Xét xử vắng mặt đối tượng cầm đầu bỏ trốn: Xây dựng án lệ áp dụng chung

Thứ Tư, 06/09/2023 09:13  | Hải Triều

|

(CATP) Căn cứ quy định của pháp luật, lần đầu tiên 3 ngành thống nhất khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt với Nguyễn Thị Thanh Nhàn (đối tượng cầm đầu trong vụ AIC Đồng Nai), kịp thời răn đe, phòng ngừa chung, xây dựng án lệ để áp dụng.

Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã ký báo cáo gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tình hình, kết quả công tác quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ.

Tại báo cáo này, Đại tướng Tô Lâm cho biết, về mặt pháp luật, các quy định cơ bản đã đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ.

Đáng chú ý, nếu trước đây khi đối tượng cầm đầu bỏ trốn, các cơ quan tố tụng phải tạm đình chỉ, chờ truy bắt được đối tượng mới tiếp tục xử lý, thì nay đã điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt đối tượng cầm đầu bỏ trốn.

"Lần đầu tiên, căn cứ quy định của pháp luật, 3 ngành thống nhất khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt đối với Nguyễn Thị Thanh Nhàn (đối tượng cầm đầu trong vụ AIC Đồng Nai), kịp thời răn đe, phòng ngừa chung, xây dựng án lệ để áp dụng" - Chính phủ nêu.

Thống kê tổng số vụ việc tạm đình chỉ đến ngày 31/7/2023, Chính phủ thông tin, hiện cả nước có 65.929 vụ việc tạm đình chỉ. Số vụ việc tạm đình chỉ tồn đọng chủ yếu tập trung ở các tội phạm: lừa đảo chiếm đoạt tài sản (LĐCĐTS) chiếm 36,66%; trộm cắp tài sản (TCTS) chiếm 15,39%; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (CĐTS) chiếm 10,09%; cố ý gây thương tích (CYGTT) chiếm 9,15%...

Với vụ án, cùng đến thời điểm trên, cả nước co 108.590 vụ án tạm đình chỉ với 7.891 bị can. Số vụ án tạm đình chỉ tồn đọng chủ yếu tập trung vào các tội phạm như: TCTS chiếm 44,10% về số vụ, 11,86% về số bị can; LĐCĐTS chiếm 11,7% về số vụ, 14,25% về số bị can; CYGTT chiếm 7,93% về số vụ, 11,14% về số bị can.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an

Vẫn theo Chính phủ, công tác quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, một số vụ án, vụ việc phải xác định tỷ lệ tổn hại sức khỏe của người bị hại, nguyên nhân chết làm căn cứ xác định tính chất, mức độ hành vi phạm tội để xử lý theo quy định pháp luật.

Khó khăn, vướng mắc nữa là quy định của pháp luật hình sự chỉ quy định các trường hợp có quyết định truy nã thì không xác định thời hiệu. Những trường hợp có quyết định truy tìm (người bị nghi thực hiện tội phạm, người bị tố giác, kiến nghị bỏ trốn hoặc không biết ở đâu) vẫn tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Do vậy, các đối tượng thường lợi dụng bỏ trốn, không hợp tác làm việc, dẫn đến hết thời hạn xác minh giải quyết nguồn tin chưa đủ tài liệu, chứng cứ để ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố, buộc phải tạm đình chỉ, từ đó làm tăng số lượng vụ việc tạm đình chỉ.

Ngoài ra, một số vụ án, vụ việc liên quan đến yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự thường kéo dài, thậm chí không có văn bản trả lời, khi hết thời hạn điều tra vẫn chưa có tài liệu tương trợ tư pháp từ phía nước ngoài nên phải tạm đình chỉ điều tra hoặc chưa có căn cứ để phục hồi giải quyết dứt điểm...

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế, bảo đảm công tác quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, Chính phủ cho rằng cần tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật; đề cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Với vụ án, vụ việc mới thụ lý, theo Chính phủ, cần kiểm soát chặt chẽ, nâng cao chất lượng công tác xác minh giải quyết nguồn tin về tội phạm, công tác điều tra vụ án, bảo đảm việc ra quyết định tạm đình chỉ vụ việc, vụ án phải có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Chính phủ cũng đặt ra giải pháp nghiêm túc xem xét kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có vi phạm trong quá trình quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ, đồng thời đề nghị Viện KSND Tối cao đẩy mạnh việc ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với các quốc gia, vùng lãnh thổ; tăng cường hợp tác quốc tế trong việc tổ chức xác minh truy bắt đối tượng truy nã có truy nã quốc tế qua kênh Interpol và các nước có biên giới với Việt Nam.

Với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ kiến nghị quan tâm chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Cụ thể, sửa đổi quy định "khỏi bệnh" tại khoản 1 Điều 290, khoản 2 Điều 452, khoản 2 Điều 454 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và khoản 1 Điều 139 của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 theo hướng tình trạng bệnh ổn định, không cần áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Quy định "không được phân biệt đối xử" tại khoản 1 Điều 138 của Luật Thi hành án hình sự được kiến nghị sửa đổi theo hướng không phân biệt đối xử trong điều trị người bị bắt buộc chữa bệnh, nhưng có chế độ quản lý riêng của Bộ Y tế.

Cạnh đó, kiến nghị bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 149 Bộ luật Tố tụng hình sự nội dung "Viện kiểm sát ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố" và bổ sung vào Bộ luật Tố tụng hình sự về "Bảo quản, xử lý vật chứng, tài sản, đồ vật tài liệu từ giai đoạn giải quyết nguồn tin và quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự".

Bình luận (0)

Lên đầu trang