Và có lẽ chúng ta cũng nên xác định ngay từ bây giờ, lệnh giãn cách còn tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh, có thể sẽ kéo dài hơn, khi mà lãnh đạo TP cùng các ban ngành chức năng luôn phải cân nhắc sự lựa chọn tốt nhất, những mặt lợi - hại cho người dân và xã hội.
Tuy nhiên, chúng ta cũng nên chuẩn bị tâm thế sẵn sàng phòng chống dịch trên bình diện tổng thể, lâu dài, đặc biệt trong đó là việc tiên liệu đến các diễn biến tâm lý đang đè nặng lên người dân, nhất là với các em học sinh, sinh viên đang kỳ nghỉ hè trong thời gian cách ly, giãn cách.
Đó là những ảnh hưởng về tâm lý và sức khỏe tâm thần (mental health). Việc các hoạt động giao tiếp, tương tác thông thường bị hạn chế, thậm chí bị tách biệt đột ngột khiến cho người dân, nhất là giới trẻ, các em nhỏ sẽ phải tìm đến các loại hình, phương tiện công nghệ làm nguồn giải trí.
Chưa tính đến các nội dung chương trình đó là tích cực hay tiêu cực, nhưng chắc chắn việc tiếp cận với công nghệ, thiết bị điện tử quá nhiều, bởi không hoặc chưa biết cách điều chỉnh, thích nghi, sẽ dẫn đến những vấn đề về tâm lý và sức khoẻ khó lường.
Hoặc, nếu không thì người dân chỉ ở trong nhà, kết hợp với những lo toan thu nhập giảm sút ắt dẫn đến tâm lý tiêu cực gia tăng. Đó là diễn biến tâm lý rất tự nhiên, khó tránh khỏi, nhưng chúng ta cần phải lường trước.
UBND phường Tân Hưng Thuận, quận 12 tặng cây táo cho các hộ dân bị cách ly ở khu phố 7, và tổ chức cuộc thi chăm sóc cây nhằm tạo tâm lý lạc quan, vui vẻ cho người dân khi bị cách ly: Ảnh: UBND phường Tân Hưng Thuận.
Thực tế cho thấy, ở các nước như Mỹ, Úc, Canada, hay nhiều quốc gia châu Âu, ngoài phải gánh chịu hậu quả rất nặng nề về mất mát con người khi không chỉ đối đầu trực tiếp với Covid-19, mà còn bộc lộ rõ những tác động rất tiêu cực đến tâm lý người dân bị cách ly, giãn cách trong khoảng hơn một năm qua. Hơn thế nữa, các bệnh lý tác động rất xấu đến sức khỏe tâm thần của người dân đã trở thành vấn đề toàn cầu.
Theo dữ liệu dịch tễ học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Tỉ lệ tự tử (thành công và không thành công) đã tăng lên từ hai đến ba lần trong thời kì cách ly do Covid-19. Chính vì thế, các nước phát triển đã hoạch định và chi ngân sách cho những dịch vụ liên quan đến tâm lý và giúp đỡ người dân trong thời kì cách ly, bị hạn chế tiếp xúc giữa cá nhân với gia đình, người thân và xã hội nói chung.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu đang được thực hiện để xem xét ảnh hưởng về sự phát triển tâm lý và não bộ của trẻ em khi bị hạn chế những hoạt động thể chất cũng như giao tiếp vì lý do cách ly trong thời kỳ COVID-19 nhằm xây dựng những chính sách, biện pháp hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ nảy sinh các loại bệnh tâm lý trước mắt cũng như lâu dài.
Do vậy, ngoài những nỗ lực phòng chống Covid-19 trực tiếp, cũng cần nhìn nhận hậu quả thực tế từ các loại bệnh tâm lý còn đang “ủ bệnh” sẽ là những con “sóng ngầm” diễn biến âm ỉ, rất khó nhận thấy ngay cả khi cơn đại dịch đã lắng xuống hoặc đi qua.
Vì vậy, bên cạnh việc xây dựng các chính sách, biện pháp phòng chống Covid-19 trực diện, cần có cái nhìn tổng thể, đồng bộ, trong đó là các tác động tâm lý tiêu cực lên sức khỏe tinh thần của người dân dẫn đến những hệ lụy cho xã hội trong lâu dài.
Về phía mỗi cá nhân, đặc biệt đối với các phụ huynh, là những nòng cốt trong gia đình, căn cứ vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể cần lập ra kế hoạch riêng cho chính mình, con em mình về các hoạt động vui chơi, giải trí, vận động tích cực trong thời gian cách ly, giãn cách. Sự để ý, trông nom và hỗ trợ từ các phụ huynh sẽ là lực lượng chính trợ giúp tốt nhất cho con em, người thân, người lớn tuổi khi xuất hiện những vấn đề bệnh tâm lý nói chung.
Song song đó, cơ quan có thẩm quyền cần lập ra và lan tỏa rộng rãi các trung tâm tư vấn tâm lý, sức khỏe tâm thần cho người dân khi cần sự giúp đỡ.
Một mảng xanh rộng lớn ở quận 7 được giăng dây bao quanh. Ảnh: Đ.H.G
Việc tạm dừng hoạt động các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí tập trung đông người, không thiết yếu là rất cần thiết. Tuy nhiên, nên xem xét với các mảng xanh công cộng rộng lớn, đủ để thực hiện giãn cách và các biện pháp phòng dịch khác. Thay vì cấm, chính quyền đề ra nội quy phù hợp với tình hình dịch bệnh, hướng dẫn, nhắc nhở người dân nâng cao ý thức, thực hiện quy định “5K”, giãn cách, phân luồng, phân khu hợp lý, thậm chí phạt nặng những trường hợp vi phạm, sẽ mang lại lợi ích cho người dân và cộng đồng tốt hơn. Nhất là đối với các khu vực mà nguy cơ lây lan dịch bệnh chưa đến nỗi quá cấp bách.
Việc tận dụng các mảng xanh, khoảng trống công cộng cho người dân giải phóng những năng lượng tiêu cực đang phát sinh, dồn nén trong thời gian cách ly, giãn cách là rất cần thiết, miễn là những nơi đó đảm bảo được yêu cầu phòng chống dịch bệnh.
Đại dịch Covid-19 đã xảy ra, dù là tiêu cực không mong muốn, song có lẽ đó cũng là một chỉ dấu cho một xã hội đang hình thành những nhận thức về sức khỏe tâm lý. Từ đó giúp các cấp chính quyền hoạch định, xây dựng chính sách, chiến lược phòng chống dịch bệnh (nói chung) một cách hiệu quả, lâu dài và bền vững.
(CAO) Ước tính tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh thiếu niên có các vấn đề về tâm lý, tâm thần nhưng chỉ có khoảng 20% trong số đó được điều trị cần thiết, khiến cho một bộ phận các bạn tìm kiếm và sử dụng rượu, thuốc lá và ma túy...
Đặng Hoàng Thùy Dương, Cố vấn chính sách cao cấp - Ban phòng chống COVID bang Victoria, Australia