Người bệnh đang phải mua thuốc với giá quá cao!

Thứ Sáu, 25/03/2016 12:39

|

(CAO) Đó là ý kiến của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn TP.HCM khi thảo luận về quản lý giá thuốc. Theo đại biểu Lan, một thuốc dù nhập khẩu hay sản xuất trong nước nhưng phải trải qua quá nhiều tầng lớp trung gian thì khi đến tay người tiêu dùng sẽ bị đội giá lên cao.

Trước khi thảo luận tại hội trường về những ý kiến khác nhau của Luật dược (sửa đổi) sáng 25-3, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết: Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật dược (sửa đổi) có những chính sách mới so với dự thảo Luật dược 2005.

Trong đó, đã có những chính sách ưu tiên phát triển y học cổ truyền; chính sách mới về quản lý các loại thuốc (như hạn chế bán rộng rãi một số loại thuốc có nguy cơ dễ bị lạm dụng hoặc dễ gây kháng thuốc (thuốc hướng thần, gây nghiện, thuốc chữa sốt rét, lao, HIV); kiểm soát việc sử dụng một số nguyên liệu làm thuốc thông thường nhưng lại là hóa chất cấm của ngành khác (như Sabutamol chữa hen nhưng lại bị lạm dụng thành chất tạo nạc trong chăn nuôi); nâng cao chất lượng người hành nghề dược và cơ sở kinh doanh dược thông qua việc mở rộng đối tượng phải cấp chứng chỉ hành nghề dược; mở rộng dịch vụ bán thuốc nhằm đáp ứng yêu cầu nhân dân như cho phép bán một số loại thuốc không kê đơn tại một số cơ sở kinh doanh như siêu thị, cửa hàng tiện ích.

Khuyến khích và giao nhiệm vụ một số nhà thuốc bán thuốc ban đêm; cho phép khuyến mại thuốc để điều trị miễn phí cho bệnh nhân tại các bệnh viện; khuyến khích các cơ sở y tế thuộc lực lượng vũ trang tham gia cung ứng thuốc và nuôi trồng dược liệu tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính…

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu ý kiến tại nghị trường 

Bà Mai cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung hình thức kinh doanh thuốc qua mạng trong dự thảo Luật, nhưng qua thống kê của một số tổ chức quốc tế, có đến 90% thuốc kinh doanh qua mạng là bất hợp pháp và 50% thuốc bán qua mạng là thuốc giả. Do vậy, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong điều kiện hiện nay, để bảo đảm quyền của người dân được tiếp cận với thuốc tốt, chỉ nên quy định cho phép bán thuốc tại các cơ sở kinh doanh đáp ứng đủ điều kiện và chưa nên cho phép kinh doanh thuốc qua mạng.

Thảo luận về quản lý giá thuốc, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn TP Hồ Chí Minh cho rằng cần hạn chế các tầng lớp trung gian trong phân phối thuốc, độc quyền nâng giá thuốc, sắp xếp lại mạng lưới lưu thông phân phối thuốc đang quá dư thừa với gần 2000 công ty phân phối.

Lý do vì một thuốc dù nhập khẩu hay sản xuất trong nước nhưng phải trải qua quá nhiều tầng lớp trung gian thì khi đến tay người tiêu dùng sẽ bị đội giá lên cao. Về phía bệnh viện cũng phải triển khai đồng bộ các giải pháp để hạn chế tiêu cực trong kê đơn.

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, đoàn Ninh Thuận cho rằng, nếu không quản lý được giá thuốc, người bệnh đang phải mua với giá rất cao, có loại thuốc nhập về 4 triệu đồng, người bệnh phải mua với giá 14 triệu.

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên, đoàn Tiền Giang thì chỉ ra một thực tế: Hiện nay dược liệu của Việt Nam hầu như nhập từ nước ngoài, đa số đã bị chiết xuất hết các tinh chất, chỉ còn bã, sau đó đưa bán sang Việt Nam với giá chỉ bằng ¼ so với giá nguyên liệu cùng loại trong nước. Trong khi đó, việc kiểm soát chất lượng thì rất khó khăn do nhiều yếu tố. Vậy mà cứ đấu thầu, ai rẻ hơn sẽ trúng, đem thuốc ấy mà sản xuất, làm sao người bệnh khỏi được, vậy thì ngành y học cổ truyền sẽ triệt tiêu.

Đại biểu Tiên đề nghị phải chỉ định thầu thì các công ty dược sẽ bung ra liên kết với người dân, chứ người dân vùng nguyên liệu trồng ra không bán được thì ai trồng? Còn về đấu thầu cung cấp thuốc trong bệnh viện như hiện nay thì mọi sự đúng pháp luật, mọi sự đúng quy trình, xét về lý thì ngay nhưng tình gian, chỉ nhà nước mất tiền.

Bình luận (0)

Lên đầu trang