Đồng bằng sông Cửu Long:

Quyết liệt ngăn chặn hành vi phạm pháp trên biển

Thứ Sáu, 25/10/2024 07:52

|

(CATP) Để kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là IUU), ngành chức năng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp để đấu tranh. Qua đó, làm rõ nhiều vụ tổ chức xuất cảnh đánh bắt thủy sản trái phép cũng như thủ đoạn "phù phép" thiết bị giám sát hành trình tàu cá.

Triệt xóa đường dây xuất cảnh trái phép

Ngày 24/10, theo thông tin từ Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Cà Mau, đơn vị đã bàn giao hồ sơ vụ án "tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép" liên quan đến tàu cá mang biển số giả CM 99840 TS khai thác hải sản vi phạm vùng biển Thái Lan cho Công an tỉnh Cà Mau tiếp tục điều tra.

Theo đó, ngày 22/9/2023, tàu đánh cá KG 90309 TS của ông Nguyễn Văn Lễ (ngụ tỉnh Kiên Giang) được bán lại cho ông Ngô Văn Luận (ngụ tỉnh Cà Mau) với giá 490 triệu đồng. Sau đó, ông Luận tiếp tục bán lại cho ông Phạm Văn Dũng (ngụ tỉnh Kiên Giang) với giá 350 triệu đồng. Trong đó, ông Luận nhận 250 triệu đồng, 100 triệu đồng còn lại hùn vốn để cùng sử dụng tàu cá trên nhằm khai thác thủy sản trên biển. Lợi nhuận khai thác được ông Dũng nhận 4/5, ông Luận 1/5. Sau khi thỏa thuận phần ăn chia và công tác quản lý tàu cá, ông Dũng thuê thợ sửa chữa, sơn lại số đăng ký tàu KG 90309 TS thành CM 99840 TS và làm giả hồ sơ đăng ký tàu cá.

Trước khi ra biển hoạt động, ông Dũng thuê Phan Văn Tình (ngụ tỉnh Cà Mau) làm thuyền trưởng, Phan Văn Thiệt, Trần Văn Phương, Nguyễn Việt Khái và Nguyễn Văn Thanh cùng làm thuyền viên trên tàu cá KG 90309 TS (CM 99840 TS). Quá trình hoạt động, thuyền trưởng và chủ tàu thường xuyên thông báo, trao đổi thông tin tình hình hoạt động của tàu cá cho nhau.

Một thiết bị giám sát hành trình lắp trên nóc nhà

Đến ngày 15/11/2023, khi đang hoạt động tại khu vực cách phao đèn ở cửa kênh Songkhla (Thái Lan) 46,7 hải lý, tàu đánh cá KG 90309 TS (CM 99840 TS) cùng 5 thuyền viên bị lực lượng thực thi pháp luật Thái Lan bắt giữ. Qua công tác điều tra, tàu cá CM 99840 TS "thật" là của ông Lê Thế Hiệp (ngụ khóm 7, TT.Sông Đốc) làm chủ. Các giấy phép khai thác thủy sản và giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật do ngành chức năng tỉnh Cà Mau cấp năm 2023. Hiện tàu CM 99840 TS của ông Hiệp đang neo đậu tại nhà. Xét thấy vụ việc có dấu hiệu làm biển số tàu cá giả và đưa người, tàu cá sang vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái phép, Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau đã xác lập chuyên án đấu tranh.

Theo Đại tá Võ Văn Dúl - Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP Cà Mau, cơ quan nghiệp vụ BĐBP Cà Mau đã làm rõ được vị trí, vai trò, thủ đoạn của từng đối tượng trong đường dây tội phạm đưa người, tàu cá xuất cảnh sang Thái Lan trái phép. Cụ thể, Ngô Văn Luận chủ động chuẩn bị phương tiện (mua tàu cá KG 90309 TS) câu kết với Phạm Văn Dũng bằng hình thức bán lại tàu, rồi hùn vốn làm ăn và giao lại cho ông ta chịu trách nhiệm quản lý, điều hành mọi hoạt động của tàu cá KG 90309 TS.

Sử dụng các thủ đoạn ngụy trang, trốn tránh sự kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng bằng cách thuê thợ sửa chữa tàu, sơn mới, tẩy xóa, kẻ vẽ biển số giả (đổi biển số tàu cá KG 90309 TS thành CM 99840 TS), hoạt động không đúng nghề ghi trong giấy phép khai thác thủy sản, không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định; chuẩn bị công cụ, nhiên liệu, nhu yếu phẩm cần thiết khác và liên hệ thuê 5 thuyền viên xuất cảnh trái phép bằng đường biển trên tàu cá KG 90309 TS sang vùng biển Thái Lan khai thác trộm hải sản và bị bắt giữ.

Các cơ quan chức năng cũng ghi nhận tình trạng nhiều tàu cá tắt thiết bị giám sát hành trình khi đi vào vùng biển nước ngoài để tránh bị phát hiện. Hành vi này không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý mà còn tạo ra các xung đột tiềm ẩn với các quốc gia láng giềng.

Trước đó, ngày 11/9, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Cà Mau đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Quách Thanh Tuấn (SN 1984) và Dương Hoàng Giang (SN 1969, cùng ngụ TT.Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời), Nguyễn Văn Công (thuyền trưởng), Nguyễn Văn Phu về hành vi "tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép".

Các đối tượng liên quan đến vi phạm trong khai thác thủy sản bị Công an tỉnh Cà Mau khởi tố

"Phù phép" thiết bị giám sát hành trình

Các đối tượng không chỉ đổi biển số tàu mà còn giả mạo, "phù phép" thiết bị giám sát hành trình nhằm qua mặt các cơ quan chức năng. Ngày 24/10, Công an huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) đã khởi tố vụ án, bị can và bắt tạm giam Trương Văn Sang (SN 1987, ngụ xã Tân Ân) về hành vi "cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử".

Tại cơ quan Công an, Sang thừa nhận chở thuê 9 thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá khác với mức giá 5 triệu đồng cho mỗi thiết bị mỗi tháng. Tuy nhiên, trước khi kịp thực hiện, Sang đã bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ. Theo đó, sau khi đồng ý vận chuyển các thiết bị giám sát, Sang dùng thùng xốp để chứa và thả thiết bị xuống biển. Để tránh bị phát hiện, Sang gắn một miếng vải đỏ lên mỗi thùng xốp nhằm giả vờ đó là điểm đánh dấu thả lưới của ngư dân.

Ngày 17/10, Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4 kiểm tra tàu cá CM08710-TS do Sang làm thuyền trưởng khi đang hoạt động cách đảo Hòn Khoai 28 hải lý. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện trên tàu có 9 thiết bị giám sát hành trình, sau đó dẫn giải người và phương tiện về cảng Hải đội 421. Vụ việc được chuyển giao cho Công an huyện Ngọc Hiển tiếp tục xử lý.

Trước đó, ngày 07/8, đoàn kiểm tra của Chi cục Kiểm ngư Cà Mau phát hiện trên nóc nhà ông Đường Minh Trị (SN 1977, ngụ xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời) có một thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Còn tại nhà bà Phạm Thị Lầu (mẹ của Trị) cũng có một thiết bị giám sát hành trình tàu cá trên nóc nhà sau. Qua làm việc với các đối tượng liên quan và tra cứu trên hệ thống giám sát tàu cá, thiết bị trên nóc nhà ông Trị và bà Lầu là của 2 tàu cá do ông Nguyễn Văn Út (SN 1980, ngụ TT.Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) làm chủ. Điều đáng nói, 2 tàu cá trên có liên quan vụ tháo 10 thiết bị giám sát tàu cá gửi cho một tàu cá chạy lòng vòng trên biển để đối phó với lực lượng chức năng, đã bị phát hiện và xử phạt hơn 130 triệu đồng vào tháng 3/2023.

Cách đó không lâu, ông Hồ Song Toàn, Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, đã ký quyết định xử phạt Ngô Văn Tài (ngụ khóm 6A, TT.Sông Đốc) 79 triệu đồng với 2 lỗi vi phạm quy định trong hoạt động khai thác thủy sản. Ông Tài là người thuê tàu cá CM-99345-TS do ông Đặng Văn Cam làm chủ. Ông Tài đã có hành vi "tháo thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá khi tàu cá không hoạt động trên biển mà không được giám sát theo quy định" và "gửi thiết bị giám sát hành trình của tàu cá khi tàu cá đó hoạt động trên biển".

UBND huyện Đầm Dơi đã xử phạt ông Nguyễn Thiện Tính 79 triệu đồng vì hành vi lưu giữ thiết bị giám sát hành trình của 1 tàu cá khác đang hoạt động trên biển và không có văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng theo quy định. Ngay sau đó, UBND tỉnh cũng đã quyết định xử phạt hành chính ông Đặng Văn Cam (ngụ khóm 3, TT.Sông Đốc) 100 triệu đồng về hành vi không có thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m theo quy định (ông Cam là chủ tàu cá CM-99345-TS, cho ông Tài thuê). Như vậy, trong vụ việc trên, ông Tính bị xử phạt do chứa chấp thiết bị giám sát của tàu cá khác, ông Cam bị xử phạt với vai trò là chủ tàu, còn Tài bị xử phạt với vai trò quản lý, chỉ đạo, điều hành tàu.

Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay đã ghi nhận 24 tàu với 159 ngư dân mang số đăng ký của các tỉnh như Kiên Giang, Bạc Liêu bị các nước Malaysia, Thái Lan, Indonesia bắt giữ và xử lý. Các tàu cá vi phạm dùng nhiều thủ đoạn tinh vi như: sử dụng biển số giả, xóa số đăng ký, chưa sang tên đổi chủ hoặc tháo gửi thiết bị giám sát hành trình sang tàu khác để tránh bị theo dõi.

Theo Đại tá Phạm Anh Chương, Chỉ huy trưởng BĐBP Cà Mau, thời gian qua, BĐBP Cà Mau và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển thường xuyên tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai, rà soát, quản lý, theo dõi, kiểm soát, giám sát chặt chẽ tàu cá đi khai thác thủy sản tại vùng bờ, vùng lộng, vùng khơi. Đồng thời, tăng cường giám sát, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý tàu cá ngắt kết nối, vượt ranh giới sang vùng biển nước ngoài đánh bắt thủy sản trái phép, giám sát chặt chẽ nguồn gốc hải sản. Năm 2023 và 7 tháng năm 2024, BĐBP Cà Mau đã điều tra, xử lý 86 vụ/115 trường hợp vi phạm lĩnh vực thủy sản; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 6 tỷ đồng, trong đó tham mưu cho UBND tỉnh xử phạt 4 vụ/14 trường hợp với số tiền trên 3,7 tỷ đồng, tịch thu 1 phương tiện.

Bình luận (0)

Lên đầu trang