TPHCM: Các khoản thu phải công khai bằng văn bản đến phụ huynh

Thứ Năm, 07/09/2023 21:45

|

(CAO) Chiều 7/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM (Ban chỉ đạo) họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP tuần qua. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó trưởng Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì cuộc họp.

Toàn cảnh họp báo. Ảnh: Huyền Mai

Tổng công ty Điện lực TPHCM lý giải nguyên nhân tiền điện tháng 8 tăng cao

Trước tình trạng một số khách hàng thắc mắc vì sao tiền điện tháng 8 tăng nhiều so với tháng trước, ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCM) lý giải, nguyên nhân chính là do đơn vị đã chuyển ngày ghi điện về cuối tháng. Điều này khiến số ngày sử dụng điện của khách hàng tháng 8 tăng thêm từ 11 đến 28 ngày tùy theo phiên ghi điện cũ. Một nguyên nhân khách quan khác là thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện của nhiều hộ gia đình tăng hơn so với tháng 7.

Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM trả lời nội dung báo chí quan tâm. Ảnh: Huyền Mai

Ông Kiên cũng cho biết, trước khi thực hiện thay đổi ngày ghi chỉ số, EVNHCMC đã thông báo đến khách hàng, đồng thời giải thích chi tiết các thay đổi thông qua tin nhắn trực tiếp của ứng dụng (app) Chăm sóc khách hàng, ứng dụng Zalo và thông báo qua các địa bàn. Nhận định việc thay đổi phiên ghi điện có thể sẽ gây ra những bất tiện đối với một số khách hàng, EVN gửi xin lỗi và cam kết sẽ nỗ lực để giải đáp từng ý kiến thắc mắc.

Về cách tính toán và áp dụng đơn giá, EVNHCMC khẳng định là đã tuân thủ đúng quy định về đơn giá và phương pháp tính theo quy định hiện hành tại Thông tư 16/2014/TT-BCT, Thông tư 09/2023/TT-BCT và Quyết định 1062/QĐ-BCT ngày 4/5/2023 quy định về biểu giá điện.

TPHCM rà soát sân tập lái xe hoạt động không đúng mục đích, quy định

Trước phản ánh của báo chí về tình trạng nhiều sân tập lái xe ô tô với diện tích lớn xây “lụi” trên đất nông nghiệp ở Bình Chánh, Phó Chánh thanh tra Sở Xây dựng Trương Công Nam cho biết, qua rà soát toàn diện các sân tập, trường đào tạo lái xe ô tô trên địa bàn huyện này, có 13 trường hợp chia làm 4 nhóm.

Phó Chánh thanh tra Sở Xây dựng Trương Công Nam trả lời câu hỏi gửi về họp báo.  Ảnh: Huyền Mai

Nhóm thứ nhất, sân tập có điều kiện pháp lý hoàn chỉnh gồm 3 trường hợp.

Nhóm thứ hai là sân tập, đào tạo có chủ trương và có giấy phép đào đạo nhưng sử dụng đất chưa đúng mục đích, chưa thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định, gồm 4 sân.

Nhóm thứ 3, UBND huyện có chủ trương cho làm các thủ tục đầu tư các sân, trường đào tạo tập lái: 3 sân. 3 sân này Thanh tra Sở Xây dựng và UBND huyện đã lập biên bản, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đến thời điểm này, các chủ đầu tư của 3 sân tập đã chấp hành xong quy định.

Nhóm thứ 4, UBND huyện có cấp chủ trương cho chủ đầu tư thực hiện các thủ tục liên quan, nhưng qua kiểm tra thực tế, các đơn vị này chưa đầu tư xây dựng mà vẫn giữ nguyên mục đích sử dụng đất nông nghiệp: 3 trường hợp. Với vi phạm sử dụng không đúng mục đích, không có giấy phép xây dựng, Sở đã có văn bản đề nghị huyện Bình Chánh xử lý dứt điểm tình trạng này.

Sở Giáo dục và Đào tạo: Các khoản thu phải công khai bằng văn bản đến phụ huynh

Liên quan đến việc thu quỹ trường, quỹ lớp dịp năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản phản hồi Trung tâm Báo chí Thành phố với thông tin: Tất cả các tên các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục (không bao gồm học phí) phải đảm bảo đúng tên của 26 nội dung khoản thu thuộc 4 nhóm theo phân loại của Phụ lục đính kèm Nghị quyết số 04/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 của Hội đồng nhân dân Thành phố.

Về mức thu, tất các mức thu của khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục (không bao gồm học phí) phải đảm bảo không vượt mức thu tối đa theo quy định cùng từng nhóm theo phân loại địa bàn.

Tất cả các khoản thu phải được các đơn vị thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến phụ huynh, học sinh, sinh viên; bộ phận tài vụ của nhà trường thực hiện thu tiền, phát hành biên lai, hóa đơn thu tiền cho từng học sinh, sinh viên, không giao cho giáo viên trực tiếp thu, chi tiền và đồng thời thực hiện đầy đủ các chế độ quản lý tài chính theo quy định. Yêu cầu tất cả khoản thu phải đảm bảo thanh toán không dùng tiền mặt.

Ngoài ra, các đơn vị phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thu chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục trực thuộc theo phân cấp quản lý, kịp thời chấn chỉnh tình trạng thu các khoản thu không đúng quy định.

Xem xét, đánh giá khả năng tiếp nhận chất thải của bãi rác Đa Phước

Liên quan đến bãi rác Đa Phước, lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM từng công bố khu chôn lấp ở bãi rác Đa Phước sẽ đầy công suất thiết kế và bị đóng cửa vào năm 2024. Mới đây, Sở này cho biết đối với bãi rác Đa Phước, UBND TPHCM đã có chỉ đạo giao sở phối hợp cùng các sở ngành liên quan, đề nghị Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) hoàn thiện hồ sơ, pháp lý trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với việc tiếp nhận, xử lý vượt công suất thiết kế. Thông tin về tiến độ các hồ sơ trên, ông Trần Nguyên Hiền, Trưởng phòng quản lý chất thải rắn (Sở Tài nguyên - Môi trường) cho biết, TP đang tổ chức thực hiện 2 giải pháp.

Đại diện Sở TN-MT thông tin về hoạt động bãi rác Đa Phước. Ảnh: Huyền Mai

Thứ nhất, về lựa chọn nhà đầu tư mới nhằm thực hiện công nghệ đốt rác phát điện căn cứ theo quy định của Luật đầu tư và phương thức đối tác công tư, TP đang thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đối với giải pháp này. Thứ hai, đối với việc khuyến khích các chủ đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện hữu, thực hiện chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sang đốt phát điện (các chủ dự án đang có hợp đồng xử lý rác với TP và có thời gian hợp đồng còn thời hạn), ông Hiền nhận định giải pháp đang thực hiện chậm, chưa đáp ứng hiện trạng phát sinh chất thải trên địa bàn TP.

Nhằm giải quyết khó khăn nêu trên, trước chỉ đạo của UBND TPHCM, Công ty VWS đang phối hợp với các chuyên gia trong và ngoài nước, làm việc với các bộ ngành, các cấp có thẩm quyền để xem xét, đánh giá khả năng tiếp nhận sau khi bãi rác Đa Phước đạt công suất theo hợp đồng đã ký với TP.

Công an TPHCM nêu 16 thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng

Trả lời câu hỏi của phóng viên về các thủ đoạn lừa đảo người tiêu dùng gần đây, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng đã không ngừng xây dựng những kịch bản mới đánh vào tâm lý, nhu cầu, lòng tham của bị hại.

Thượng tá Lê Mạnh Hà. Ảnh: Huyền Mai

Khi người dân đăng nhập các phần mềm thì chúng đánh cắp thông tin, dẫn dụ, đe dọa cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, chuyển tiền, góp vốn đầu tư... từ đó chiếm đoạt tài sản.

Thượng tá Lê Mạnh Hà cho rằng, về bản chất, các thủ đoạn không mới, đối tượng chỉ thay đổi câu chuyện lừa đảo nhưng nhiều người vẫn bị dẫn dụ và thực hiện theo yêu cầu. Dù dưới bất kỳ hình thức nào, mục đích cuối cùng của chúng là lừa chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Đại diện Công an TPHCM đã nêu ra 16 thủ đoạn cụ thể như sau:

1/ Giả danh cơ quan pháp luật gọi điện thoại yêu cầu nộp tiền vào tài khoản để chứng minh phục vụ điều tra;

2/ Giả danh nhân viên ngân hàng hướng dẫn sử dụng phần mềm, hoặc rút tiền mặt từ tài khoản tín dụng để chiếm đoạt; Lừa cung cấp dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng và vay tiền trực tuyến.

3/ Lừa nâng cấp sim, khi thực hiện theo hướng dẫn sẽ bị khóa sim và mất tài khoản đăng ký ngân hàng theo sim;

4/ Gọi điện thông báo trúng thưởng, yêu cầu nộp thuế, phí, cước vận chuyển.

5/ Bẫy tình trên mạng xã hội: Giả người nước ngoài làm quen, gửi quà tặng, sau giả làm Hải quan yêu cầu chuyển tiền phí, thuế..

6/ Tuyển cộng tác viên bán hàng, tuyển kế toán, tuyển cộng tác viên tham gia quảng cáo

7/ Mạo danh bảo hiểm xã hội

8/ Lừa đảo chuyển tiền làm từ thiện hưởng hoa hồng

9/ Lừa cho số đề để đánh: Nếu trúng chia hoa hồng, không trúng mất phí

10/ Hack facebook, Zalo gửi mượn tiền bạn bè để lừa đảo chiếm đoạt tiền, thậm chí chúng còn làm giả CMND để đăng ký tài khoản; sử dụng ứng dụng Deepface giả hình ảnh để gọi video call lừa vay tiền

Lập facebook giả và lấy hình để gửi kết bạn, nhờ bấm mã QR code để bình chọn cuộc thi. Khi thực hiện theo thao tác sẽ bị chiếm quyền Zalo và gửi tin nhắn vay tiền cho bạn bè

11/ Làm nhiệm vụ qua ứng dụng: Lừa tham gia ứng dụng kiếm tiền, thực hiện nhiệm vụ, đóng tiền làm nhiệm vụ. Khi số tiền lớn thì mất tiền...

12/ Lừa đảo làm việc tại nhà việc nhẹ, lương cao, linh động thời gian

13/ Lừa đảo đầu tư tài chính

14/ Lừa đào mua hàng trực tuyến như vụ: Làm giả trang web bán vé máy bay, gửi thông tin vé giả để chiếm đoạt tiền mua vé máy bay

15/ Lừa cho vay tiền lãi suất thấp

16/ Lập zalo, facebook giả của lãnh đạo để gửi mượn tiền nhân viên

Bình luận (0)

Lên đầu trang