(CAO) Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 23-3-2016 về kiến nghị Quốc hội khóa XIV tiếp tục nghiên cứu đề xuất Trung ương cho các thành phố lớn, trong đó có TP Hồ Chí Minh thí điểm chính quyền đô thị.
Về vấn đề này, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, mặc dù Bộ Chính trị đã chỉ đạo xây dựng chính quyền đô thị tại TP HCM, nhưng hiện nay, mọi cơ chế vẫn như các đô thị khác.
Mặc dù Hiến pháp quy định, mô hình tổ chức của chính quyền địa phương ở những đô thị phải phù hợp với đặc điểm của đô thị đó.Vậy nhưng, theo Luật Chính quyền địa phương mới ban hành thì vẫn không có gì khác, vẫn là 3 cấp chính quyền, ngân sách vẫn giống đô thị khác, vấn đề cán bộ vẫn thế.
Có chăng là thêm một số chức năng, nhiệm vụ. Bà Tâm cho rằng, nếu thực hiện theo Luật Chính quyền địa phương thì rất bất cập đối với TPHCM. Vì vậy, đề nghị cho cơ chế riêng, nếu 5 năm nữa mới sửa thì quá lâu.
Bà Tâm cho biết, mô hình chính quyền địa phương theo đề xuất của TP HCM có 3 điểm khác, tính tự chủ của chính quyền đó rất cao, tự chịu trách nhiệm, làm cho chính quyền đó có điều kiện phát huy năng lực tiềm năng lợi thế của chính quyền đó, địa phương đó.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm
Ví dụ cơ chế tài chính, TP.HCM đề nghị giao cụ thể mỗi một năm nộp về Trung ương bao nhiêu, còn lại địa phương có quyền chi theo nhu cầu để đảm bảo sự phát triển của địa phương đó, làm sao cho giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước.
Hay về bộ máy hành chính, chỉ cần cho tổng biên chế giới hạn là bao nhiêu, thành phố có quyền đầu tư cho chỗ này biên chế nhiều hơn chỗ kia biên chế ít hơn, tùy theo yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Hiện nay vẫn theo cơ chế Sở này phải là bao nhiêu người, có một giám đốc bao nhiêu phó giám đốc, bao nhiêu biên chế đều đều nhau. Thành phố muốn trong điều hành của mình có thể linh hoạt.
Tổng quỹ lương cũng quy định bằng này, nhưng muốn thu hút đội ngũ cán bộ ở lĩnh vực này nhiều hơn với chất xám cao hơn, trình độ cao hơn với nhiều chuyên gia đầu ngành thì có thể trả lương theo yêu cầu để phát huy.
Hay có thể cho phép TP Hồ Chí Minh ban hành một số chính sách văn bản quy phạm pháp luật trong ngưỡng nhất định để làm tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn theo định hướng phát triển của mình.
Ví dụ TP HCM muốn hạn chế phương tiện cá nhân vì ùn tắc giao thông thì có thể ban hành chính sách, văn bản trong phạm vi nhất định để điều tiết việc đó trên địa bàn của mình để phát huy vai trò của đô thị lớn, đô thị đặc biệt.
Hiện nay, nếu áp dụng cơ chế đặc thù riêng cho TP Hồ Chí Minh thì sẽ “vướng” các quy định pháp luật, trong khi chờ sửa, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị, Quốc hội khóa tới cần ra một Nghị quyết riêng cho TP HCM thí điểm xây dựng chính quyền đô thị. Từ đó, lấy kết quả thí điểm làm thực tiễn điều chỉnh đường lối, chính sách, pháp luật.
Thực tiễn là câu trả lời sinh động nhất. Thành phố muốn làm thí điểm để cung cấp cho Trung ương, cho cả nước một thực tiễn về bộ máy chính quyền về cơ chế vận hành của bộ máy chính quyền phù hợp loại đô thị đặc biệt như TP.HCM vẫn giữ được đường lối, định hướng XHCN, giữ được quan điểm nhất quán của Đảng là chính quyền phục vụ nhân dân, đảm bảo điều kiện mình phát huy đầy đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, xứng tầm là đầu tàu kinh tế.
Bởi để vận hành một đầu tàu, cần có động lực để đẩy, để kéo thì mới vận hành được cả đoàn tàu.