Từ 1-6, sẽ chính thức áp dụng án lệ vào xét xử. Đây được coi là một bước tiến lớn trong hoạt động xét xử theo tinh thần Nghị quyết số 49/NQ-TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị.
(CAO) Ngày 18-4, tại trụ sở Trung ương Đảng, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Nghị quyết số 49/NQ-TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị ngày 2/6/2005 đã đề ra mục đích xây dựng và hoàn thiện từng bước hoạt động của Toà án nhân dân là “TANDTC có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm và tái thẩm”.
Thể chế hóa các quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 đã quy định nhiều điểm mới về chức năng, nhiệm vụ và các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của các Tòa án. Theo đó, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) có nhiệm vụ “Lựa chọn các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết và phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử” (điểm c, khoản 2, Điều 22 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân).
Hội nghị triển khai án lệ
Ngày 28-10-2015, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã thông qua Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.
Ngày 6-4-2016, 6 án lệ đầu tiên của Việt Nam đã được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao thông qua và được Chánh án TANDTC ban hành kèm theo Quyết định số 220/QĐ-CA; các tòa án nhân dân và Tòa án quân sự trên toàn quốc có trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử kể từ ngày 01/6/2016. Đây có thể nói là một bước tiến lớn trong hoạt động xét xử của Tòa án theo tinh thần Nghị quyết số 49/NQ-TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị.
Theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán – Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ thì Án lệ được lựa chọn phải đáp ứng được các tiêu chí sau đây: Chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể. Có tính chuẩn mực. Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau.
Theo Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn, áp dụng án lệ chính là phương thức hiệu quả để khắc phục các khiếm khuyết của pháp luật, bảo đảm việc áp dụng pháp luật thống nhất trong xét xử, tạo lập tính ổn định, minh bạch và tiên liệu được trong các phán quyết của Tòa án, qua đó có tác dụng hướng dẫn các hành vi ứng xử không chỉ đối với các bên trong vụ án, mà còn đối với cả cộng đồng xã hội.
(CAO) "Để đảm bảo tính độc lập của xét xử, thẩm phán phải đảm bảo 2 tiêu chí. Thứ nhất là sự dũng cảm để bảo đảm tính độc lập, thứ hai rất quan trọng là có đủ kiến thức để giữ được sự dũng cảm đó" - là ý kiến của Đại biểu Trần Du Lịch, Đại biểu Quốc hội TPHCM tại kỳ họp thứ 11 - Quốc hội khóa XIII sáng ngày 29-3.
Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.
6 án lệ gồm:
- Án lệ số 01/2016/AL: Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 04/2014/HS-GĐT ngày 16-4-2014 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về vụ án “Giết người” đối với bị cáo Đồng Xuân Phương (sinh năm 1975, TP. Hải Phòng).
- Án lệ số 02/2016/AL: Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 27/2010/DS-GĐT ngày 08-7-2010 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về vụ án “Tranh chấp đòi lại tài sản” tại tỉnh Sóc Trăng giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Thảnh với bị đơn là ông Nguyễn Văn Tám.
- Án lệ số 03/2016/AL: Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 208/2013/DS-GĐT ngày 3-5-2013 của Toà dân sự TAND tối cao về vụ án “Ly hôn” tại Hà Nội giữa nguyên đơn là chị Đỗ Thị Hồng với bị đơn là anh Phạm Gia Nam.
- Án lệ số 04/2016/AL: Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 04/2010/QĐ-HĐTP ngày 3-3-2010 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” tại TP. Hà Nội giữa nguyên đơn là bà Kiều Thị Tý, ông Chu Văn Tiến với bị đơn là ông Lê Văn Ngự.
- Án lệ số 05/2016/AL: Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 39/2014/DS-GĐT ngày 9-10-2014 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế” tại TP.Hồ Chí Minh giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Thưởng, bà Nguyễn Thị Xuân với bị đơn là ông Nguyễn Chí Trải, chị Nguyễn Thị Thuý Phượng, bà Nguyễn Thị Bích Đào.
- Án lệ số 06/2016/AL: Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 100/2013/GĐT-DS ngày 12-8-2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về vụ án “Tranh chấp thừa kế” tại Hà Nội, giữa nguyên đơn là ông Vũ Đình Hưng với bị đơn là bà Vũ Thị Tiến (tức Hiền), bà Vũ Thị Hậu.
http://dangcongsan.vn/thoi-su/tu-1-6-ap-dung-an-le-trong-xet-xu-391119.html
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam