(CAO) Các băng nhóm tội phạm đã liên kết với nhau để phân chia lãnh địa, liên kết vùng miền, liên kết với giới tội phạm nước ngoài hay thậm chí là tội phạm đang ở trong tù.
Sáng ngày 25-3, lãnh đạo Công an của 9 tỉnh thành ở khu vực phía Nam như: Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Bình Thuận, Tây Ninh, Bình Phước, Vũng Tàu… cùng lãnh đạo Tổng Cục Cảnh sát tổ chức hội nghị, nhằm bàn về tình hình tội phạm ở khu vực giáp ranh.
Định vị đối thủ
Theo nhận định của cơ quan chức năng, tội phạm hình sự tại khu vực giáp ranh có xu hướng chuyển dịch, từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam hoạt động. Tội phạm nước ngoài (Đài Loan, Trung Quốc) thâm nhập vào Việt Nam có xu hướng gia tăng. Tội phạm có xu thế đan xen giữ hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường vào thỏa hiệp với nhau về phân chia địa bàn.
Thiếu tướng Phan Anh Minh tại hội nghị - Ảnh: Nguyễn Tuấn
Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM nói: “Phía Công an TP.HCM đã tốn rất nhiều công sức và nghiệp vụ để phát hiện các băng nhóm hoạt động có tổ chức, sử dụng vũ khí nóng. Đặc biệt là kịp thời ngăn chặn chúng gây ra hậu quả. Mới đây, phòng Cảnh sát ma túy vừa chặn đứng âm mưu hai băng nhóm buôn bán ma túy thanh toán nhau, thu giữ được 4 khẩu súng. Một nhóm đã móc nối với nhà mạng để định vị được vị trí đối thủ. Khi chúng đang tập trung hàng nóng, dao kiếm, mã tấu, súng ống ở một quán cà phê thì bị bắt giữ”.
Theo tướng Minh, thách thức lâu dài cho tình hình an ninh trật tự phía Nam là hiện tượng các đối tượng phía Bắc vào Nam hành nghề cho vay nặng lãi. Tất cả đều tàng trữ vũ khí nóng hay vũ khí thô sơ dùng để cưỡng đoạt tài sản.
Nói về mô hình “hiệp sĩ”, ông Minh cho hay, TP.HCM cũng muốn triển khai mô hình “hiệp sĩ” như Bình Dương. Tuy nhiên cần phải có các hướng dẫn cụ thể cho các hoạt động của họ. Họ bắt cướp là vì lòng tốt, vì tinh thần nghĩa hiệp nhưng đôi khi lại vượt quá giới hạn pháp luật cho phép.
“Tội phạm bây giờ rất giỏi”
Đại tá Vũ Hoàng Kiên, Cục phó Cục Cảnh sát hình sự (C45 – Bộ Công an) cho biết: “Ở khu vực phía Nam hiện có khoảng 89 băng nhóm với 615 đối tượng có biểu hiện hoạt động với hành vi trộm, cướp giật, gây thương tích hay buôn người. Đa số các vụ trọng án như giết người, cướp của ở địa bàn giáp ranh, các cơ quan chức năng đều khám phá thành công, đảm bảo giữ vững an ninh trật tự. Tuy nhiên, tội phạm trộm cắp như trộm tiệm vàng, két sắt, trộm ở biệt thự diễn ra đặc biệt phức tạp.
Đặc thù của các băng nhóm hiện nay là tái lập rất nhanh, tan rã rất nhanh và cũng mở rộng rất nhanh. Số lượng có thể vài tên hay hàng hàng trăm tên. Chúng hoạt động lưu động, có tính cơ động cao”.
Theo ông Kiên, với tội phạm trộm cắp thì chúng tổ chức luyện tập, thao tác rất kỹ lưỡng ở nhà. Đến khi đi trộm thì chỉ cần vài thao tác như phá khóa, mở cửa là đột nhập thành công. Chúng lại có kiến thức trong việc xóa dấu vết, đeo găng tay, xóa dấu ADN.
Băng nhóm trộm hoạt động lưu động, có khi sáng trộm miền Bắc, trưa cùng ngày thì đã có mặt ở Sài Gòn làm vụ tiếp theo. Cơ quan chức năng cần chú trọng khám nghiệm hiện trường, cần quy trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và đơn vị Cảnh sát hình sự. Nếu để địa phương xảy ra băng nhóm tội phạm hoạt động, không kìm hãm hay triệt phá được.
Tại cuộc họp, Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho rằng: “Chúng ta có cả một hệ thống chính quyền, từ công an, dân phòng, bảo vệ khu phố rồi phong trào quần chúng. Không có lý do gì để khiến tội phạm ngày càng lộng hành”.
Thiếu tướng Hùng giao nhiệm vụ sắp tới cho công an các tỉnh thành phía Nam là tăng cường ráo riết các biện pháp chống trộm cắp, cướp giật, các vụ đâm chém và tiêu thụ tài sản. Đây là các vụ việc thường gây bức xúc cho đời sống người dân.