Đại biểu Quốc hội TPHCM hiến kế chống hạn hán, xâm nhập mặn

Thứ Sáu, 25/03/2016 05:59  | Thanh Hoà

|

(CAO) Sáng 24-3-2016, tại buổi thảo luận tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011 - 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016 - 2020, nhiều đại biểu đoàn TPHCM rất lo lắng về tình trạng biến đổi khí hậu, biểu hiện rõ nhất là hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra hết sức khốc liệt tại Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng cần có sự đánh giá thiên tai xem ở mức độ nào. Đề nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo nhanh tình hình hạn hán xâm nhập mặn ở Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, và dự báo thời gian tới, từ đó đưa ra giải pháp. Quốc hội không thể không nói gì về vấn đề này.

Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng, trong báo cáo của Chính phủ về phát triển kinh tế thấy dự báo tình hình phát triển kinh tế nông nghiệp phụ thuộc vào rất nhiều thứ. Đơn cử như, chỉ trong năm nay, chúng ta mất cả triệu tấn do hạn hán, nếu không có tầm nhìn xa thì rất nguy hiểm. Nước ngoài xây đập thủy điện từ cách đây cả chục năm, vậy ta có nắm được không?.

Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM

Ông Đương đề nghị: “Phải nghiên cứu các giải pháp cụ thể, nhanh chóng giải quyết tình hình hiện nay, ví dụ như đắp đê bao chống mặn, nhà nhà đắp đê, ngành ngành đắp đê. Rồi đổi trồng lúa thành nuôi thủy sản, hay trong 6 tháng phải nghiên cứu ra được giống lúa mới có thể chịu được mặn... Chứ cứ hô hào như hiện nay không ăn thua, nước chả có uống, trồng lúa sao được, có hỗ trợ cũng chỉ tạm thời, phải làm rõ cách sử dụng nước tiết kiệm”.

Về kế hoạch sử dụng đất trong 5 năm tới, ông Đương cũng chỉ ra: “Hiện nay tình trạng lãng phí đất nông nghiệp rất lớn. Đất nông nghiệp, đặc biệt trồng lúa, có giữ được không, thực tế hiện nay nếu kiểm tra chưa chắc còn vì tốc độ đô thị hóa, cách sử dụng cũng lãng phí vô cùng. Nhiều nước còn bóc bê tông đi trả lại đất cho nông nghiệp, mình lại bỏ lãng phí.

Đại biểu Đỗ Văn Đương hiến kế: “Từng việc cụ thể mà làm thôi, chứ cứ ngồi đây mà hô hào chống tiêu cực, chống lãnh phí, không làm được đâu. Phải tranh thủ công nghệ, chứ công nghiệp mình đi sau, sao bằng nước ngoài được. Phải học công nghệ của Nhật, của Israel, biến rác thải thành công nghệ, báo chí cũng phải vào cuộc hiến kế, không chỉ phê bình…”.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng nhấn mạnh: “Trong nông nghiệp, phải tăng giá trị gia tăng bằng con giống, đầu tư công nghệ; cố gắng chi phối thị trường bằng kéo đầu tư nước ngoài, chúng ta phải có cái gì nhất thế giới thì mới kéo thị trường được. Trong vài thập kỷ tới, ai có lương thực, có nước uống thì người đó thống trị thế giới. Để phòng chống tình trạng hạn hán như hiện nay, đại biểu Nghĩa đề nghị khôi phục lại tốc độ che phủ rừng, xây đập nước lớn phía Bắc và Tây Nguyên để tích nước, mùa hạn xả. Điều này chúng ta hoàn toàn khả thi, và tự độc lập cho mình”.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu ý kiến

Đại biểu Trương Thị Ánh đánh giá: “ Tình trạng biển dâng, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, đặc biệt tại các con sông thì cũng phải đánh giá chủ quan xem luật của chúng ta có đầy đủ chưa, xử lý nghiêm minh chưa, ví dụ như xả thải môi trường, xem xử lý nghiêm chưa. Tình trạng nước sinh hoạt, sản xuất, thủy lợi các nơi ngập mặn, Chính phủ cần có biện pháp mạnh mẽ hơn!”.

Qua ý kiến của các đại biểu, ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ kiến nghị với Quốc hội khóa mới có giải pháp về tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán.

Ngày 1-4 tới, trước khi thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội và kế hoạch sử dụng đất 5 năm tới, Đoàn Quốc hội TPHCM đề nghị Chính phủ có báo cáo riêng về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại Đông Nam bộ và Tây Nguyên cho các đại biểu của Đoàn.

Theo chương trình, phiên thảo luận trong cả ngày 1-4 tới đây được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Kênh thời sự (VTV1) của Đài Truyền hình Việt Nam, Kênh truyền hình Quốc hội và Hệ thời sự - chính trị - tổng hợp (VOV1) của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Bình luận (0)

Lên đầu trang