 31/8/2023, các nhà mạng đã rà soát, có khoảng 8,6 triệu thuê bao đứng tên hơn 10 sim. Trong đó, đã có 3,6 triệu chủ thuê bao đến cam kết, chuẩn hóa lại thông tin; hơn 5 triệu sim đã bị khóa một chiều, hai chiều và thu hồi...
Để ngăn chặn những cuộc gọi "rác", lừa đảo, các nhà mạng cam kết thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn tình trạng sim ĐTDĐ không chính chủ, sim "rác". Một trong những biện pháp được các nhà mạng cam kết là ngừng phân phối sim qua kênh đại lý ủy quyền, chỉ phân phối sim qua kênh trực tiếp của nhà mạng cùng các hệ thống kênh chuỗi lớn, uy tín.
Bộ TT&TT khuyến cáo người dân cần nâng cao trách nhiệm, không tiếp tay, đứng tên giùm để tạo ra sim không chính chủ trên thị trường, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường. Thời gian tới, Bộ TT&TT tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai đối soát trực tuyến khi phát triển thuê bao mới; đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác phát triển thuê bao mới của các doanh nghiệp để có biện pháp xử lý nghiêm, như dừng phát triển thuê bao mới đối với doanh nghiệp vi phạm.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho rằng, chỉ có kiểm tra thuê bao chặt chẽ mới hạn chế tình trạng sim "rác" và sim không chính chủ trên thị trường. Nếu phát hiện có hành vi vi phạm, Bộ TT&TT sẽ áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động đối với doanh nghiệp từ 3 - 12 tháng, tùy mức độ vi phạm. Bộ TT&TT đã triển khai 82 đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất. Đối tượng thanh tra bao gồm: các tổ chức, cá nhân đăng ký nhiều sim, các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông sử dụng thông tin của người khác hoặc sử dụng thông tin của họ để đăng ký nhiều sim. Mục đích của đợt thanh tra này là nhằm ngăn chặn việc sim được kích hoạt số lượng lớn, đẩy ra thị trường; đồng thời xử lý các trường hợp sử dụng sim đăng ký thông tin của người khác.
Hơn 11 triệu thuê bao không trùng khớp dữ liệu về dân cư
Thời gian qua và hiện nay, khi kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2, công dân cần sử dụng số ĐTDĐ chính chủ. Nỗ lực của Bộ Công an và lực lượng Công an trên cả nước triển khai thực hiện Đề án 06/CP của Chính phủ đã thu được kết quả rất lớn. Tuy nhiên, công tác này đòi hỏi công dân sử dụng số ĐTDĐ chính chủ. Do đó, đối với sim "rác", sim không chính chủ cần được loại bỏ. Theo lãnh đạo Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), từ tháng 5 đến tháng 8/2023, các doanh nghiệp viễn thông di động đã xử lý hơn 11 triệu thuê bao có thông tin chủ đăng ký thuê bao không trùng khớp với thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã cho biết, có hơn 3,55 triệu thuê bao đã chuẩn hóa, hơn 7,5 triệu thuê bao bị khóa một chiều, hai chiều hoặc thu hồi. Trong số này, có hơn 4 triệu thuê bao bị xử lý do kết hợp các tiêu chí: có giấy tờ tùy thân đăng ký đã hết hạn, giấy tờ có thông tin nghi vấn; hơn 1,2 triệu thuê bao đã chuẩn hóa, hơn 2,8 triệu thuê bao bị khóa một chiều, hai chiều hoặc thu hồi. Với số thuê bao còn lại, có 2,4 triệu thuê bao đã chuẩn hóa và 4,7 triệu thuê bao bị khóa một chiều, hai chiều hoặc thu hồi. Tính đến ngày 31/8/2023, các doanh nghiệp đã rà soát, xử lý (chuẩn hóa, khóa một chiều, hai chiều) hơn 8,6 triệu thuê bao thuộc trường hợp đứng tên hơn 10 sim/giấy tờ; trong đó có hơn 3,6 triệu thuê bao đến cam kết, chuẩn hóa lại thông tin (là những thuê bao dùng sim cho thiết bị) và hơn 5 triệu sim bị khóa một chiều, hai chiều hoặc thu hồi.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long, việc quản lý thông tin thuê bao đã được đặt ra từ lâu. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý, nhất là đối với những thuê bao nghi có thông tin không chính xác, không cơ sở dữ liệu chuẩn để đối chiếu. Sau khi Bộ Công an hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mới có căn cứ để đối soát và quyết tâm triển khai công tác trên. Hiện có 3 nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone đã thực hiện kết nối, thử nghiệm đối soát trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi phát triển thuê bao mới. Một số doanh nghiệp chưa kết nối trực tuyến thì đang thực hiện đối soát một lần/tháng. Đối với các thuê bao có giấy tờ chưa trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì doanh nghiệp yêu cầu người dùng cập nhật thông tin thuê bao.
Nhờ giải pháp đối soát trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hiện nay có 85% thuê bao sim ĐTDĐ phát triển mới được đối soát trực tuyến. Số còn lại 15% là của các nhà mạng cung cấp dịch vụ không tần số, nhà mạng "ảo", do chưa đáp ứng được yêu cầu kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sẽ được thực hiện đối soát thủ công. Bộ TT&TT đang chỉ đạo các nhà mạng còn lại trong tháng 9 này phải hoàn thiện, bảo đảm vấn đề bảo mật để kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khi phát triển thuê bao mới.
Cần ngăn chặn triệt để nạn sim "rác" trên thị trường
Hằng tháng, các nhà mạng phải báo cáo số liệu về Bộ TT&TT, nếu đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không đúng thì nhà mạng đó sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng các đại lý đang thuê người đứng tên để đăng ký thuê bao. Người dân chỉ đơn giản nghĩ là đứng giùm tên thuê bao, vô tình tạo ra những sim có thông tin chính chủ nhưng lại không được chính chủ sử dụng. Những sim này được các đại lý bán cho khách hàng nên vẫn còn tình trạng sim không chính chủ bán ra thị trường.
Thời gian qua, Công an TPHCM và lực lượng Công an cả nước đã triệt phá nhiều vụ án, đường dây tội phạm có sử dụng sim "rác", sim không chính chủ làm công cụ thực hiện các hành vi phạm tội như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay lãi nặng, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, rửa tiền qua mạng... Các đối tượng phạm tội còn sử dụng sim "rác", sim không chính chủ để gọi điện, nhắn tin đe dọa, bôi nhọ danh dự, xúc phạm uy tín của cá nhân, tổ chức. Để phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm này, các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, xử lý những điểm mua bán, cho thuê sim "rác", sim không chính chủ, "giúp sức" cho các đối tượng lừa đảo; kể cả những tài khoản ngân hàng đăng ký bằng giấy tờ giả mạo hoặc tài khoản ngân hàng không chính chủ, bị mua bán... Ngành ngân hàng cũng cần rà soát, chấn chỉnh thông tin về chủ tài khoản đăng ký tại ngân hàng mình.