(CATP) Với sự cởi mở trong tư tưởng xã hội, hiện ngày càng có nhiều chị em tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) để cải thiện nhan sắc. Tuy nhiên không phải ai cũng đủ điều kiện đáp ứng chi phí của loại hình làm đẹp này tại các trung tâm, bệnh viện (BV) thẩm mỹ (TM) uy tín. Chính vì thế, các trung tâm TM giá rẻ ra đời đánh trúng tâm lý của nhiều chị em. Bị thu hút bởi những thông tin khuyến mãi, những lời quảng cáo (QC) "thần thánh", không ít chị em đã rơi vào cảnh "tiền mất, tật mang" sau khi làm đẹp, kéo theo nguy cơ biến chứng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, ngoại hình, thậm chí đe dọa cả tính mạng.
Biến chứng nguy hiểm từ chất làm đầy filler
Ngày 1-10, Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức cho biết, sau 2 tuần điều trị, cô gái 27 tuổi quê Thái Nguyên đã phục hồi một phần thị lực sau tai biến mù mắt và hoại tử da trán vì mũi tiêm filler trái phép tại spa. Bệnh nhân (BN) chia sẻ, do nghe lời QC trên Facebook về chương trình khuyến mại hấp dẫn, chị đã để nhân viên (NV) tiêm filler nâng mũi. Đang tiêm, chị thấy đau buốt dọc sống mũi, choáng váng muốn ngất, trong khi mắt phải chỉ thấy tối đen như mực.
Được đưa vào BV cấp cứu trong tình trạng đau đớn, hoảng loạn, da vùng trán và mũi tím sẫm, mắt phải sụp mí, không còn cảm nhận được ánh sáng, BN được chẩn đoán: tai biến do tiêm filler dẫn đến mất thị lực và thiếu máu cấp tính da trán, mũi, ổ mắt. Sau khi được các bác sĩ (BS) nỗ lực can thiệp, tình trạng BN đã ổn định, vùng da mắt - mũi phục hồi gần như bình thường và có thể giữ lại một phần thị lực. Trước đó, tháng 2-2020, một nam thanh niên 33 tuổi ở Hải Dương theo lời QC cũng tìm đến cơ sở TM tại Q.Cầu Giấy (Hà Nội) để độn thái dương giúp trẻ hóa gương mặt, nhưng khi đang phẫu thuật bị xuất huyết ồ ạt, phải vào Bệnh viện E cấp cứu.
Mũi cô gái trẻ ở Quảng Ninh sưng nề do bị áp xe sau khi nâng
Mới đây, BV da liễu TPHCM cho biết vừa tiếp nhận điều trị cho 1 BN nữ 26 tuổi (ngụ Q.Bình Tân) nhập viện sau khi tiêm chất làm đầy (còn gọi filler) để làm đầy rãnh mũi, má, trong tình trạng mặt bên trái có mảng hồng ban, phù nề ở môi, bên trong niêm mạc miệng xuất hiện vết loét, đau nguyên vùng má, hàm bên trái và vách mũi. Cô gái cho biết, trước đó 6 ngày có đến 1 thẩm mỹ viện (TMV) tại Q1 và được nhân viên ở đây tư vấn tiêm 1ml chất làm đầy với giá 3,5 triệu đồng cho 2 bên rãnh mũi, má.
Khi tiêm bên trái, cô thấy đau nhói và cơn đau tiếp tục kéo dài. Lập tức, NV tiêm thuốc giải, nhưng 2 ngày sau tiếp tục bị sưng môi - nhân trung bên trái, cô gái này đã quay lại TMV và được NV ở đây hướng dẫn đến phòng mạch tư xử lý. Tuy nhiên, sau điều trị 1 ngày thì mặt vẫn sưng đồng thời rỉ dịch mủ nhiều hơn, nên cô vội vàng đến 1 BV quốc tế cấp cứu, sau đó được chuyển đến BV da liễu TPHCM điều trị.
Trước đó, khoa Thẩm mỹ da - BV da liễu TPHCM cũng tiếp nhận nhiều trường hợp tai biến do tiêm chất làm đầy không rõ nguồn gốc vào mông, trường hợp nhẹ thì vùng này phát ban, nặng hơn thì sưng to, xuất hiện lỗ dò và chảy dịch, phải mất nhiều thời gian điều trị mới trở lại tình trạng ban đầu. Theo thống kê, trung bình mỗi tháng khoa tiếp nhận vài trường hợp tai biến do chất làm đầy. Nhiều ca nặng phải phẫu thuật lấy hết chất này ra, chi phí khá tốn kém và phải mất nhiều thời gian phục hồi, di chứng sau phẫu thuật có thể tạo sẹo xấu và mất mô da gây ảnh hưởng đến TM.
Đừng để "tiền mất, tật mang"
Giữa tháng 9 vừa qua, BV da liễu TPHCM cho biết vừa điều trị cho chị N.T.H (25 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức) bị biến chứng sau xăm môi, nhập viện trong tình trạng môi sưng, rỉ dịch. Bệnh nhân cho biết, 4 ngày trước có đi xăm môi tại một TMV, 1 ngày sau môi sưng to, sau đó rỉ dịch đục, đau rát. Chị H. quay lại TMV và được NV ở đây đưa tuýp thuốc bôi kháng siêu vi, nhưng sau đó môi sưng to kèm đóng vẩy dày. Đến BV, chị H. được điều trị bằng kháng sinh, kháng siêu vi và kháng viêm, nhưng quá trình này sẽ mất nhiều thời gian và khó thể phục hồi như ban đầu.
Tháng 7-2020, BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh tiếp nhận điều trị cho cô gái 19 tuổi ở Quảng Ninh suýt bị thủng mũi sau khi thực hiện nâng mũi bằng sụn silicon ở spa. Cô gái trẻ cho biết, nghe QC trên mạng nên đã tìm đến 1 spa trên địa bàn để nâng mũi. Nhưng 1 tháng sau, mũi sưng nề, đau nhức nhiều, cô gái đến BV kiểm tra, BS phát hiện bên trong mũi là các ổ mủ do nhiễm trùng nặng sau phẫu thuật nâng mũi. Nhờ được điều trị kịp thời, cô gái đã tránh được nguy cơ thủng vách ngăn mũi.
Trường hợp ở Q.Bình Tân (TPHCM) bị biến chứng sau khi tiêm chất làm đầy
Theo thống kê của Hội phẫu thuật tạo hình TM quốc tế, năm 2018 có khoảng hơn 3,7 triệu ca tiêm filler được thực hiện bởi các BS phẫu thuật tạo hình trên toàn thế giới, chưa kể rất nhiều thủ thuật tiêm filler được thực hiện bởi các BS không chuyên khoa cũng như tiêm trái phép tại các TMV... Một nghiên cứu tổng hợp gần đây cho thấy, tỷ lệ biến chứng từ tắc mạch hoặc mù mắt dao động 3 - 9 ca trên 10.000 ca tiêm, con số đáng báo động! Số ca biến chứng nặng như mù mắt sau tiêm ước tính cũng lên đến cả trăm.
Trong y văn thế giới, số ca phục hồi một phần thị lực sau biến chứng này chỉ trên dưới 10 ca, còn số ca tắc mạch phải thông tắc đến 2 lần và hồi phục lại một phần thị lực chỉ có khoảng 2 - 3 ca. Tại Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều trường hợp biến chứng do thực hiện thủ thuật tiêm chất làm đầy để làm đẹp, ngoài ra còn nhiều biến chứng do xăm môi, mí mặt, nâng mũi, làm đẹp vùng kín, nâng ngực... do chị em lựa chọn cơ sở TM không đảm bảo an toàn.
Nhu cầu làm đẹp của chị em là chính đáng, tuy nhiên muốn cho an toàn, tránh biến cố không hay xảy ra, chị em cần cẩn thận hơn trong việc lựa chọn địa chỉ phẫu thuật, nên đến các BV, cơ sở TM uy tín, có đầy đủ trang thiết bị, quy trình phẫu thuật và chăm sóc khép kín cũng như tìm hiểu về tay nghề BS để đem lại kết quả tốt nhất cho mình. Không nên nghe theo những lời QC có cánh trên mạng nhằm câu kéo chị em đổ xô đi làm đẹp để rồi "rước họa vào thân", ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng, đến khi hoảng hốt đi "sửa" thì lúc đó tiền đã mất và tật cũng đành mang!
Bác sĩ Duy Thiện - Hội phẫu thuật thẩm mỹ TPHCM:
Chất làm đầy (filler) là hoạt chất dạng gel, được tiêm vào dưới da để phục vụ mục đích TM hay trẻ hóa làn da, khuôn mặt.Chất làm đầy được sử dụng tại phòng khám là Hyaluronic Acid, có thành phần rất gần với Hyaluronic Acid tự nhiên trong cơ thể người; còn dạng lỏng thường là Collagen, Acid Hyaluronic hoặc mỡ tự thân.
Tất cả các dạng chất làm đầy đều dùng để tiêm vào dưới da giúp làm phẳng da hay tăng thể tích một bộ phận nào đó, các chất này chỉ tồn tại từ 6 tháng đến 3 năm, riêng mỡ tự thân có thể lâu hơn. Muốn duy trì kết quả, cần tiếp tục điều trị. Đặc biệt, cách làm đẹp này không để lại dấu vết trên thân hình, gương mặt.
Thời gian qua, có rất nhiều trường hợp biến chứng gây tổn thương nghiêm trọng cho các nạn nhân (đa phần là nữ) do tiêm chất làm đầy. Trong các trường hợp này, nguyên nhân phần lớn là do kỹ thuật viên không đủ trình độ, các cơ sở TM, spa không giấy phép thực hiện gây biến chứng.
Q.Hương