Không hóa chất thì không làm được
Nhiều năm nay, hai huyện Krông Pắk và Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) được xem là “thủ phủ” mít lớn nhất cả nước. Khi mít được “phù phép” chín “siêu tốc”, chủ vựa lột lấy múi bán cho các nhà máy.
Mỗi ngày, hàng chục tấn mít “ngậm” hóa chất đều đặn ra thị trường nội địa, nhưng người tiêu dùng không hề hay biết.
Chúng tôi tìm đến vựa mít của ông Bốn ở xã Ea Đar (huyện Ea Kar) học nghề làm mít chín. Cơ sở chế biến mít của ông Bốn tềnh toàng, nằm cạnh nhà dân, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Nhà xưởng chỉ rộng khoảng 30m2, nhưng chứa tới vài tấn mít, gồm: mít trái, múi, hạt, xơ, vỏ nằm ngổn ngang trên mặt sàn nhớp nhúa. Tại khu vực chế biến, mùi hôi thối từ phế phẩm của mít để lâu ngày hòa với mùi đất ẩm mốc, tạp chất bốc lên nồng nặc.
Lúc chúng tôi đến, tại xưởng nhà ông Bốn có ba công nhân (CN) đang cặm cụi tách từng múi mít chín đưa vào rổ. Họ không có bảo hộ lao động, tay trần mẩn ngứa, ngồi bệt bóc từng múi. Thi thoảng, CN bước qua lại, bụi bẩn vấy hết vào đám múi đã lột. Dụng cụ lột mít như rổ, dao, bịch ni lông hòa quyện nhựa sệt lẫn tạp bẩn ngả màu đen ngòm.
Cạnh chỗ CN làm, những ruột mít vàng ruộm để cạnh đám phế phẩm thối rữa. Ruồi nhặng, côn trùng bu bám đầy, thậm chí có con chết dính vào múi, nhưng vẫn được CN đưa vào bịch mang đi nhập cho lò sấy.
Để có được nguồn múi thành phẩm dồi dào, hàng ngày ông Bốn gom về cơ sở của mình cả tấn mít trái còn xanh, vỏ cứng, chưa có mùi rồi dùng hóa chất “thúc” mít non chín “siêu tốc”. Ông Bốn tiết lộ: “Nếu cứ để chín từ từ sẽ hỏng ăn. Muốn có lời phải ủ làm sao để cả tấn mít đồng loạt chín, rồi thuê CN lột”.
|
“Làm cách nào cả tấn mít đồng loạt chín?”, chúng tôi hỏi. Ông Bốn bật mí: “Làm mít không bơm thuốc, cứ để chín tự nhiên là “chết”, không có thuốc thì không làm được nghề này. Thuốc được xem là chìa khóa của nghề mít”.
|
|
Ông Bốn giải thích thêm: “Thông thường, một trái mít được mua về phải để vài ngày, có khi cả tuần mới chín. Nếu cả tấn mít đợi mỗi ngày chín vài quả rồi đem lột thì không có lời. Dân làm mít tụi tôi đều phải dùng hóa chất kích thích để trái mau chín. Trái càng nhanh chín thì càng lột được nhiều múi thành phẩm, lời cao. Nhờ có thuốc, trái mít chín nhanh, chín đều và chín đẹp, lại không bị đắng”.
|
Gia đình ông Bốn có thâm niên hàng chục năm làm mít nên biết rất rõ từng loại hóa chất dùng “thúc” mít chín đảm bảo trái không sượng, không thối rữa...
Giật mình "công nghệ" bơm, chích
Để tìm hiểu rõ việc dùng hóa chất chế biến mít, chúng tôi đi nhiều cơ sở làm mít ở huyện Ea Kar. Tại cơ sở làm mít của anh Minh ở khối 5 (TT.Ea Kar) có nhiều mít, mỗi loại được để ở mỗi nơi khác nhau nhằm tránh bị lẫn lộn giữa loại đã bơm hóa chất và loại chưa “ngậm” hóa chất.
|
Anh Minh cho biết: “Nếu mít dùng để ăn hoặc bán cho người quen, đem biếu thì chúng tôi không bơm hóa chất, mít lột lấy múi làm nguyên liệu sấy đều phải dùng hóa chất hết. Sợ bị lẫn lộn nên tôi phân ra để mỗi góc một loại”.
|
Khi nghe chúng tôi nói về làm mít kiểu thủ công đóng cọc, phơi nắng đợi chín sẽ đem lột, mít hay bị sượng nên bị lỗ, anh Minh cười, kéo chúng tôi ra đống mít đang ủ ở cuối vườn, nói: “Chú mày chả biết gì. Ở đây ai làm mít cũng phải dùng thuốc mới “thắng” được. Làm mít mà đóng cọc, phơi nắng... giờ xưa rồi”.
Có ba cách được các chủ vựa áp dụng ép mít chín. Thứ nhất, nếu số lượng mít trái trong xưởng lớn, làm không xuể, các chủ vựa sẽ pha hóa chất với nước đổ vào chiếc ô doa rồi tưới đều lên đống mít trái, sau đó đây bạt ni lông ủ. Thứ hai, đưa hóa chất vào xi lanh hoặc vào chai nhựa, dùng dùi đâm thủng một lỗ nhỏ ở cuống của trái mít rồi đổ thuốc vào trong cuống hoặc lấy xi lanh bơm trực tiếp ở đầu cuống. Thứ ba, dùng dao khoét một lỗ nhỏ ở bất cứ vị trí nào của trái mít rồi đổ trực tiếp hóa chất vào trong trái. Cách này được chủ vựa áp dụng phổ biến vì khi hóa chất trực tiếp được bơm vào trái, không những làm mít nhanh chín mà còn chín đều, múi đẹp không bị sượng. Mít trái được “ăn” hóa chất, sau 24 giờ sẽ chuyển mùi, mềm hơn, đồng loạt chín bất kể trái còn non choẹt.
Nhiều ngày làm việc tại cơ sở anh Minh, chúng tôi nhận thấy quy trình để có được múi mít chín trải qua nhiều công đoạn. Quan trọng nhất là pha và bơm hóa để trái chín đúng ý muốn. Vừa đưa đám mít trái xuống mặt sàn, anh Minh nhanh chóng lấy chai hóa chất to như ly uống nước, ngoài bao bì ghi dòng chữ “trái chín đồng loạt” rồi kéo chúng tôi ngồi xuống cạnh đống mít. Anh mở nắp chai thuốc có dung dịch màu vàng, hơi thuốc bay ra mùi nồng nặc, rất khó chịu.
Cùng lúc, anh Minh lấy con dao khoét vào thân trái một lỗ nhỏ rồi đổ tuột hóa chất vào vị trí vừa khoét. Thấy vậy, chúng tôi thắc mắc khi bơm thuốc có cần phải đúng liều lượng không?
|
Anh Minh quay sang quả quyết: “Bơm thuốc là khâu quan trọng. Nếu bơm quá nhiều, trái chín nhanh không lột kịp sẽ bị úng thối. Ngược lại, nếu bơm quá ít, không đủ liều trái chín sượng, múi có màu nhạt sẽ bị chê, mất giá”.
|
Theo anh Minh, các chủ cơ sở chế biến mít dùng tới ba loại hóa chất để mít non biến thành mít chín. Hóa chất thứ nhất là màu vàng, được bán phổ biến ở các cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật, loại này ít được sử dụng. Các chủ vựa cho biết, loại này không những “lực” nhẹ khiến mít lâu chín mà còn làm cho mít bị đắng.
Loại thứ hai có dung dịch màu trắng, công dụng tương tự loại thứ nhất. Loại thứ ba có nguồn gốc từ Trung Quốc thì “lực” mạnh, được nhiều người sử dụng hơn. Loại thuốc này mỗi tuýp có 20 ống nhỏ như ngón tay út, có dạng nước màu trắng. Nếu dùng loại thứ nhất, mỗi trái bơm từ 15ml đến 20ml tùy trọng lượng. Còn hóa chất Trung Quốc bơm ít hơn, mỗi trái nhỏ từ 2 đến 3 giọt.
Không chỉ ở huyện Ea Kar mà tại huyện Krông Pắk, các chủ vựa cũng dùng chung công thức: mít non cộng hóa chất bằng mít chín. Công thức này là “chìa khóa” kiếm lời của các chủ vựa. Những trái mít được tẩm hóa chất sau khi lột lấy múi được các chủ vựa của hai huyện này đưa đến tiêu thụ tại nhà máy sấy của bà Tâm ở cây số 55, TT. Ea Kar, mỗi ngày cả chục tấn múi thành phẩm được thâu gom.
Mua hóa chất dễ như mua rau
Sau khi học được “kỹ nghệ” thúc mít chín “siêu tốc”, anh Minh đưa cho chúng tôi hai loại hóa chất. Một loại có dung dịch màu vàng và loại thứ hai là hóa chất Trung Quốc giới thiệu đến cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật bán tại TT.Ea Kar.
Đến cửa hàng Bích Đào hỏi mua thuốc “thúc” mít, một nhân viên nữ hỏi: “Anh cần loại nào?”. Chúng tôi nói bán cho loại hóa chất Trung Quốc vỉ 20 tuýp, ống nước. Nhân viên nữ nói: “Loại Trung Quốc “cháy” hàng” rồi, anh dùng loại màu vàng đi, “thúc” cũng hiệu quả lắm!”.
Nói xong, cô ta ghé cạnh tôi nói nhỏ: “Loại hóa chất Trung Quốc là hàng cấm, dùng loại này rất độc hại”. Tiếp tục đến cửa hàng Thanh Xuân, chúng tôi cũng được mời chào tương tự như vậy. Không mua được hóa chất Trung Quốc do “hết hàng”, chúng tôi quay lại cơ sở anh Minh trình bày thì được anh này cho biết: “Chắc thấy người lạ, họ không dám bán đâu, loại đó bị cấm bán. Bữa trước tôi vẫn hay mua ở đó, họ vẫn bán ầm ầm đó thôi, có sao đâu”.
|
Đem những loại hóa chất mà anh Minh đưa cho, chúng tôi đến trao đổi với ông Trịnh Tiến Bộ - Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk. Ông Bộ cho hay: “Hóa chất HPC-97 HXN và loại EDO ETHEPHON được các chủ vựa dùng thúc mít chín thuộc sự quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.
Nhưng khi chúng tôi yêu cầu được ông Bộ xác nhận hai loại trên có trong danh mục các loại thuốc được phép lưu thông trên thị trường hay không? ông Bộ trả lời dửng dưng: “Các anh muốn biết thì tìm đến nhà sản xuất hai loại hóa chất đó mà hỏi, chúng tôi không thể cung cấp thông tin trên”.
|
|
Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Đắk Lắk cảnh báo: Việc các chủ vựa chế biến mít không đảm bảo vệ sinh, mít chín bằng hóa chất không rõ nguồn gốc, nhất là hóa chất Trung Quốc sẽ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, nguy hiểm về đường tiêu hóa, kích ứng da gây mẩn ngứa, khi ngấm vào cơ thể với lượng lớn sẽ gây hôn mê, nguy hiểm đến tính mạng.
|
Hồng Quang