Từ vụ Việt Á, AIC, làm rõ điều kiện phát sinh tội phạm

Thứ Năm, 07/09/2023 08:34

|

(CATP) Qua kết quả điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn về nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm để chấn chỉnh, phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự thời gian tới.

Quyết tâm cao

Ngày 06/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ 10, thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phòng, chống tham nhũng năm 2023.

Báo cáo của Chính phủ phản ánh, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được đẩy mạnh, thường xuyên được rà soát, điều chỉnh phù hợp với thực tế; kiên quyết làm rõ, quy trách nhiệm chính trị của người đứng đầu để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong lĩnh vực được phân công quản lý, phụ trách.

Trong kỳ báo cáo (từ 01/10/2022 đến ngày 31/7/2023) đã phát hiện 4.946 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 13,6%), 679 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ (nhiều hơn 71,46%). Các cơ quan đã phát hiện, điều tra xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực với phương châm "xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực", thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt.

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Điển hình là các vụ án Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Tập đoàn FLC), vụ án Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Tân Hoàng Minh), vụ án Công ty Việt Á, vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC.

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ nêu ý kiến tại phiên họp

Đáng chú ý, Chính phủ chỉ ra, tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến phức tạp. Nổi lên là các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm định an toàn phương tiện giao thông, đào tạo, sát hạch lái xe, khai thác tài nguyên, khoáng sản; vi phạm quy định về quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá; vi phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, có sự cấu kết giữa doanh nghiệp và cán bộ ngân hàng...

Từ thực tiễn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ đã rút ra một số bài học kinh nghiệm, trong đó thực hiện đồng bộ giữa xử lý kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước và xử lý hình sự. Kỷ luật của Đảng thực hiện trước, tạo tiền đề để kỷ luật hành chính và xử lý hình sự. Ngoài ra, điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt trong trường hợp đối tượng bỏ trốn đã cho thấy tính nghiêm minh của pháp luật và quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước, là hồi chuông cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa có hiệu quả.

Tăng tội phạm "ẩn"

Tán thành với các nhận định của Chính phủ, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đánh giá, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực còn diễn ra ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý. Bằng chứng là có nhiều cán bộ, công chức, lãnh đạo, quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị đã bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự do liên quan đến các vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, Công ty Việt Á, Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC, vụ án chuyến bay giải cứu...

Giải pháp cho vấn đề trên đã được Chínhh phủ chỉ ra trong nhiều báo cáo. Lần này, bên cạnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, thi hành án; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng..., cần rà soát, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường lưu ý, qua kết quả điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp như vụ chuyến bay giải cứu, vụ AIC..., nhóm nghiên cứu của Ủy ban đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn về nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm để chấn chỉnh, phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự thời gian tới.

Nêu ý kiến tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ làm rõ thêm về số liệu tội phạm gia tăng. Theo Thứ trưởng, số tội phạm tăng là nhóm tội phạm "ẩn" (tội phạm kinh tế, buôn lậu, ma túy). Còn nhóm tội phạm "rõ” chỉ tăng 0,8% so với thời điểm trước dịch Covid-19. "Tăng tội phạm "ẩn" là dấu hiệu tốt, vì phát hiện được nhiều. Tội phạm "ẩn" mà không phát hiện được mới là điều đáng lo" - Thứ trưởng Bộ Công an phân tích.

Bình luận (0)

Lên đầu trang