Thẩm phán phải đủ dũng cảm và kiến thức để đảm bảo tính độc lập của xét xử

Thứ Ba, 29/03/2016 11:15  | Linh Vũ

|

(CAO) "Để đảm bảo tính độc lập của xét xử, thẩm phán phải đảm bảo 2 tiêu chí. Thứ nhất là sự dũng cảm để bảo đảm tính độc lập, thứ hai rất quan trọng là có đủ kiến thức để giữ được sự dũng cảm đó" - là ý kiến của Đại biểu Trần Du Lịch, Đại biểu Quốc hội TPHCM tại kỳ họp thứ 11 - Quốc hội khóa XIII sáng ngày 29-3.

Đại biểu Trần Du Lịch nêu ý kiến

Ngày 29-3, Quốc hội dành thời gian hảo luận ở hội trường về các báo cáo nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

Đại biểu Trần Du Lịch, Đại biểu Quốc hội TPHCM nêu ý kiến:

 “Trong nhiệm kỳ vừa qua, Chủ tịch nước toàn tâm toàn ý thực hiện nhiệm vụ, luôn trăn trở với sự phát triển của đất nước, vấn đề an ninh, bảo vệ chủ quyền. Chủ tịch nước gắn bó chặt chẽ với cứ tri, trong đó tham gia trực tiếp xem xét khiếu nại của công dân trong khá nhiều kỳ họp, đóng góp quan trọng, tạo điều kiện trong hoạt động khiếu nại thành công.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ vừa rồi có những điểm nổi bậc như: Chính phủ kiên trì 3 mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát; tăng trưởng hợp lý; giải quyết vấn đề an sinh xã hội. Tất cả quy định từ việc xây dựng pháp luật để trình ra Quốc hội, ban hành các quyết định của Chính phủ đều kiên trì làm sao “thị trường nhiều hơn”, lấy cơ sở hội nhập như một phương thức để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá. Chính vì vậy, kết quả đạt được là cải thiện hệ thống pháp luật và môi trường đầu tư. Chính phủ đàm phán thành công các hiệp định song phương, quan hệ mới, đặc biệt là TPP trong hoạt động nâng tầm đất nước.

Vấn đề quan trọng còn lại tôi muốn nhấn mạnh là căn cứ vào chiến lược 10 năm (2011-2020). 5 năm đi qua, chúng ta đạt được những thành quả quan trọng, nhưng 5 năm còn lại còn khá nhiều nhiệm vụ nặng nề. Vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm: nông nghiệp đứng trước khó khăn kép là vấn đề thị trường và điều kiện tự nhiên; quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn chậm; tình trạng doanh nghiệp trong nước suy yếu và những thách thức cho doanh nghiệp trong nước trong thời gian tới khá khó khăn.

Chúng ta thành công trong việc thực hiện 3 vấn đề ưu tiên về tái cơ cấu (đầu tư công, ngân hàng thương mại, doanh nghiệp nhà nước), nhưng chỉ mới đi giai đoạn khởi đầu để tạo được sự ổn định, bước tiếp theo sẽ còn rất nặng nề. Nguyên nhân sâu xa của nợ công, lãng phí xuất phát từ luật ngân sách nhà nước, cơ chế lồng ghép và chúng ta chưa mạnh dạn xử lý vấn đề này từ gốc đến ngọn. Để triển khai luật tổ chức chính quyền địa phương, vấn đề phân quyền, phân cấp, uỷ quyền là thách thức của Chính phủ. Chính phủ phải rà lại toàn bộ hệ thống pháp luật để tăng tính tự chủ địa phương”.

Toà án, Viện kiểm sát đạt được nhiều nổi bậc, trong đó đáng chú ý là việc tích cực cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng xét xử và chống oan sai. Tuy nhiên, đại biểu Trần Du Lịch có 3 kiến nghị:

“Nguyên tắc 2 cấp xét xử là nguyên tắc quan trọng, do đó, đừng xem việc toà án phúc phẩm huỷ bản án sơ thẩm như là sai phạm mà xét thi đua khen thưởng, làm như vậy khuyến khích 2 toà thông với nhau, chủ nghĩa thành tích như vậy là không đúng.

Để chống oan sai, vấn đề xác định tội danh là vô cùng quan trọng. Thông thường, những vụ án quan trọng, 3 cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án hội ý, trao đổi chủ trương, thực chất là xác định tội danh. Khi 3 cơ quan này thống nhất thì ra toà, luật sư cũng vô phương. Việc xác định tội danh phải bảo đảm tính độc lập và kiểm soát lẫn nhau theo luật tố tụng.

Để đảm bảo tính độc lập của xét xử, thẩm phán phải đảm bảo 2 tiêu chí. Thứ nhất là sự dũng cảm để bảo đảm tính độc lập, thứ hai rất quan trọng là có đủ kiến thức để đảm bảo sự dũng cảm đó.

Hy vọng những kiến nghị này được toà án, viện kiểm sát xem xét”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang