(CAO) Ngày 17-8, bệnh nhân Lê Thị Sáu (88 tuổi, ngụ xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, Hậu Giang) đã qua cơn nguy kịch.
Sáng 12-8, bệnh nhân Sáu được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng không tiếp xúc, liệt nửa người phải. Theo thông tin từ người nhà, bà cụ khởi phát triệu chứng cách nhập viện khoảng 3 giờ. Nhận định đây là một trường hợp đột quỵ cấp, các bác sỹ tại Khoa Cấp cứu bệnh viện đã nhanh chóng làm các xét nghiệm cần thiết, chụp CTscan não và báo động cấp cứu đột quỵ. Qua khai thác tiền sử bệnh lý cho thấy bà cụ còn mắc thêm các bệnh lý khác như đái tháo đường típ 2, tăng huyết áp, và rối loạn nhịp tim.
Nhờ đến bệnh viện ngay giờ "vàng", các bác sỹ tận tình cứu chữa, bà Sáu qua cơn nguy kịch
Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não (tắc mạch máu nuôi trong não). Ê-kíp cấp cứu đột quỵ đã sử dụng thuốc tiêu sợi huyết với mục đích tái thông mạch máu não bị tắc. Kiểm tra mạch máu não sau khi tiêm thuốc không thấy tắc các mạch máu lớn trong não. Bệnh nhân hồi phục hoàn toàn về tri giác và vận động sau đó 12 giờ.
Bs.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ ngày 18/8/2019, Khoa Đột quỵ chính thức được đưa vào hoạt động. Đây cũng là Khoa Đột quỵ đầu tiên của ĐBSCL. Sau 1 năm hoạt động, đội cấp cứu đột quỵ của bệnh viện đã điều trị 460 trường hợp bệnh nhân đột quỵ. Tuy nhiên, số lượng này chỉ chiếm khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ nhập viện. Các bệnh nhân nhồi máu não đến bệnh viện sau 6 giờ kể từ khi khởi phát thì cơ hội được điều trị hầu như còn rất ít. Do đó, khi bị đột quỵ người bệnh cần được đưa đến bệnh viện nơi có đơn vị can thiệp mạch não càng sớm càng tốt.
Sau 1 năm thành lập, Khoa đột quỵ cứu 460 bệnh nhân
Theo TS Hà Tấn Đức - Phó Trưởng Khoa phụ trách Khoa Đột quỵ BV ĐKTW CT cho biết, hiện nay y học đã tiến bộ giúp điều trị thành công nhiều trường hợp tai biến mạch máu não, giúp bệnh nhân nhanh chóng trở lại sinh hoạt bình thường. Mọi người có thể dễ dàng nhận biết đột quỵ nếu đột ngột xảy ra một trong các triệu chứng: méo miệng, liệt hoặc yếu nửa người, giảm hoặc mất tri giác,giọng nói không lưu loát, xây xẩm, choáng váng, mất thăng bằng thì phải đưa vào bệnh viện càng sớm càng tốt và việc được cứu chữa sớm sẽ giúp cho bệnh nhân có khả năng phục hồi cao hơn.