(CAO) Ngày 9-3, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã đi kiểm tra công tác phòng chống bệnh sởi trên địa bàn TP.HCM.
Tại đây, Bộ trưởng Bộ Y tế đã kiểm tra công tác phòng, chống bệnh sởi tại Trạm y tế phường 15, quận 8 và công tác thu dung, điều trị cũng như tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Thị sát tình hình khám chữa bệnh tại Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, bà Nguyễn Thị Kim Tiến trực tiếp thăm hỏi một số phụ huynh có con bị sởi đang nằm điều trị tại đây và nhận thấy có rất nhiều bé bị sởi ở độ tuổi dưới 9 tháng.
Bà Kim Tiến khuyên những người mẹ này đi chích sởi càng sớm càng tốt, bởi nếu sau đó họ tiếp tục có con thì những đứa con sau lại có nguy cơ mắc sởi khi chưa đủ 9 tháng tuổi. Bà cũng yêu cầu phía Bệnh viện Nhi Đồng 1 đưa ra khuyến cáo tương tự với các trường hợp khác.
Bộ trưởng Kim Tiến thăm hỏi một số phụ huynh có con bị sởi đang nằm điều trị tại BV Nhi Đồng 1. Ảnh: CTV
Theo Sở Y tế TP.HCM, tình hình dịch bệnh sởi trên địa bàn TP trong 2 tháng đầu năm 2019 diễn biến rất phức tạp. Chỉ mới 2 tháng đầu năm, số ca mắc sởi ở TP đã lên đến 2.634 ca, cao hơn nhiều so với cả năm 2018 vừa qua chỉ có 1.698 ca. Bệnh sởi đã xuất hiện ở 24/24 quận huyện và có mặt ở 285/319 phường - xã của thành phố. Trong đó, độ tuổi mắc sởi tập trung nhiều nhất là từ 1 tháng đến 5 tuổi, chiếm khoảng 40%.
BS. Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, qua điều tra các đối tượng mắc sởi trên, có đến 97% là chưa tiêm phòng vắc xin sởi. Do đó, từ tháng 11-2018, Sở Y tế TP đã tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella (MR) cho trẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 5 tuổi.
Theo BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, trẻ em sẽ được tiêm ngừa sởi lần đầu tiên vào lúc 9 tháng tuổi. Dưới 9 tháng, các bé phụ thuộc vào các kháng thể mẹ truyền cho. Nếu mẹ có miễn dịch sởi đầy đủ, con có thể được bảo vệ khỏi bệnh đến 9 tháng.
Những người mẹ có con mắc sởi dưới 9 tháng tuổi rõ ràng là không có miễn dịch, bởi vậy họ cần đi chích ngừa để vừa bảo vệ cho mình, vừa bảo vệ cho những đứa con sau. Mắc sởi ở độ tuổi dưới 9 tháng là nguy hiểm nhất.
Riêng về vấn đề tránh lây nhiễm sợi cho trẻ ở trong bệnh viện, BS Khanh cho rằng cần phải có sự huấn luyện để làm sao bác sĩ phát hiện trẻ mắc bệnh sởi từ rất sớm, để cách ly kịp thời. Nếu trẻ mắc sởi mà chậm trễ vài ngày thì sẽ lây “tràn đồng” cho cả bệnh viện.
Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng nguyên nhân chính của việc bùng phát bệnh sởi như hiện nay ở TP.HCM là do người dân không được tiêm vắc xin sởi. Vì vậy, muốn giải quyết bệnh sởi phải thực hiện tốt công tác truyền thông, nắm đối tượng đầy đủ và tiêm vắc xin sởi.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện vắc xin phòng sởi ở trẻ em đã có công dụng phòng ngừa gần như 100%. Tuy nhiên vì nhiều lý do, đặc biệt gần đây phòng trào “anti vaccine” trên mạng xã hội đã khiến nhiều phụ huynh lựa chọn sai lầm.
Do đó, Bộ trưởng yêu cầu công tác tuyên truyền ở địa phương cần được đẩy mạnh, chú trọng các địa bàn đông dân cư, khu chế xuất, khu công nghiệp. Đây là những nơi được cho là thông tin về dịch bệnh vẫn chưa được truyền tải đầy đủ, kịp thời đến các bậc cha mẹ.
“Đưa con đi chích ngừa sởi đầy đủ là phương pháp duy nhất để phòng ngừa bệnh”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
(CAO) Mới chỉ nửa tháng một của năm 2019 nhưng tại các khoa bệnh truyền nhiễm của bệnh viện nhi và bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn TP.HCM đã quá tải do tình trạng bệnh nhân ồ ạt nhập viện vì mắc bệnh sởi.