Quảng Trị tiêu hủy gần 500 tấn hải sản sau sự cố Formosa 5 năm

Thứ Sáu, 02/04/2021 11:49  | Hoàng Quân

|

(CAO) Ngày 2-4, ban ngành chức năng và các hộ dân tại huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) tổ chức tiêu hủy gần 500 tấn hải sản tồn kho bị hư hỏng liên quan sự cố môi trường biển Formosa (Hà Tĩnh).

Từ sáng 2-4, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh, Sở NN&PTNT và các ban ngành, cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy hàng hải sản tẩm ướp tồn kho bị hư hỏng, ảnh hưởng đến môi trường trên địa bàn huyện Vĩnh Linh.

Đóng gói hải sản trước khi đưa đi tiêu hủy.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt phương án tiêu hủy 475,312 tấn hải sản gồm: mắm chợp, ruốc đặc, ruốc lỏng của 5 hộ dân ở xã Vĩnh Giang và thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh). Trong đó, hộ bà Lê Thị Huỳnh (ngụ khu phố An Đức 2, thị trấn Cửa Tùng) có số lượng nhiều nhất với 269,691 tấn; ông Lê Thanh Tùng (ngụ khu phố An Hòa 2, thị trấn Cửa Tùng) 82,5 tấn; bà Phan Thị Xiêm (ngụ khu phố An Đức 2, thị trấn Cửa Tùng) 62,241 tấn; ông Bùi Xuân Khiêm (ngụ xã Vĩnh Giang) 44,480 tấn; hộ bà Trần Thị Xây (ngụ khu phố An Hòa 2, thị trấn Cửa Tùng) 16,4 tấn.

Các đơn vị, cơ quan chức năng tiến hành đóng gói hải sản đồng loạt tại 5 cơ sở kinh doanh, vận chuyển đưa đến tiêu hủy (chôn lấp) ở bãi tiêu hủy tập trung tại trạm cân của Công ty TNHH MTV Ngọc Tuấn Cửa Tùng. Theo lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường và từ quan sát tại hiện trường cho thấy: Hội đồng tiêu hủy giám sát tiêu hủy giám sát toàn bộ quá trình tiêu hủy: đóng gói hải sản, mua sắm vật tư, thi công hố chôn lấp, bốc xếp, cân đo, vận chuyển, san lấp, lu lèn… một cách nghiêm ngặt, cử người quan sát, ứng trực, ký biên bản bàn giao...

Đại diện các đơn vị, cơ quan chức năng đóng gói, kiểm kê hải sản trước khi đưa đi tiêu hủy.

Như vậy, sau 5 năm xảy ra sự cố môi trường biển Formosa, đến nay việc tiêu hủy hải sản tồn kho hư hỏng tại Quảng Trị mới được giải quyết dứt điểm. Một trong những nguyên nhân khiến việc tiêu hủy chậm là do việc xác minh nguồn gốc, phân loại hải sản có sự chênh lệch giữa Sở NN&PTNT và Sở Y tế. Việc chậm trễ này gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ dân; ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của các hộ kinh doanh và người dân khu vực.

Việc tiêu hủy hải sản được thực hiện từ ngày 31-3 đến 6-4, kinh phí dự trù tạm cấp hơn 964 triệu đồng. Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định, trong thời gian nói trên mà không hoàn thành tiêu hủy nếu không có lý do thỏa đáng thì các sở, ban ngành và cán bộ liên quan sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

Các kho hải sản của các hộ dân đã được vét sạch để đưa đi tiêu hủy tập trung.

Bình luận (0)

Lên đầu trang