Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Có dấu hiệu lợi ích ngành len vào khiến nhiều quy định trong luật đứng trên Hiến pháp

Thứ Hai, 28/03/2016 15:59  | Anh Duy

|

(CAO) Đó là trăn trở của đại biểu Trương Trọng Nghĩa- Đại biểu Quốc hội TP.HCM trong phiên họp thứ 11- Quốc hội khóa XIII vào chiều nay 28-3. Đánh giá nhiệm kỳ vừa qua, ông cho rằng Quốc hội chưa làm hết trách nhiệm của mình trong hoạt động lập pháp và giám sát các bộ luật được ban hành.

Đại biểu Nghĩa nhấn mạnh trong nhiệm kỳ vừa qua, dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào nghị quyết xây dựng luật, nhiều bộ luật cần phải thông qua nhưng đến phút chót, cơ quan soạn thảo lại xin lùi, xin hoãn. Đơn cử là hai luật Thành lập hội và luật Biểu tình. Dù đã được Ủy ban quốc phòng- an ninh thẩm định nhưng hai bộ luật này được đề cập vào đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII nhưng đến nay đã cuối khóa vẫn chưa thấy bóng dáng đâu.

Đại biểu Nghĩa mạnh mẽ chỉ trích: “Đã đưa một bộ luật vào nghị quyết xây dựng thì khi không hoàn thành luật để trình Quốc hội thì phải bị xem là không hoàn thành nhiệm vụ, phải bị chế tài. Còn nếu nhắm làm không được thì đừng đưa vào nghị quyết”.

Một vấn đề khác gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp là nhiều quy định trong các bộ luật khi được ban hành có độ chênh với Hiến pháp - bộ luật tối cao của đất nước.

Cụ thể, đại biểu Trương Trọng Nghĩa khẳng định có nhiều bộ luật ông thấy các quy định trong đó còn sơ sài hơn cả Hiến pháp. Cơ quan soạn thảo luật cho ra nhiều quy định có tính thuận lợi cho bên hành pháp, nhằm tạo thuận lợi cho cơ quan công quyền của Nhà nước, còn bất lợi thì lại đẩy về phía người dân và doanh nghiệp , tạo ra một “vùng xám” tinh vi trong hệ thống luật.

Ông Nghĩa nêu thực trạng nhiều dự thảo luật trình lên Quốc hội đã nhận được đồng thuận, nhất trí cao, được các đại biểu nhất trí nhưng khi Quốc hội bấm nút thông qua bộ luật hoàn chỉnh được trình lên thì phát hiện các quy định trong bộ luật đó đã bị thay đổi về nội dung khác với lúc đầu (so với dự thảo), có dấu hiệu để lợi ích ngành chen vào khi soạn thảo nhằm đưa ra những quy định có lợi cho ngành mình quản lý mà luật đó quy định.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu trong phiên họp Quốc hội chiều 28-3 

Đại biểu Nghĩa nhấn mạnh, xây dựng luật không thể để luật đứng trên Hiến pháp, phải đảm bảo nội dung và lời văn trong Hiến pháp, không để lợi ích ngành chen vào làm hạn chế tinh thần của Hiến pháp.

Ông Nghĩa cũng trăn trở với hàng loạt vụ vi phạm pháp luật trắng trợn vừa qua: từ thực trạng khai thác cát, phá rừng, đến xây nhà vượt tầng. Vị đại biểu của TP.HCM chua xót: “ Luật phải có tầm nhìn. Tư duy trong luật phải đi trước tư duy của tội phạm và mạnh hơn tội phạm. Nhưng tôi thấy ở nước ta, tội phạm không cần tinh vi, không cần trắng trợn vẫn lách luật dễ dàng”.

Theo đại biểu Nghĩa, điều đó thể hiện tầm nhìn xây dựng luật của ta còn yếu, không “đón đầu” được thủ đoạn của tội phạm.

Hằng ngày, nhất là ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM chỉ một việc bình thường là tham gia giao thông cũng có nhiều chuyện đáng nói. Người dân phải bước xuống lòng đường để đi, thậm chí khi bước lên vỉa hè đi cho “đúng luật” còn bị các hộ kinh doanh trái phép, lấn chiếm vỉa hè xúc phạm, xua đuổi buộc họ phải đi xuống lòng đường.

“Chỉ một ngày các vị đại biểu quốc hội ngồi đây chịu khó xuống đường sẽ chứng kiến người dân bị xúc phạm, xâm hại an toàn sống đến dường nào”- ông chia sẻ.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh vì nước ta chưa có cơ quan độc lập như Tòa án Hiến pháp như ở các nước để xét xử những vụ việc vi hiến trong quá trình thi hành luật nên Quốc hội phải là cơ quan đi đầu, chịu trách nhiệm giám sát thi hành pháp luật để bổ sung, sửa chữa kịp thời luật pháp, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.

Kết thúc phần phát biểu, đại biểu Trương Trọng Nghĩa phản ánh ý kiến của cử tri rằng thời gian qua Quốc hội chưa phản ứng đúng mức độ về tình hình Biển Đông trước những hành vi gây hấn ngày một tăng của Trung Quốc, ông Nghĩa mong nhiệm kỳ sau Quốc hội cần chú trọng việc này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang