Sau phản ánh của báo CATP, các bên tìm giải pháp cứu bờ biển Hội An

Thứ Bảy, 27/05/2017 05:42

|

(CAO) ​“Cứu khẩn cấp biển Hội An” đang là vấn đề nóng không chỉ của riêng chính quyền Tp. Hội An (tỉnh Quảng Nam). Thời gian vừa qua, hàng loạt các nghiên cứu, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, thậm chí hàng chục tỉ đồng Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp “cứu cát” cũng đã được diễn ra.

Tuy nhiên, với tình trạng bờ biển tiếp tục sạt lở trở lại, đang xuôi về phía Bắc (khu vực giáp thị xã Điện Bàn hướng ra Đà Nẵng), thì giải pháp “nuôi bãi, tạo bờ” đang được các chuyên gia quốc tế và trong nước “đề xuất khẩn” với lãnh đạo thành phố…

Cấm khai thác cát sẽ giữ được bờ biển?

Sau bài viết phản ánh “Gỡ khúc mắc để dự án xây kè chống xói lở ở bờ biển ở Hội An được đồng bộ” của Báo Công an TP. Hồ Chí Minh… Lo ngại về tình trạng sạt lở, biển đang lấn bờ tại Cửa Đại, Hội An, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã cho rằng: Biển Hội An là bãi biển đẹp không thể thiếu trong hoạt động du lịch của địa phương. Tuy nhiên, trong những năm gầy đây biển Hội An bị xói lở nghiêm trọng, mặc dù tỉnh đã đầu tư vốn triển khai một số các biện pháp cấp bách chống xói lở nhưng không hiệu quả.

Ông Phạm Văn Điểu, Trưởng BQL Dự án đầu tư xây dựng TP. Hội An cũng khẳng định: Dự án kè khẩn cấp từ năm 2015-2017 dài trên 1km, từ đoạn mép cuối khách sạn Victoria Hội An lên đến mép đầu resort Palm Garden Hội An với vốn đầu tư 54 tỷ đồng, trong đó Chính phủ hỗ trợ 45 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của tỉnh Quảng Nam và TP. Hội An. Tiến độ thực hiện đã được 85%, đang dần hoàn thiện giai đoạn cuối. Tuy nhiên, ở đoạn cuối này cũng đang gặp trục trặc. Qua rất nhiều nỗ lực “cứu cát”, bước đầu biển Hội An (Quảng Nam) được đánh giá đã bồi đắp trở lại. Nhưng với tình trạng sạt lở lại đang xuôi về phía Bắc (gần khu vực giáp TX Điện Bàn hướng ra Đà Nẵng) thì việc xây kè cứu cát chỉ là giải pháp khẩn cấp tạm thời.

Cấm tất cả các hình thức khai thác cát dọc theo sông Thu Bồn, quanh biển Cửa Đại và khu vực ven biển Hội An. Cấm xả thải xác trầm tích từ các hồ chứa thượng lưu do các chất ô nhiễm trong trầm tích mắt kẹt trong lòng hồ. Đồng thời, cấm xây dựng các kè bảo vệ các khách sạn một cách cục bộ vì các công trình này sẽ gây mất ổn định tổng thể bờ biển Hội An; cấm xây dựng các công trình khác ở bãi biển Hội An; nâng cao nhận thức của quân chúng tham gia bảo vệ bờ biển… chính là ý kiến đề xuất của các chuyên gia trong nước và quốc tế đưa ra tại hội thảo quốc gia nghiên cứu về kết quả xói lở và đề xuất các biện pháp bảo vệ bờ biển Hội An và vùng ven hạ lưu sông Mê Kông.

Tại “Hội thảo quốc gia nghiên cứu về quá trình xói lở và các biện pháp bảo vệ bãi biển Hội An và vùng ven biển hạ lưu sông Mê Kông” các nhà khoa học quốc tế và trong nước đã đề xuất giải pháp nuôi bãi tạo bờ để cứu biển Hội An

Các nhà khoa học cũng đã công bố kết quả chính dự án “Nghiên cứu về quá trình xói lở bờ biển Hội An và đề xuất các giải pháp bảo vệ bờ biển một cách bền vững” do các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong nước và quốc tế triển khai từ tháng 7/2016 đến nay. Dự án được tài trợ Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và UBND tỉnh Quảng Nam tài trợ.

Theo đại diện nhóm chuyên gia nghiên cứu về quá trình xói lở bờ biển Hội An, GS Nguyễn Kim Đan (Phòng thí nghiệm thủy lực Saint Venant, Pháp) cho biết: Trong gần 1 năm, nhóm đã phân tích thực nghiệm và mô hình số tập trung vào các lĩnh vực như mô phỏng 2D, 3D các dòng chảy của sông Thu Bồn, dòng chảy khu vực bờ biển Hội An và sự vận chuyển bùn cát; mô phỏng 3D dòng chảy bờ biển, xói lở bờ biển; bùn cát thượng lưu; xói lở bờ biển và kỹ nghệ bờ biển… Qua nghiên cứu thực nghiệm hiện trường về quá trình xói lở bờ biển Hội An, cho thấy nguyên nhân chính là do thiếu hụt lượng bùn cát trên thượng lưu sông Vu Gia- Thu Bồn, quá một nữa lượng bùn cát bị giữ lại ở lòng hồ thủy điện Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2.

Bên cạnh đó, hiện tượng khai thác cát gia tăng mạnh ở sông Thu Bồn, việc xây dựng các công trình ngay sát bờ biển, ảnh hưởng của việc xây dựng cầu Cửa Đại làm chệch dòng chảy và đẩy lượng bùn cát về phía nam, giảm về phía bắc bãi biển cũng là gây nên hiện tượng xói lở thời gian qua. Báo cáo cũng cho biết một trong những nguyên nhân gây bất lợi lớn cho hiện tượng xói lở bờ biển Hội An là do có sự thay đổi về sóng, số lần xuất hiện sóng cao trong những năm gần đây gia tăng. Ngoài ra, việc xây dựng các công trình bảo vệ một cách cục bộ của các chủ resost cũng làm gia tăng hiện tượng xói lở ra phía bắc bãi biển Hội An.

Các đại biểu phát biểu tại hội nghị 

Giải pháp khả thi nuôi bãi tạo bờ

Theo các chuyên gia, trên cơ sở nghiên cứu và thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đề xuất triển khai giải pháp nuôi bãi biển bao phủ từ phạm vi Cửa Đại đến Boutique Hoi An resort, với chiều dài khoảng 6.500m. Việc nuôi bãi được triển khai bởi một hệ thống đê ngầm cao 1,5m, cách bờ biển khoảng 200m và có thể biến đổi tùy theo độ sâu của đáy biển. Tại chân phía bắc của đê ngầm, thiết lập một lớp lọc gồm đá học và sỏi để bảo vệ chân đê ngầm khỏi bị xói cục bộ xung quanh chân đê ngầm. Nuôi bãi sẽ thực hiện theo phân đoạn, tùy theo mức đội thi công của nhà thầu. Hệ thống đê ngầm này sẽ giúp giảm sóng, năng lượng sóng và giảm mạnh quá trình sói mòn.

Đồng thời, tạo một luồng có chiều rộng 200m và chiều sâu 8m dọc bờ trái cửa biển Cửa Đại và thiết kế thuận lợi cho việc đẩy lượng bùn cát về phía bắc biển Hội An. Đây cũng là số lượng trầm tích cần thiết từ cửa sông Thu Bồn để nuôi bãi. Các chuyên gia đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cấm tất cả các hình thức khai thác cát dọc theo sông Thu Bồn, quanh biển Cửa Đại và khu vực ven biển Hội An.

Bờ biển Hội An bị sạt lở nặng

Cấm xả thải xác trầm tích từ các hồ chứa thượng lưu do các chất ô nhiễm trong trầm tích mắt kẹt trong lòng hồ. Đồng thời, cấm xây dựng các kè bảo vệ các khách sạn một cách cục bộ vì các công trình này sẽ gây mất ổn định tổng thể bờ biển Hội An; cấm xây dựng các công trình khác ở bãi biển Hội An; nâng cao nhận thức của quân chúng tham gia bảo vệ bờ biển.

Theo ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NNPTNT đề nghị nhóm chuyên gia phải tính đến ứng phó với các đợt mưa cao, sóng lớn, trước mắt cần có giải pháp ứng phó khẩn cấp, giảm thiểu bức xúc của người dân vào đợt mưa gió cuối năm nay. Đề nghị AFD tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu rõ hơn để khi có vốn đầu tư sẽ có đủ dữ liệu triển khai các giải pháp bảo vệ bờ biển Hội An. Đề nghị Quảng Nam có cơ chế phát triển bền vững hơn khu vực sông Thu Bồn và bãi biển Hội An.

Các giải pháp giải cứu cấp thời vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn

Bình luận (0)

Lên đầu trang