Nỗi lo thực phẩm "bẩn" dịp cận Tết

Thứ Ba, 07/01/2025 13:50

|

(CATP) Càng gần Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân càng tăng cao. Lợi dụng điều này, không ít đối tượng đã đưa ra thị trường các loại thực phẩm bẩn, thực phẩm chứa hóa chất độc hại, trôi nổi không rõ nguồn gốc, xuất xứ để bán kiếm lời, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng...

Tràn lan thực phẩm chứa hóa chất độc hại, không rõ nguồn gốc

Ngày 30/12/2024, Công an tỉnh Bình Phước cho biết, Trạm CSGT Đồng Phú, Phòng CSGT tỉnh phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế và các đơn vị chức năng kiểm tra, bắt giữ vụ vận chuyển hơn 8,5 tấn thịt, nội tạng không rõ nguồn gốc, bốc mùi hôi thối đang trên đường từ Hà Nội vào TPHCM tiêu thụ. Trước đó, vào khoảng 11 giờ ngày 29/12, tại Quốc lộ 14, đoạn qua ấp 2, xã Đồng Tâm, H.Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, lực lượng chức năng đã dừng xe ô tô biển số 89C - 244.88 do Lê Ngọc Hiếu điều khiển để kiểm tra. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện phía sau thùng xe chứa nhiều loại thịt động vật đã biến đổi màu sắc, bốc mùi hôi, bao gồm nội tạng bò, óc heo, gân bò, xương bò, chân giò bò, trứng gà non... với trọng lượng hơn 8,5 tấn. Toàn bộ số hàng này không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ và không được kiểm dịch theo quy định. Bước đầu, tài xế Lê Ngọc Hiếu khai đã nhận vận chuyển số hàng trên từ Hà Nội vào TPHCM theo yêu cầu của một người quen, sau đó sẽ có người đến nhận mang đi tiêu thụ. Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

CSGT Công an tỉnh Bình Phước phát hiện phương tiện vận chuyển thịt bẩn

Những ngày qua, dư luận bàng hoàng khi Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện nhiều cơ sở dùng hóa chất độc hại để sản xuất giá đỗ trên địa bàn. Các đối tượng khai nhận, trong quá trình sản xuất giá đỗ đã sử dụng vôi cục, nước giếng và một loại chất lỏng không màu gọi là nước "kẹo" để ngâm ủ làm giá đậu xanh, với mục đích làm cho rễ cây giá ngắn lại để tập trung dưỡng chất phát triển cho thân cây giá to, mập, tăng trọng lượng và có hình thức đẹp. Nước "kẹo" thực chất là hoạt chất 6-Benzylaminopurine. Đây là chất kích thích tăng trưởng tế bào, nếu đưa vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người như hít hoặc tiếp xúc qua da lâu dài có thể làm thai nhẹ ký, não úng thủy và các dị tật bẩm sinh, còn ăn vào lượng lớn có thể gây tử vong. Những đối tượng này khai nhận, đã bán ra thị trường 2.900 tấn giá đỗ ngâm chất 6-Benzylaminopurine trong năm 2024, trung bình khoảng 8-10 tấn/ngày. Trong đó, cơ sở Lâm Đạo ký hợp đồng cung ứng giá đỗ cho cửa hàng Bách Hóa Xanh ở Đắk Lắk từ 350-400kg/ngày. Hiện, cơ quan CA đã quyết định khởi tố, bắt tạm giam các đối tượng về hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (ATTP).

Tại Đà Nẵng, mới đây cơ quan CA cũng đã khởi tố, bắt tạm giam chủ cơ sở sản xuất chả các loại chứa chất cấm. Theo đó, ngày 27/12/024, Phòng Cảnh sát kinh tế CATP Đà Nẵng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Phạm Xu Tý (40 tuổi, trú Tổ 45, P.Hòa Khê, Q.Thanh Khê) - chủ cơ sở sản xuất chả Phạm Xu Tý (địa chỉ 41 Nhơn Hòa 12, P.Hòa An, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng); đồng thời, khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Võ Thị Tuyệt (vợ ông Tý, 33 tuổi, trú cùng địa chỉ trên) về hành vi "Vi phạm quy định về lĩnh vực ATTP". Trước đó, thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm ANTT Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Phòng Cảnh sát kinh tế CATP.Đà Nẵng đồng loạt ra quân kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn. Kiểm tra đột xuất tại cơ sở sản xuất chả Phạm Xu Tý do ông Tý làm chủ, lực lượng CA phát hiện gần 1 tấn chả các loại (chả bò, chả heo, chả da heo, chả quết), qua test nhanh phát hiện số chả nêu trên đều dương tính với hàn the (natri borat). Tiến hành thu 9 mẫu chả gửi cơ quan chức năng kiểm định chất lượng, kết quả cả 9 mẫu chả trên đều phát hiện hàn the trong sản phẩm.

Công an Đà Nẵng phát hiện gần 1 tấn giò chả chứa hàn the, chuẩn bị được tung ra thị trường

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng dịp cận Tết

Để bảo đảm ATTP, phục vụ nhân dân đón Tết, vui xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP ban hành kế hoạch nhằm tăng cường thanh, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao không bảo đảm chất lượng, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các TP lớn, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, vẫn bảo đảm phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm.

Những mẫu chả được test phát hiện có hàn the
Thịt động vật sống bị biến đổi màu sắc, bốc mùi hôi thối

Theo đó, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP đã lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 10 tỉnh, TP, gồm: Hà Nội, Hải Dương, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, TPHCM, Đồng Nai, Trà Vinh và Sóc Trăng. Đồng thời, tại địa phương cũng lập các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành từ cấp tỉnh đến cấp xã/phường để kiểm tra, rà soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm, đồng thời cũng cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, phổ biến tuyên truyền việc cần tự giác, gương mẫu thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP, thay đổi hành vi, thói quen, cách sống mất vệ sinh, góp phần bảo đảm ATTP ở tất cả các khâu, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Tuyên truyền phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương. Cùng với đó, phổ biến, tuyên truyền cho toàn xã hội tham gia phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất ATPP, tuyên truyền hướng dẫn cách chọn mua thực phẩm, cách chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn; không mua thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày Tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng, hoặc mốc hỏng. Đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi, vi phạm an ninh, ATTP, lên án, tẩy chay các sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm an toàn.

Sở An toàn thực phẩm TPHCM cũng đã ban hành kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội xuân 2025. Theo đó kế hoạch có 3 mục tiêu: Bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và sử dụng thực phẩm; Tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; Bảo đảm thực phẩm tiêu thụ trên thị trường an toàn, phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội xuân 2025. Trong đó, Sở ATTP TPHCM tập trung kiểm tra, giám sát những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và trong các lễ hội như: thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm; đồng thời kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Bình luận (0)

Lên đầu trang