(CAO) Ngày 18-11, tại TP.Cao Lãnh, Báo Thanh niên phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thảo “Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long giải pháp từ cây lúa” và trao giải cuộc thi viết “Nghĩa tình miền Tây”.
Sự kiện này có sự tham sự của hơn 200 đại biểu đến từ 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, các viện, trường.
Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Quốc Phong phát biểu.
Ông Lê Quốc Phong (Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp) cho biết: Cùng với xoài, cá tra, sen, hoa kiểng, lúa gạo là một trong 5 ngành hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh và là ngành hàng có bề dày, giữ vai trò trọng yếu trong cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Để nâng cao giá trị cây lúa, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến như: “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”, ứng dụng cơ giới hoá toàn diện, nông nghiệp thông minh và chuyển đổi số… Từ đó đã giúp tăng thêm thu nhập trung bình cho người nông dân trồng lúa từ 5,3 - 7,7 triệu đồng/ha. Giá trị ngành hàng chế biến lúa gạo liên tục tăng trưởng, góp phần mở ra nhiều chuỗi giá trị mới.
Tuy nhiên vẫn còn đó những khó khăn, trăn trở; thu nhập của nông dân trồng lúa chưa ổn định và vẫn còn thấp so với các loại nông sản khác. Những bất ổn liên quan nguyên liệu đầu vào, chi phí tăng, thị trường không ổn định, giá bán thấp tiếp tục đe dọa đến thu nhập của nông dân trồng lúa khiến cuộc sống người dân thiếu bền vững.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, rất nhiều năm chúng ta chạy theo tư duy sản xuất, lấy sản lượng làm mục tiêu, chủ yếu là làm mọi giải pháp để tăng sản lượng lên. Nhưng hiện tại đã tới mức sản lượng không đồng nghĩa với thu nhập, thậm chí là đi ngược lại thu nhập. “Có rất nhiều tiếng kêu rằng ĐBSCL như vậy có thể làm lúa nữa hay không, đây cũng là một dấu hỏi mà tôi đề nghị hội thảo tập trung lý giải, giải mã”, ông Hoan nói.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT còn nhấn mạnh: Hội thảo hôm nay đang lý giải một câu chuyện rất lớn ở trong sự chuyển đổi nông nghiệp ĐBSCL từ hướng làm sao chúng ta tiếp cận những cái mới. Nó không phải một loại nông sản để buôn chuyến nữa, mà nó trở thành một chuỗi ngành hàng kinh tế. Bởi vì đến lúc, sản lượng sẽ nhỏ lại, diện tích sẽ giảm nhưng phải tăng về chất và tăng về giá trị.
Giáo sư Võ Tòng Xuân phát biểu.
Theo GS Võ Tòng Xuân là cần quy hoạch lại vùng sản xuất lúa theo hướng phù hợp và bền vững. Vùng đất phù sa cổ xen lẫn đất phèn sâu, quanh năm có nước ngọt, không nước mặn xâm nhập, hệ thống thủy lợi đã được nhà nước trang bị đầy đủ có thể áp dụng kỹ thuật canh tác an toàn thực phẩm chất lượng cao, chủ yếu sử dụng giống lúa ngắn ngày năng suất cao; hạt dài, trung bình, hoặc tròn tùy theo khách hàng đầu ra.
Vùng trũng, phù sa có phèn, hàng năm bị ngập lũ trong mùa mưa và thủy triều; khô hạn trong mùa nắng hiện tại đang sản xuất lúa 3 vụ/năm trong các vùng đê bao ngăn lũ có đầy đủ hệ thống thủy lợi hướng tới sẽ giảm diện tích lúa. Vùng ven biển là vùng sản xuất bền vững nhất: lúa chất lượng cao xen nuôi tôm càng xanh trong mùa mưa và nuôi thủy sản nước lợ/mặn trong mùa nắng.
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL.
Còn theo TS Trần Hữu Hiệp (chuyên gia kinh tế Trường Đại học FPT Cần Thơ) cho biết: Người nông dân không thể tự trồng lúa độc lập, riêng biệt. Sự phát triển ĐBSCL từ cây lúa không có nghĩa chỉ có cây lúa mà kết hợp với những cây con khác. Sự chuyển đổi như thế nào, tổ chức ra sao và không có mô hình nào nó trải dài hết 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Thu nhập của nông dân chỉ được cải thiện khi nó gắn với chuỗi giá trị chứ không chỉ một mình nông dân. Cần có những kết quả nghiên cứu từ hạt gạo làm ra những gì để nâng cao lợi nhuận. Vì thế cần sự tiếp cận đa ngành, phối hợp liên ngành, chuyển từ sản xuất nông nghiệp là chủ yếu sang kinh tế nông nghiệp là chủ yếu.
Cuối hội thảo, Ban Tổ chức đã trao giải cuộc thi viết “Nghĩa tình miền Tây” do Báo Thanh Niên phát động. Cuộc thi đã nhận được hơn 1.000 bài viết gửi tham dự. Ban Tổ chức đã lựa chọn ra 20 bài viết xuất sắc để trao giải.