Dùng kỹ thuật hạ thân nhiệt để cứu sống người ngưng tim, ngưng thở

Thứ Sáu, 18/03/2022 09:58  | Ngô Đồng

|

(CAO) Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM vừa cứu sống người bệnh nam, 34 tuổi, bị ngưng tim, ngưng thở bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy. Hiện nay, người bệnh hồi phục hoàn toàn, có thể sinh hoạt và làm việc bình thường.

Trước đó, người bệnh cảm giác mệt đột ngột, tức ngực, khó thở, được gia đình đưa đến Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM khám ngay trong đêm. Trước đó, sức khỏe của anh này hoàn toàn bình thường. Khi đưa đến cổng bệnh viện, người bệnh bị ngưng tim.

Người bệnh được chuyển ngay vào khoa Cấp cứu và được tiến hành cấp cứu ngưng tim trong khoảng 30 phút mới có tim đập trở lại. Sau khi tim đập trở lại, người bệnh vẫn trong tình trạng hôn mê, phải thở máy.

Nguyên nhân ngưng tim được nghĩ nhiều do nguyên nhân tim mạch, người bệnh được hội chẩn khẩn với chuyên khoa Tim mạch và chụp mạch vành cấp cứu, nhưng không phát hiện tổn thương. Ngay sau đó, người bệnh được chuyển về khoa Hồi sức tích cực để tiếp tục hồi sức sau ngưng tim với thở máy, kiểm soát huyết áp, kiểm soát đường huyết, điều chỉnh rối loạn nước và điện giải.

ThS BS. Phan Thái Sơn, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực đánh giá người bệnh có chỉ định hạ thân nhiệt chỉ huy và cần được thực hiện sớm để bảo vệ não.

Ngay sau đó, điều trị hạ thân nhiệt được tiến hành vào giờ thứ 6 giờ kể từ khi ngưng tim bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt bề mặt (dùng các tấm dán hạ nhiệt lên bề mặt da và hạ thân nhiệt điều khiển bằng máy), quá trình hạ thân nhiệt chỉ huy được tiến hành trong khoảng thời gian 96 giờ.

Cùng với biện pháp hạ thân nhiệt chỉ huy, người bệnh được hồi sức tích cực với thở máy, dùng các thuốc an thần và dãn cơ, kiểm soát huyết áp. Kết thúc liệu trình hạ thân nhiệt, người bệnh được ngưng các thuốc an thần và dãn cơ, người bệnh tỉnh, trí nhớ phục hồi gần như hoàn toàn, không có dấu hiệu tổn thương thần kinh do ngưng tim kéo dài.

Kết thúc liệu trình hạ thân nhiệt, người bệnh được ngưng các thuốc an thần và dãn cơ, người bệnh tỉnh, trí nhớ phục hồi gần như hoàn toàn

Sau khi loại trừ các nguyên nhân gây ngưng tim khác, bệnh lý mạch vành vẫn được nghĩ tới nhiều nhất, người bệnh đã được chụp lại mạch vành để đánh giá tổn thương, hẹp động mạch vành trái được phát hiện và đã được can thiệp đặt stent.

Theo kết quả nhiều nghiên cứu, người bệnh sau cấp cứu ngưng tim còn hôn mê, nếu không được hạ thân nhiệt bảo vệ não thì tổn thương não sẽ tiếp tục tiến triển, mỗi một giờ trôi qua không được điều trị hạ thân nhiệt thì tổn thương não sẽ tăng lên khoảng 20% và thường để lại di chứng về thần kinh nặng nề. Việc tiến hành hạ thân nhiệt chỉ huy được khuyến cáo thực hiện trong thời gian dưới 8 giờ sau khi ngưng tim mới hy vọng đem lại kết quả khả quan.

ThS BS. Phan Thái Sơn cho biết, trước đây khi chưa áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy cho người bệnh sau ngưng tim còn hôn mê, quá trình hồi sức tiên lượng thường xấu, tổn thương não thiếu oxy trong quá trình ngưng tim tiến triển và để lại di chứng nặng nề. Trường hợp được cứu sống, người bệnh cũng thường rơi vào tình trạng hôn mê kéo dài, sống đời sống thực vật, để lại gánh nặng về chăm sóc y tế cho gia đình và xã hội.

ThS BS. Phan Thái Sơn khuyến cáo, theo thống kê có khoảng 70% người bệnh ngưng tim ngoại viện liên quan đến các bệnh lý tim mạch. Do đó, việc khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các bệnh lý nguy cơ như: tăng huyết áp, bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim, đái tháo đường, rối loạn chuyển hoá lipid, béo phì… là rất quan trọng. Đây là các bệnh lý cần phát hiện và điều trị tối ưu. Bên cạnh đó, việc duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp cũng sẽ giúp giảm bớt nguy cơ này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang