Hơn 70 học sinh nhập viện sau khi uống sữa tại trường

Thứ Sáu, 02/03/2018 20:09

|

(CAO) Chiều 2/3, Trung tâm Y tế huyện Tân Phú (Đồng Nai) vẫn đang tích cực điều trị cho 15 trẻ với các triệu chứng đau đầu, buồn nôn, đau bụng, nghi do ngộ độc thực phẩm.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Phú Nguyễn Thanh Quang cho biết: Khoảng 9 giờ 30 ngày 2/3, Trung tâm Y tế huyện nhận được tin báo có nhiều trẻ tại Trường Tiểu học Phạm Văn Đồng và Trường Mầm non Phú Lộc (xã Phú Lộc, huyện Tân Phú) bị ngộ độc thực phẩm.

Trung tâm đã huy động y bác sĩ, điều xe đến hiện trường, đưa 73 trẻ đi cấp cứu. Các cháu nhập viện với triệu chứng mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, đau đầu. Sau khi được điều trị, đến 15 giờ cùng ngày, gần 60 em đã xuất viện, số còn lại đang tiếp tục được theo dõi. Căn cứ quá trình hồi phục của bệnh nhi, dự kiến trong tối 2/3 sẽ có 7 – 8 trẻ tiếp tục được xuất viện, số còn lại có thể sẽ xuất viện vào ngày 3/3.

Các em học sinh được đưa đến bệnh viện điều trị sau khi uống sữa

Ông Quang cho biết: "Trước khi mắc phải triệu chứng nghi do ngộ độc thực phẩm, số học sinh này đã uống sữa tại trường học. Tuy nhiên, nguyên nhân ngộ độc do sữa hay do thức ăn phải chờ kết quả xét nghiệm”.

Theo ông Trần Bá Đạt, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú, sau khi nắm thông tin sự việc trên, UBND huyện Tân Phú đã chỉ đạo ngành chức năng vào cuộc, tích cực điều trị cho học sinh. Số sữa mà học sinh Trường Tiểu học Phạm Văn Đồng và Trường Mầm non Phú Lộc uống sáng 2/3 là sữa thuộc Đề án sữa học đường của tỉnh Đồng Nai. Trong sáng cùng ngày, ngành chức năng huyện Tân Phú đã báo cáo sự việc cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai, mời doanh nghiệp cung cấp sữa đến làm việc.

Các cơ quan liên quan đã niêm phong lô sữa mà học sinh uống, gửi mẫu đến Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Đồng Nai để xét nghiệm, tìm nguyên nhân. Hiện chưa thể xác định được nguyên nhân các trẻ phải nhập viện, để tránh xảy ra sự việc tương tự, huyện Tân Phú chỉ đạo các trường trong toàn huyện tạm dừng, không cho trẻ tiếp tục uống sữa từ Đề án sữa học đường.

Đề án sữa học đường được Đồng Nai triển khai thí điểm từ cuối năm 2014 với kinh phí hơn 1.300 tỷ đồng. Hiện Chương trình được thực hiện tại toàn bộ các trường, cơ sở mầm non của tỉnh Đồng Nai và khối lớp một của các trường tiểu học thuộc một số huyện. Để thụ hưởng đề án, phụ huynh phải đóng 35% chi phí, số còn lại do doanh nghiệp và ngân sách Nhà nước chi trả.

Bình luận (0)

Lên đầu trang