Giúp sản phụ 162kg 'vượt cạn' an toàn

Thứ Sáu, 06/09/2019 21:38  | Ngô Đồng

|

(CAO) Với tiên lượng phụ nữ béo phì sẽ làm tăng các biến cố sản khoa về tim mạch, huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường, mất tim thai trong bụng mẹ,… sản phụ được kiểm tra và theo dõi sát quá trình chuyển dạ.

Thông tin từ Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM cho biết, sản phụ 25 tuổi, quê Long An, được chuyển đến với lý do con so, thai 35 tuần, ngôi đầu, tiền sản giật nặng, béo phì.

Sản phụ mang thai tự nhiên, cân nặng trước khi mang thai 110kg. Cân nặng lúc nhập viện 162kg, cao huyết áp (150/100 mmHg), được điều trị tiết chế đã 3 tháng.

Với tiên lượng phụ nữ béo phì sẽ làm tăng các biến cố sản khoa về tim mạch, huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường, mất tim thai trong bụng mẹ,… sản phụ được nhập vào khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ để kiểm tra và theo dõi sát quá trình chuyển dạ.

Sau các đợt giục sanh thất bại, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật bắt con, với sự cân nhắc hết sức thận trọng giữa hai phương pháp gây tê và gây mê.

BS. Hồng Công Danh, Trưởng khoa Gây mê hồi sức cho biết, gây mê để tiến hành phẫu thuật đối với sản phụ béo phì sẽ không đơn giản. Nếu gây mê, bác sĩ sẽ phải dùng lượng thuốc mê tương ứng với cân nặng của sản phụ để có thể duy trì mê cho đến khi hoàn tất cuộc mổ.

Bên cạnh đó, do tình trạng cân nặng “quá khổ”, bệnh nhân có cổ bị ngắn, lưỡi to, vùng hầu họng hẹp nhiều hơn so với một sản phụ bình thường, nên việc đặt nội khí quản để gây mê gặp nhiều khó khăn. Khả năng gây tổn thương vùng hầu họng, dễ bị hít sặc do nguy cơ trào ngược dạ dày là không tránh khỏi, kể cả biến chứng suy hô hấp do việc rút ống nội khí quản sau phẫu thuật.

Sau khi hội ý, kíp mổ đã thống nhất sử dụng phương pháp gây tê tủy sống. Kỹ thuật này giúp hạn chế được các nguy cơ nêu trên trong quá trình phẫu thuật cũng như hạn chế ở mức thấp nhất những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra cho bé.

Tuy nhiên, thách thức khi tiến hành kỹ thuật gây tê cho sản phụ là khả năng uốn cong lưng của bệnh nhân rất kém do cản trở của lớp thành bụng dày quá mức, khiến khoảng cách từ da đến mục tiêu (khoang dưới nhện) lớn hơn bình thường, gây khó khăn cho việc tìm các mốc, vị trí đốt sống để châm tê bị che khuất bởi lớp mô mỡ.

Thách thức khi tiến hành kỹ thuật gây tê cho sản phụ là khả năng uốn cong lưng của bệnh nhân rất kém do cản trở của lớp thành bụng dày quá mức. Ảnh: BVCC

Khi thuốc đã tác dụng lên dây thần kinh phần thân dưới, sản phụ bị mất cảm giác, tạo thuận lợi cho phẫu thuật viên là BS. Trần Ngọc An, tiến hành ca mổ lấy thai. Cuộc mổ đã giúp một bé trai cân nặng 3.300g, hồng hào chào đời an toàn.

Cuộc mổ đã giúp một bé trai hồng hào chào đời an toàn, với cân nặng 3.300g

Theo các chuyên gia y tế, hầu hết các nghiên cứu đều khẳng định, đối với chị em phụ nữ, béo phì có thể dẫn đến tình trạng khó thụ thai.

Béo phì ở phụ nữ cũng là một trong những tác nhân chính, tiềm ẩn các bệnh không lây như: tim mạch (chủ yếu là bệnh tim và đột quỵ); tiểu đường; rối loạn cơ xương (đặc biệt là viêm xương khớp - một bệnh thoái hóa vô hiệu hóa của các khớp); một số loại ung thư (nội mạc tử cung, vú và đại tràng).

Bên cạnh đó, khoa học cũng đã chỉ ra rằng, trẻ có mẹ bị béo phì trong thai kỳ có nhiều khả năng bị béo phì hơn trong thời thơ ấu và niên thiếu.

Vì những tác động rất tiêu cực đến sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng, các bác sĩ khuyến cáo, đối với các bà mẹ béo phì, mặc dù trong suốt thời gian mang thai cũng cần rất nhiều năng lượng cho sự phát triển của bé, nhưng các mẹ nên sử dụng và dung nạp các loại chất dinh dưỡng lành mạnh từ rau, củ, chất béo chưa bão hòa (dầu thực vật)… Hạn chế các loại thức ăn chiên xào.

Bên cạnh đó, các mẹ bầu cũng cần tuân thủ kiểm tra sức khỏe tổng quát trước khi mang thai. Có chế độ ăn uống hợp lý trong suốt thai kỳ. Quan niệm ăn cho 2 người thật sự không còn phù hợp với khoa học dinh dưỡng hiện nay.

Tăng cường vận động thể thao, tập yoga dành cho bà bầu. Kiểm soát thường xuyên cân nặng và tăng trưởng của cả mẹ bầu, thai nhi trong suốt thai kỳ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang