(CAO) Một mạch máu não bị dị dạng nằm sâu trong não bị vỡ khiến bé gái 6 tuổi gục ngã, đột quỵ, yếu nửa người trái rồi dần đi vào hôn mê ngay trong lúc chơi cùng bạn.
Một năm trước, bé gái 6 tuổi, nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM với tình trạng hôn mê, vật vã, yếu nửa người bên trái. Kết quả Ctscan cho thấy bé bị xuất huyết não.
Theo ThS.BS. Nguyễn Duy Khải, Trưởng khoa Ngoại Thần Kinh, đây là một trường hợp xuất huyết não không do chấn thương mà do vỡ dị dạng mạch máu não. Các bác sĩ quyết định phẫu thuật mở sọ để giải áp cứu sống bé.
Cuộc mổ thành công, bé tiếp tục được điều trị tại khoa Hồi sức. Nửa tháng trôi qua, cuối cùng bé cũng tỉnh và được chuyển về điều trị tại khoa Ngoại thần kinh.
Các bác sĩ cho biết, mặc dù bé vẫn còn yếu nửa người do di chứng của xuất huyết não, nhưng đó là kết quả điều trị tốt nhất cho bé. Bé phải tiếp tục được tầm soát bệnh lý dị dạng mạch máu và tập vật lý trị liệu.
BS Huỳnh Hữu Danh, đơn vị Can thiệp nội mạch máu não cho biết, bé được chụp DSA mạch máu não, là phương pháp chụp hình và dựng hình mạch máu phức tạp, và không nằm ngoài dự đoán, các bác sĩ phát hiện bé bị dị dạng mạch máu não, dị dạng mạch máu này nhỏ và nằm khá sâu, việc điều trị dứt rất khó khăn. Tuy nhiên, nếu không điều trị bé có khả năng xuất huyết não lại và nguy cơ tử vong lần 2 rất cao.
Ê kip Ngoại thần kinh quyết định thuyên tắc dị dạng mạch máu não của bé bằng phương pháp can thiệp nội mạch dưới DSA, một phương pháp can thiệp kĩ thuật cao mới đang được phát triển trên thế giới. Sau 1 giờ, cuộc can thiệp thành công, tắc hoàn toàn được dị dạng mạch máu của bé.
Các bác sĩ tiến hành can thiệp dị dạng mạch máu não cho bé
Ekip thực hiện phẫu thuật cho bé
Mạch máu sau can thiệp
Theo BS. Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực, nhờ tập Vật lý trị liệu đều đặn, hiện bé đã đi lại được, và không còn phải lo lắng sợ hãi sẽ bị xuất huyết não lại.
Bé khỏe mạnh sau 1 năm điều trị
Theo các bác sĩ, dị dạng mạch máu não là bệnh bẩm sinh, không có biện pháp phòng tránh. Các triệu chứng khi khối dị dạng chưa vỡ như: Đau đầu, lơ mơ, mờ mắt... lại rất dễ bỏ qua và nhầm với các căn bệnh khác. Do đó, đa phần bệnh nhân chỉ đến bệnh viện khi đột ngột đau đầu dữ dội, lên cơn động kinh, bị xuất huyết não, liệt nửa người ...
Trong khi đó, về nguyên tắc, bệnh nhân cần được điều trị sớm để tránh nguy cơ vỡ khối dị dạng. Nếu khối dị dạng tự nhiên vỡ ra (không do chấn thương), bệnh nhân sẽ bị xuất huyết não, tùy mức độ chảy máu mà bệnh nhân có những biểu hiện khác nhau. Nếu chảy máu nặng, bệnh nhân có thể bị hôn mê sâu dẫn đến tử vong. Nếu nhẹ, có thể bị đau đầu dữ dội, đột ngột kèm các dấu hiệu thần kinh như yếu liệt tay chân, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn cảm giác...
Cần đi khám chuyên khoa thần kinh ngay khi có dấu hiệu bất thường như: Đau đầu vô cớ, tê yếu vận động dù rất nhỏ... Việc phát hiện bệnh dị dạng mạch máu não sớm, kịp thời điều trị sẽ nâng cao hiệu quả trong quá trình điều trị. Nếu không, dù được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân cũng sẽ phải sống chung với những biến chứng đáng tiếc như động kinh, liệt..