(CAO) 10 năm qua, bằng tấm lòng tình thương dành cho trẻ khuyết tật, hai cô Phạm Thị Kim Dung (53 tuổi) và Lê Thị Lý (54 tuổi) đã tận tình chăm sóc cho hàng trăm trẻ em khuyết tật trên địa bàn huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, chúng tôi đã tìm đến cơ sở tập vật lý trị liệu cho trẻ em khuyết tật tại thị trấn Phú Thịnh, huyện Phú Ninh.
Khi vừa đến cơ sở này, có khoảng 50 em khuyết tật đang nằm trong phòng chờ cô Dung và cô Lý đến tập trị liệu. Các phụ huynh và trẻ em khuyết tật ở đây đều yêu mến gọi hai cô này bằng cái tên thân mật là “mẹ”, bởi tình thương hai cô dành cho trẻ như con ruột của mình.
Cơ sở tập vật lý trị liệu cho trẻ em khuyết tật huyện Phú Ninh.
Ngôi trò chuyện với cô Lê Thị Lý, cô cho hay, vào năm 2010, tổ chức Quỹ Cựu chiến binh Mỹ (VFF) về khảo sát, xây dựng cơ sở chăm sóc cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn huyện Phú Ninh. Lúc đó, chương trình tuyển 11 người là Phó Chủ tịch Hội chữ thập đỏ trên địa bàn rồi đưa đi huấn luyện cách tập vật lý trị liệu để về tập cho trẻ khuyết tật. Nhưng hoạt được 1 năm thì tổ chức này giải tán khiến cơ sở lâm vào cảnh thế khó khăn.
Cô Lê Thị Lý (áo xanh) tập luyện cho các trẻ em khuyết tật.
“Lúc tổ chức này dừng hoạt động, những người khác đành rời cơ sở đi tìm việc khác để làm. Riêng tôi và cô Lý thấy các trẻ em khuyết tật thật đáng thương nên ở lại tiếp tục dạy cho các em. Khi đó, chúng tôi ở lại giúp các em được ngày nào hay ngày đó. Rất may, lúc đó có một nhà tài trợ về huyện Phú Ninh khảo sát thấy cơ sở hoạt động rất ý nghĩa nên quyết định đầu tư kinh phí mở rộng cơ sở, sắm thêm nhiều vật dụng để cơ sở tiếp tục được hoạt động. Thời điểm đó, mức lương chúng tôi được trả chỉ 750.000 đồng mỗi người/1 tháng. Mức lương đó thật sự thấp, trong khi chúng tôi phải lo từ khâu nấu ăn đến việc tập luyện cho gần 50 trẻ khuyết tật”, cô Phạm Thị Kim Dung tâm sự.
Cô Phạm Thị Kim Dung (áo trắng) đang chăm sóc các trẻ em khuyết tất.
Đến năm 2015, vì điều kiện tài chính nên nhà tài trợ quyết định cắt phần ăn trưa khiến cơ sở lâm vào cảnh khó khăn, bởi phần lớn các em là con em nông dân điều kiện kinh tế rất khó khăn nhưng phải ở lại trưa để chiều tiếp tục tập luyện. Do vậy, 2 cô đã lặn lội đi gõ cửa các đơn vị kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ.
“Chúng tôi kêu gọi xin sự giúp đỡ về vật chất, nhu yếu phẩn cần thiết cho các em. Có nhiều người sẵn sàng rút ra vài chục triệu đồng đưa cho tôi, hoặc xin số tài khoản chuyển tiền nhưng tôi không đồng ý. Tôi muốn họ đến cơ sở gặp gỡ các em để cảm nhận, sau đó họ tự nguyện mua những vật dung cần thiết như tã, sữa, mì tôm đến cho các em bằng tất cả tấm lòng của mình”, cô Lý chia sẻ.
Cô Dung trao quà của các mạnh thường quân tặng cho trẻ em khuyết tật.
Nhắc đến những kỹ niệm đáng nhớ, cô Lý tâm sự: “Trường hợp của bé Hà Công Nguyên Khang, em sinh ra 3 ngày tuổi thì bị bệnh não úng thủy và u tuyến tiền liệt. Gia đình đã đưa đi chữa trị khắp nơi nhưng bệnh viện bất lực trả về nhà chăm sóc. Ba mẹ đưa bé đưa bé đến cơ sở gửi gắm với niềm hi vọng cuối cùng. Lúc đến đây, bé chỉ biết cuộn tròn người lại như con lăng quăng lăn khắp căn phòng khiến tôi rất đau xót.
Sau 2 năm tập luyện, bé có thể cử động được chân tay nhưng không thể tự đứng dậy đi được. Khi đó, tôi nói với bé là từ nay mẹ Lý sẽ không ngủ với Khang nữa, con cứ nằm hoài vậy nên mẹ phải chăm đứa khác. Thấy tôi chăm sóc bé khác, Khang bực tức gượng dậy bước đến ôm chầm lấy tôi khiến tôi rất hạnh phúc, hiện bé Khang đang học lớp 7”.
Ngoài việc chăm sóc và tập luyện cho trẻ khuyết tật, nhiều bé có hoàn cảnh khó khăn, gia đình không đưa đến cơ sở được thì 2 cô thay phiên nhau đến nhà chở bé đến trung tâm để tập luyện. Những trường hợp khó khăn không nơi nương tựa các cô sẵn sàng đưa về nhà để cưu mang, đùm bọc.
“Hiện cơ sở còn rất nhiều thiết thốn về vật chất và đồ dùng tập luyện, qua đây tôi mong muốn các mạnh thường quân chung tay góp sức để các em khuyết tật vượt lên hoàn cảnh, hoàn nhập với xã hội”, cô Dung tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Thung, Phó Chủ tịch Hội chữ thập đỏ huyện Phú Ninh cho biết, hiện cơ sở nhận chăm sóc 59 trẻ khuyết tật, ngoài các trẻ được tập luyện thường xuyên ở cơ sở thì có 11 trẻ khiếm thính được dạy ở lớp riêng. Cơ sở này chật hẹp, thiếu thốn nhiều về cơ sở vật chất và đồ dùng tập luyện, chúng tôi mong muốn các mạnh thường quân chung tay góp sức để các em khuyết tật vượt lên hoàn cảnh, hoà nhập với xã hội.