Thông tin trên được Bộ Y tế đưa ra tại cuộc gặp mặt báo chí diễn ra sáng 13/4 tại Hà Nội.
Trẻ em đã mắc Covid-19 sẽ tiêm vaccine sau 3 tháng khỏi bệnh
Tại cuộc họp, giáo sư Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết theo thống kê hiện nay trên toàn quốc có khoảng 11,8 triệu trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi thuộc đối tượng tiêm vaccine phòng COVID-19, trong số đó ước tính đến nay có khoảng 8,2 triệu trẻ chưa mắc COVID-19.
Việc tiêm đủ 2 mũi cho trẻ đủ điều kiện sẽ được ngành y tế thực hiện từ nay cho đến cuối quý II/2022.
Giáo sư Lân cho hay ước tính có khoảng 3,6 triệu trẻ ở trong độ tuổi trên đã mắc COVID-19. Để đảm bảo an toàn khi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ nhất là khi trẻ đã mắc COVID-19 trước đó, căn cứ vào các bằng chứng khoa học cũng như kinh nghiệm công bố của các quốc gia đã triển khai tiêm cho trẻ em, Hội đồng chuyên môn tư vấn sử dụng vaccine của Bộ Y tế đã đồng thuận quy định thời gian tối thiểu để tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã mắc sau 3 tháng. Vì vậy, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho số trẻ đã mắc được thực hiện sau 3 tháng khỏi COVID-19 sẽ triển khai tiêm vào tháng 7-8/2022.
Đây là khoảng thời gian được cho là nếu trẻ đã mắc COVID-19 gần như đã hồi phục hoàn toàn đồng thời khả năng bảo vệ tự nhiên thu được khi trẻ nhiễm bệnh cũng suy giảm, vì vậy tiêm vaccine cho trẻ là phù hợp.
Cán bộ y tế khi khám sàng lọc sẽ có đánh giá toàn diện, tư vấn và chỉ định tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ đảm bảo an toàn theo đúng các quy định và hướng dẫn chuyên môn.
Tiêm vaccine Covid-19 cho học sinh
Hơn 50 quốc gia đã tiêm hoặc có kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi
Phó giáo sư Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận gần 1 triệu liều vaccine Moderna phòng COVID-19 để tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi Moderna do Australia tài trợ. Ngay sau khi kiểm định xong, lô vaccine này sẽ được phân bổ đề phục vụ công tác tiêm chủng.
“Việc tiêm sẽ tiến hành trước tiên đối với học sinh lớp 6, sau đó hạ thấp dần độ tuổi. Các địa phương triển khai cuốn chiếu theo trường, địa bàn, căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vaccine được cung ứng,” Phó giáo sư Dương Thị Hồng nhấn mạnh.
Trước khi đưa con đi tiêm, cha mẹ phải theo dõi sức khỏe của trẻ, ăn uống, ngủ, sinh hoạt có bình thường không, đặc biệt là trẻ 5-6 tuổi. Trẻ có biểu hiện viêm long đường hô hấp hay bất thường gì về sức khỏe hay không… Với những trẻ có biểu hiện viêm long đường hô hấp, nghi ngờ mắc COVID-19 thì không đến điểm tiêm đến tránh lây lan mầm bệnh, phụ huynh tạm thời dừng tiêm cho trẻ đến khi trẻ thật sự khỏe mạnh. Bộ Y tế sẽ hướng dẫn các địa phương tổ chức nhiều đợt tiêm chủng theo các tháng, tiêm bổ sung, tiêm vét…
Khi tới các điểm tiêm chủng, cha mẹ cần chia sẻ cụ thể với cán bộ y tế khám sàng lọc về tiền sử bệnh tật, dị ứng, bệnh mãn tính của trẻ (nếu có) để có chỉ định và hướng dẫn cụ thể, cần thiết chuyển trẻ đến tiêm tại bệnh viện.
Phó giáo sư Dương Thị Hồng phân tích các phản ứng phụ thông thường có thể xuất hiện ở trẻ từ 4-8 tiếng sau tiêm, diễn tiến trong 2 ngày đầu và giảm dần. Nếu thấy trẻ sốt, phát ban, khó thở, tím tái, mệt mỏi, li bì hoặc thấy biểu hiện thông thường tăng mức độ trầm trọng thì cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế gần nhất.
Sau khi tiêm, phụ huynh cần theo dõi sức khoẻ của trẻ, ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm và theo dõi chặt chẽ trong 3 ngày đầu. Trong trường hợp vài ngày sau tiêm trẻ phản nặng lên thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.
Bà Hồng cũng khuyến cáo các phụ huynh cần khai báo đúng, trung thực về tình trạng sức khoẻ của trẻ với nhân viên y tế như bệnh mạn tính, tiền sử dị ứng… và lắng nghe nhân viên y tế tư vấn cụ thể về vaccine, về tiêm chủng đối với trẻ, tuân thủ việc để trẻ ở lại theo dõi ít nhất 30 phút sau khi tiêm, báo lại tình trạng sức khỏe của con em mình cho nhân viên y tế.
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết vaccine phòng COVID-19 chống chỉ định với trẻ có tiền sử dị ứng với vaccine và trẻ có phản ứng nặng với vaccine liều thứ nhất.
Cũng theo bà Hồng, đến nay đã có hơn 53 quốc gia đã có kế hoạch/triển khai tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi. Việc tiêm chủng cho trẻ em ở các quốc gia được triển khai khác nhau: một số quốc gia triển khai cho nhóm trẻ em có bệnh nền; một số quốc gia triển khai tiêm 01 mũi cho trẻ em; nhiều quốc gia trong đó có các nước thuộc liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ triển khai tiêm chủng cho toàn bộ đối tượng trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Việc tiêm chủng cho nhóm trẻ này mới được thực hiện từ tháng 1-2022 nên việc theo dõi phản ứng miễn dịch đang được tiếp tục theo dõi, cập nhật thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới.
Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, ngành y tế đã tiến hành tập huấn an toàn tiêm chủng cho trẻ ở độ tuổi 5 đến dưới 12 tuổi và hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức các điểm tiêm chủng.
Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 208.596.156 liều, trong đó số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 191.366.877 liều: Mũi 1 là 71.383.300 liều; Mũi 2 là 68.491.388 liều; Mũi 3 là 1.505.536 liều; Mũi bổ sung là 15.012.049 liều; Mũi nhắc lại là 34.974.604 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.229.279 liều: Mũi 1 là 8.823.693 liều; Mũi 2 là 8.405.586 liều.