"Ra đa" bồ lúa thời 70 năm về trước

Thứ Bảy, 20/04/2024 16:29

|

(CATP) Thời Pháp thuộc, vùng ven biển ở Quảng Ngãi có những chuyện lạ. Dọc bờ biển luôn có những trụ rất cao, được chắp nối từ nhiều cây tre và trên đỉnh treo một chiếc bồ to được gắn với chiếc ròng rọc để báo hiệu lính Pháp vô bờ. Vùng Liên khu V luôn nêu cao cảnh giác để chia lửa với Điện Biên Phủ. Từ năm 1945 - 1954, Quảng Ngãi là vùng tự do, trong khi Nam Bộ và nhiều vùng khác đã bị Pháp quay trở lại xâm chiếm lần thứ 2.

Bồ cao, làng chạy

"Chốc... chốc... cheng... cheng", tiếng nồi, xoong, chảo, ống tre râm ran khắp các xóm biển, rồi lan dần vào các xóm nông ở phía trong của xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Âm thanh đó khi được người dân ở ven biển gõ thì các ngôi nhà gần đó phải tiếp âm và gõ theo, sau đó là các xóm bên trong. Người dân ở sát biển thông báo về việc đã nhìn thấy chiếc bồ kéo lên gần lút trên ngọn tre, đó là dấu hiệu thông báo bà con phải chạy thiệt nhanh, kẻo lính Pháp vô làng bắt. Đó là câu chuyện mà giờ đây rất nhiều người lớn tuổi ở miền biển Quảng Ngãi vẫn còn lưu giữ.

Vợ chồng ông Lê Xuyến (SN 1943) - bà Phạm Thị Châu (SN 1945, ở xã Đức Lợi) vẫn lưu giữ lại ký ức khó quên về thời "ra đa" bồ lúa. Ông Nguyễn Đình Huân (SN 1929, ở cùng địa phương) kể: Khi chiếc bồ được người trực gác kéo lên đỉnh, nhưng có ngư dân vẫn bị bắt, vì chèo thuyền đi đánh bắt hơi xa bờ nên không thể chèo vào kịp. Nhưng cũng có người thoát chết khi bị lính Pháp bắt là nhờ vào câu trả lời. Lính Pháp bắt và cho thông ngôn, hỏi: "có thấy Việt Minh không?". Nếu cứ lắc đầu và trả lời rằng "hồi giờ chưa biết Việt Minh là ai cả” thì sẽ được tha, còn không thì bị lính bắt đưa lên tàu chở ra đảo Lý Sơn để tra hỏi.

Bà Thái Thị Khanh từng tham gia công tác phụ nữ thời Pháp thuộc ở vùng biển Sa Huỳnh

Nếu ban đêm kéo bồ thì làm sao có thể nhìn thấy? Những người dân làng đã sáng tạo ra bằng cách đặt chiếc đèn sáng vào trong bồ để kéo lên đỉnh báo hiệu. Trong thời buổi khó khăn đó, việc chi tiền để mua dầu thắp sáng cho chiếc bồ cũng là việc đại sự được bàn thảo nhiều lần ở làng thì mới thông qua được "ngân sách đóng góp". Vì thực tế cho thấy, có vài lần giặc Pháp tiến vào làng vào ban đêm. Có lần nhóm gác bồ ở xã Nghĩa Hòa chạm mặt với lính Pháp đổ bộ, nhiều người đã ném đá rồi bỏ chạy, vì trên tay không có khẩu súng hay một thứ vũ khí nào.

Ban đầu, người gác bồ còn e ngại lính Pháp. Nhưng tới năm 1951, khi Việt Minh ở thôn An Cường, xã Bình Hải rình đuổi 3 tên lính Pháp và bắt sống được 1 tên khi hắn vừa từ tàu bước lên bờ thì mọi người trở nên dạn dĩ hơn hẳn. Tin tức này lan đi khắp các chốt trụ bồ ở vùng Liên khu V (Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi và một phần Quảng Nam) và được viết thành bài thơ: "Ba thằng Tây trắng lọt vô lầu chài/Tưởng rằng ghành đá không ai/Anh Yên, anh Trượng bắt ngay một thằng...". Nhưng ngôi làng An Cường sau đó bị Pháp bắn đạn cháy, đốt toàn bộ làng nhằm trả thù.

Vùng tự do

tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 11/3/1945 đã nổ ra cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, do ông Phạm Kiệt (sau này là Thứ trưởng Bộ Công an, Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang) làm đội trưởng. Từ đó trở về sau, Quảng Ngãi trở thành vùng giải phóng, huyện Nghĩa Hành được gọi là "Thủ đô kháng chiến". Người dân Quảng Ngãi có tinh thần cách mạng. Các cụ già kể lại rằng, phía Pháp thì nói "dân ở xứ này rất hung hãn".

Thực dân Pháp thỉnh thoảng từ Tourane (Đà Nẵng) đưa tàu tuần tiễu vào quấy phá. Đến năm 1951, Pháp nhảy dù chiếm đảo Lý Sơn. Tàu Pháp có gắn súng đại liên, hàng ngày đi dọc các miền biển để tuần tiễu, bắn giết, cho lính xông vào nhà bắt gà, hái bí, hãm hiếp phụ nữ. Từ tình hình trên, người dân ven biển đã lập ra các đài quan sát và báo hiệu bằng bồ để thuyền đánh cá chèo vào bờ, người dân trong thôn xóm nhanh chân chạy sâu vào nội địa.

Cụ Nguyễn Sơn từng được phân công đi gác trụ bồ thời Pháp thuộc. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Ông Nguyễn Sơn (SN 1935, quê ở xã Nghĩa Hòa, thành phố Quảng Ngãi) hồi ức lại chuyện cũ: "Năm 1952, lúc đó tôi 17 tuổi. Người làng thấy các nơi dựng bồ lúa nên bàn nhau thực hiện theo chỉ đạo của Việt Minh là dựng bồ để báo hiệu họa giặc Pháp từ Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) vô bờ giết người". Vào thời đó, chiếc bồ không chỉ là ám hiệu báo cho người dân trong làng, mà còn là tín hiệu cho ngư dân ngoài biển.

Việc gác bồ lúc đầu được giao cho cán bộ Việt Minh. Công việc diễn ra hết ngày này sang ngày khác nên dần dần người dân cũng được cắt luân phiên ra gác bồ. Mọi người đào một chiếc hố nhỏ, che phía trên để bớt nắng và ngụy trang khi tàu Pháp tiến vào gần. Hàng đêm, vị trí của đội gác bồ trở thành điểm nấu củ lang, củ mì để phục vụ cho tổ gác bồ ăn tối.

Chiếc bồ rất nhẹ, nhưng mỗi khi kéo lên thì phải 2 người cùng rút dây. Dây rút là loại cói bện thành dây thừng. Chiếc ròng rọc bằng gỗ được gắn vào 2 đầu để làm rãnh rút dây kéo, mỗi khi kéo bồ lên thì phát ra âm thanh "róc... róc... róc". Thanh niên 17 tuổi trở đi đều được "biên chế" vào đội canh gác và kéo bồ của xóm làng. Cứ luân phiên theo lịch thì 3 ngày lại đến lượt ông Nguyễn Sơn ra biển trực gác một ngày một đêm.

Dọa lính pháp

thời Pháp thuộc, những người dân sống ở phố thị, cách xa biển trên 10km, thông tin mà họ luôn dừng lại và nghe ngóng thật lâu, đó là "ở làng nào ven biển vừa kéo bồ, nơi nào lính Pháp mới lên bờ". Cụ Trương Vui (SN 1933), một người từng sống ở vùng giải phóng tại Quảng Ngãi nhớ lại, cả gia đình rời phía Bắc tỉnh Quảng Nam là nơi có đồn Pháp, sau đó chạy vào Quảng Ngãi. Sống những ngày yên bình, mọi người luôn giật mình khi nghe tin "tụi Pháp nó lên bờ biển".

Những điểm cao ở vùng biển Sa Huỳnh vào thời Pháp thuộc đều đặt trụ bồ

Từ khu vực giáp ranh Quảng Nam tới điểm giáp ranh tỉnh Bình Định, trụ bồ được dựng lên khắp nơi. Ở làng chài Sa Huỳnh, có dãy núi cao nằm sát biển, trụ bồ được dựng trên đỉnh núi nên ai cũng có thể quan sát được. Còn ở một số địa phương như xã Nghĩa Hòa, trụ bồ nằm ngay trên bãi cát bằng, dễ bị các lùm cây cao che khuất. Vì vậy, người dân làng luôn tìm những cây tre thật cao, có khi phải chắp 2 cây tre vào với nhau để trụ bồ "rướn" qua khỏi những cây đại thụ, mọi người đứng ở vị trí nào cũng có thể nhìn thấy.

Tháng nào lính Pháp cũng kéo lên bờ, dàn hàng ngang tiến vào thôn xóm với những khẩu súng lăm lăm. Có nơi lính Pháp tiến vào làng và xa xa vang lên âm thanh "tùng... xèng..." náo động cả thôn xóm. Tiếng la hét và đủ thứ âm thanh đó đôi khi cũng khiến bọn lính Pháp lo sợ, không dám đi vào sâu trong làng vì sợ dẫm phải bẫy chông. Tại xã Đức Lợi, có lần lính Pháp vào làng và thay phiên nhau trèo lên cây dừa để hái. Du kích sau một thời gian kéo bồ đã quen dần với công việc và nắm bắt được sơ hở của lính Pháp nên đã chủ động tấn công, bắn tỉa bọn lính đang vắt vẻo trên ngọn dừa.

Bà Thái Thị Khanh (SN 1932, ở cửa biển Sa Huỳnh) kể rằng: Tới gần năm 1954, Pháp tấn công liên tục ở hướng đèo An Khê, giáp ranh giữa tỉnh Bình Định và Gia Lai, khu vực Phú Yên và Bình Định (chiến dịch Atlante của Pháp). Thời gian này, trụ bồ dù nằm ở vị trí cao, nhưng có lần Pháp xông vào làng nhanh quá nên nhiều người vẫn không chạy kịp và đã bị lính Pháp bắt bớ. Cứ thỉnh thoảng trong làng lại có tiếng la "mút bồ, mút bồ!", có nghĩa là chiếc bồ được kéo lên tới tận đỉnh trụ, báo động là tàu của Pháp đã cập vô bờ rồi.

Ông Phạm Thanh Biền (SN 1922, Cố Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi) từng kể: "Thỉnh thoảng lính Pháp cập tàu vô bờ biển, sau đó tiến sâu vào một ngôi làng, rồi lại rút ra. Việt Minh dọa Pháp bằng cách sử dụng cây đẽo thành các khẩu sơn pháo để bố trí tại các điểm cao, ngã 3. Thời đó, mười người mới có vài khẩu súng nên phải bố trí trận địa giả để dọa cho quân Pháp sợ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang