Bệnh sởi chưa có dấu hiệu giảm, nguy cơ bùng phát vào dịp Tết

Thứ Hai, 21/01/2019 16:20  | Ngô Đồng

|

(CAO) Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh sởi tại khu vực phía Nam, sáng 21-1, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có buổi kiểm tra một số địa bàn có nhiều số ca mắc sởi ở TP.HCM.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Nhi Đồng đang trở thành những điểm nóng tập trung bệnh nhân mắc sởi tại TP.HCM và các tỉnh thành lân cận.

Bệnh sởi tăng mạnh và chưa có dấu hiệu giảm

Kiểm tra tại quận Bình Tân, nơi tập trung nhiều công nhân lao động, có số ca mắc sởi cao, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), không hài lòng với công tác kiểm soát khoanh vùng, xử lý dịch tễ trong cộng đồng.

Qua khảo sát từ phường Tân Tạo A, quận Bình Tân cho thấy thông tin các ca bệnh được bệnh viện nhập vào phần mềm, đến khi truy tìm tại địa phương thì không thấy địa chỉ này nên tìm không ra bệnh nhân. Không biết nguyên nhân là do bệnh nhân khai không chính xác hay cán bộ y tế khai thác không chính xác.

Theo Cục trưởng, nếu không giám sát được ca bệnh trong cộng đồng, việc khoanh vùng, xử lý dịch, triển khai công tác thông tin cảnh báo, tuyên truyền sẽ không mang lại hiệu quả.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, các bác sĩ cho biết, bệnh sởi xuất hiện nhiều ở cả người lớn và trẻ em. Hiện bệnh viện đang điều trị cho hơn 50 ca, cả người lớn và trẻ em. Đáng lưu ý là có những ca người lớn mắc sởi trên bệnh nền, khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Thậm chí có nhiều phụ nữ mang thai mắc sởi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi.

Tại bệnh viện, đã có nhiều ca biến chứng phải thở máy. Bệnh viện đã dành hai khoa để tiếp nhận bệnh nhân mắc sởi. Trong số các ca điều trị tại bệnh viện này, có đến 66% bệnh nhân ngụ tại TP.HCM, còn lại chủ yếu là Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh cho hay, hiện khoa đang tiếp nhận, điều trị cho 30 trẻ mắc sởi, đa số là bệnh nhân nặng, nhiều ca biến chứng viêm phổi.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, bệnh sởi bắt đầu gia tăng từ tháng 9-2018, trung bình có 30 ca sởi nhập viện/tuần, nhưng thời điểm hiện nay là 100 ca/tuần. Ảnh: NĐ

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, bệnh sởi bắt đầu gia tăng từ tháng 9-2018, trung bình có 30 ca sởi nhập viện/tuần, nhưng thời điểm hiện nay là 100 ca/tuần, số ca sởi đang tăng, chưa có dấu hiệu giảm. Đáng lưu ý là số ca sởi không chỉ tập trung ở trẻ em mà còn có sự gia tăng ở nhóm tuổi 26-35 tuổi.

Quận huyện có số ca sởi nhiều nhất tập trung ở những nơi có đông dân cư, có khu công nghiệp như quận Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức,...

Đa phần do chưa chích ngừa hoặc chích chưa đủ

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, thực tế khai thác bệnh sử ghi nhận, hầu hết bệnh nhi mắc sởi đều chưa được chích ngừa hoặc chưa tiêm dủ 2 mũi. Hiện bệnh sởi đang lưu hành trên diện rộng, nếu công tác chủng ngừa không được triển khai nhanh để đạt mức độ bao phủ miễn dịch trong cộng đồng, sởi sẽ bùng phát mạnh cho tới khi tất cả đối tượng chưa có kháng thể bị bệnh mới thôi.

Theo thống kê, vẫn còn khoảng 13,5% số trẻ chiến dịch không cung cấp bằng chứng là đã tiêm đủ 2 mũi sởi. Nếu thật sự những trẻ này chưa tiêm sởi thì đây là nhóm đối tượng nguy cơ cao, có thể mắc sởi nếu tiếp xúc với mầm bệnh.

Mặc khác, ca sởi xuất hiện ở tất cả các nhóm trẻ em và người lớn, nhưng hiện nay truyền thông chỉ nói chung chung là tiêm chủng cho trẻ theo lịch hoặc trong chiến dịch mà chưa đề cập đến sởi ở người lớn và nguy cơ từ người lớn lây cho trẻ nhỏ.

BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, tình trạng bệnh đông đang gây không ít khó khăn cho các bệnh viện tại TP.HCM trong việc tiếp nhận, điều trị bệnh sởi. Sở Y tế đã tiến hành phân luồng khám điều trị các bệnh viện để không để lây nhiễm chéo tại các khoa.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) dịch sởi hiện nay đã bắt đầu xuất hiện rải rác ở các vùng trong cả nước và không có cách nào phòng bệnh đặc hiệu bằng tiêm vắc xin.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng hiện nay có nhiều người lớn bị mắc sởi là do chưa có miễn dịch bệnh sởi, bình thường, những người đã mắc sởi thì không bao giờ mắc lại và đã tiêm vắc xin cũng thế. Chính vì thế, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân nhất là trẻ nhỏ, phụ nữ trong độ tuổi mang thai muốn sinh con thì cần nhanh chóng đi tiêm phòng vắc xin bệnh sởi.

Hiện nay đang trong mùa đông xuân, với sự gia tăng giao lưu, du lịch, cùng với tỷ lệ tiêm vắc xin còn chưa cao tại khu vực có mật độ dân cư cao, thường xuyên biến động dân cư,... vì vậy dịch bệnh rất dễ bùng phát nếu không thực hiện các biện pháp đáp ứng kịp thời.

PGS Trần Đắc Phu nhấn mạnh: “Các dịch bệnh khác khi bùng phát còn khống chế được riêng sởi nếu bùng ra khó kiểm soát, đặc biệt là tại các thành phố lớn, nơi có lượng dân nhập cư cao. Vắc xin ngừa bệnh sởi đang được tiêm hoàn toàn miễn phí, hoặc tiêm dịch vụ chi phí không đáng bao nhiêu nhưng để nhiễm bệnh thì chi phí điều trị rất tốn kém, thậm chí tử vong. Vì sức khỏe của con trẻ và cộng đồng, các bậc phụ huynh cần cho trẻ đi tiêm chủng để tránh nguy cơ mắc sởi".

Ông Trần Đắc Phu đề nghị Trung tâm Y tế dự phòng cần phải tăng cường kiểm soát tỷ lệ tiêm, không để lặp lại kịch bản năm 2014 sởi bùng phát thành dịch.

Ngoài ra, Viện Pasteur trao đổi với địa phương, thống kê lại số bệnh viện chuyển bệnh lên tuyến trên để tránh tình trạng quá tải, lây nhiễm bệnh. Với các trường mầm non, giáo viên phải nắm được thông tin sổ tiêm chủng để vận động phụ huynh, nhờ đó tỉ lệ tiêm chủng tăng lên.

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa đông - xuân, với tốc độ lây nhiễm rất cao từ người sang người, chủ yếu qua đường hô hấp. Chỉ có thể ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh khi cộng đồng dân cư được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh đầy đủ.

Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não… có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ bị mắc sởi trong khi cơ thể đã có bệnh nền. Đối với phụ nữ bị mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sảy thai, đẻ non.

Trên thế giới trong năm 2018 bệnh sởi vẫn ghi nhận tại 184/194 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt có sự gia tăng số mắc tới 2,6 lần tại khu vực châu Âu, trong đó có một số nước đã công bố loại trừ bệnh sởi.

Tại Việt Nam, bệnh sởi có xu hướng gia tăng rải rác, cục bộ từ những tháng cuối năm 2018 đến nay, chủ yếu tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, các thành phố lớn như thành phố Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn như Đồng Nai, Bình Dương … Đối tượng mắc bệnh chủ yếu chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi ở trẻ em, nhưng đã ghi nhận nhiều người lớn mắc bệnh, trong đó có phụ nữ mang thai.

Bình luận (0)

Lên đầu trang