Tăng cường phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật cho học sinh, sinh viên

Thứ Ba, 11/07/2023 16:52

|

(CAO) Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt Dự án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho học sinh, sinh viên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngành Giáo dục hiện có khoảng gần 25 triệu người, chiếm khoảng 1/4 dân số cả nước. Đây là lực lượng quan trọng đối với tương lai của quốc gia, dân tộc.

Nhận thức rõ nhiệm vụ, trách nhiệm trong công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho người học, Bộ GD&ĐT cũng như toàn ngành Giáo dục đã luôn chú trọng, quan tâm chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp cụ thể trong công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho người học.

Trước tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật hiện nay diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi, có chiều hướng tấn công, len lỏi vào các trường học; nhằm nâng cao hiệu quả của công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong trường học, Bộ GD&ĐT phê duyệt Dự án "Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho học sinh, sinh viên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Lực lượng Công an tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho học sinh

Theo đó, Bộ GD&ĐT đặt mục tiêu 100% nhà trường kiện toàn, thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả của Ban chỉ đạo "Phòng, chống tội phạm"; xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật gắn với nhiệm vụ, hoạt động thường xuyên của nhà trường trong từng năm học; thiết lập các kênh tiếp nhận những thông tin, phản ánh để tư vấn, hỗ trợ, kịp thời giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong nhà trường.

Phấn đấu 100% nhà trường tổ chức ký cam kết giữa Nhà trường - Gia đình - Xã hội về nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật; 100% nhà trường xây dựng, duy trì ít nhất 01 mô hình về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật; tối thiểu 90% nhà trường đạt tiêu chuẩn "An toàn về an ninh, trật tự"; phấn đấu hàng năm giảm số vụ, số người phạm tội, vi phạm pháp luật liên quan đến người học.

Để phấn đấu đạt được những mục tiêu cụ thể trên, trong dự án cũng nêu rõ những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện gồm:

Thiết lập, công bố các kênh tiếp nhận những thông tin, phản ánh để tư vấn, hỗ trợ, kịp thời giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong nhà trường.

Tuyên truyền các quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm; các quy chế, quy định về công tác đảm bảo an ninh, trật tự nhà trường.

Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, hoạt động văn nghệ, giao lưu; các cuộc thi tìm hiểu dưới dạng bài viết hoặc sân khấu hoá, vẽ tranh, áp phích, sáng tác, biểu diễn tiểu phẩm về đề tài phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho người học.

Bên cạnh đó, tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật vào chương trình giáo dục các môn học phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo.

Tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình người học trong công tác quản lý, giáo dục không để người học phạm tội, vi phạm pháp luật và đặc biệt quan tâm đối với người học có hoàn cảnh đặc biệt.

Đồng thời tổ chức ký cam kết giữa Nhà trường - Ban đại diện cha mẹ học sinh - Công an địa phương về thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật ở các cơ sở giáo dục phổ thông; ký cam kết giữa Nhà trường - Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của nhà trường - Công an địa phương về thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật ở các cơ sở giáo dục đại học.

Bình luận (0)

Lên đầu trang