(CAO) Nữ bệnh nhân 46 tuổi nhập viện trong tình trạng ngất liên tục, nhịp tim rất chậm, bệnh nhân chạy thận lâu ngày đã làm thay đổi đường đi của mạch máu nên các bác sĩ tiến hành hội chẩn xuyên biên giới tìm ra biện pháp tối ưu cứu sống bệnh nhân.
Khoa Điều trị Rối loạn nhịp BV Chỡ Rẫy cho biết, tại đây vừa cứu chữa thành công một trường hợp bệnh tim phức tạp, các bác sĩ đã đặt một máy tạo nhịp tim không dây vào tim bệnh nhân.
Nữ bệnh nhân 46 tuổi (quê Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) nhập viện trong tình trạng ngất liên tục, nhịp tim rất chậm. Bệnh nhân đã được chẩn đoán Block nhĩ thất độ III gây rung thất, xoắn đỉnh. Bệnh nhân còn mang bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối, phải lọc thận định kỳ.
Sau khi khám và làm các xét nghiệm cấp cứu cần thiết, bệnh nhân được nhanh chóng chuyển đến phòng Lab-DSA để đặt máy tạo nhịp tim tạm thời.
BS Nguyễn Tri Thức, Phó giám đốc Trung tâm Tim mạch kiêm Trưởng khoa Điều trị rối loạn nhịp BV Chợ Rẫy cho biết, trong quá trình tiến hành thủ thuật đặt máy tạo nhịp tim tạm thời, các bác sĩ ghi nhận rất khó tiếp cận tĩnh mạch để đưa dây điện cực tạo nhịp vào tim do catheter lọc thận lâu ngày làm hẹp đường vào tĩnh mạch chủ trên.
Sau một thời gian cố gắng và kiên trì thì các bác sĩ cũng đã đặt thành công máy tạo nhịp tim tạm thời để cứu mạng bệnh nhân. Tuy nhiên về lâu dài thì bệnh nhân này có chỉ định để đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ xác định không thể đưa được dây tạo nhịp vào tim phải theo đường thông thường, do bệnh nhân chạy thận lâu ngày đã làm thay đổi đường đi của mạch máu. Khoa Điều trị Rối loạn nhịp bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành hội chẩn từ xa với PGS.TS Sirin Apiyasawat (Phó chủ nhiệm khoa Y, Phó giáo sư phân ngành tim mạch khoa Y bệnh viện Ramathibodi Thái Lan, Thành viên hội đồng Hội rối loạn nhịp Châu Á Thái Bình Dương, được đào tạo nội trú tim mạch và Điện sinh lý tại Hoa Kỳ năm 2000-2007) và thống nhất sẽ tiến hành đặt máy tạo nhịp tim không dây cho bệnh nhân.
Theo BS Nguyễn Tri Thức, đây là loại máy có kích thước rất nhỏ nằm toàn bộ trong buồng thất phải của bệnh nhân, được đưa vào trong buồng thất phải bằng ống thông từ tĩnh mạch đùi (tránh đường đi thông thường do bệnh nhân đã bị biến dạng mạch máu). Máy có dạng hình trụ tròn, đường kính 6mm, chiều dài 2cm.Tổng trọng lượng của máy là 1 gram. Máy cho phép tạo nhịp tim cho bệnh nhân trong thời gian từ 8 đến 10 năm. Tuy nhiên chi phí máy khá cao lên đến 390 triệu đồng, vì vậy các bác sĩ trong khoa lại tất bật chạy tìm nguồn kinh phí hỗ trợ cho bệnh nhân.
Các bác sĩ khoa Điều trị Rối Loạn Nhịp BV Chợ Rẫy thực hiện thủ thuật đặt máy tạo nhịp tim không dây cùng với sự hỗ trợ của PGS.TS.BS.Sirin
Cuối cùng, với sự giúp đỡ về mặt kỹ thuật của PGS.TS Sirin Apiyasawat và sự hỗ trợ kinh phí từ các nhà hảo tâm, các bác sĩ khoa Điều trị Rối loạn nhịp đã đặt thành công máy tạo nhịp tim không dây đầu tiên tại bệnh viện Chợ Rẫy và ca phẩu thuật hoàn toàn miễn phí.
Các bác sĩ khoa Điều trị Rối loạn nhịp đã đặt thành công máy tạo nhịp tim không dây đầu tiên tại bệnh viện Chợ Rẫy và ca phẩu thuật hoàn toàn miễn phí.
Máy tạo nhịp tim không dây nằm trong buồng thất phải của bệnh nhân
Sau cấy máy, bệnh nhân hồi phục tốt cùng các thông số kiểm tra an toàn, xuất viện sau 1 ngày nằm viện. Thời gian dự trù pin của máy khoảng 12 năm.
BS Nguyễn Tri Thức cho biết, đây là ca bệnh đầu tiên BV Chợ Rẫy thực hiện đặt máy tạo nhịp tim không dây cứu chữa cho bệnh nhân. Đây hứa hẹn sẽ là một biện pháp điều trị rối loạn nhịp tim chậm tiên tiến cho những trường hợp không thể tiếp cận tim thông qua tĩnh mạch chủ trên và đồng thời mang lại tính thẩm mỹ cao vì không để lại sẹo vết mổ.
(CAO) Sau khi được cấy máy tạo nhịp tái đồng bộ, người đàn ông 63 tuổi bị suy tim đã có thể tự sinh hoạt cá nhân được, hoạt động thể dục buổi sáng như đi bộ nhanh, đi bộ đường dốc hay leo cầu thang được 2 lầu không thấy khó thở.