Còn nhiều lỗ hổng để thực phẩm bẩn vào trường học

Thứ Sáu, 10/05/2019 10:16  | Ngô Đồng

|

(CAO) Quy mô các vụ ngộ độc xảy ra trong trường học trên địa bàn TP.HCM đã giảm đi đáng kể theo thời gian. Tuy nhiên, tình hình ngộ độc thực phẩm vẫn còn xảy ra.

Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có 1.974 trường học (mầm non, tiểu học, trung học sơ sở và trung học phổ thông). Trong số 1.974 cơ sở giáo dục, có 2.314 cơ sở dịch vụ ăn uống trong các trường học.

Cụ thể, có 1.280 bếp ăn tập thể tự tổ chức, 112 bếp ăn tập thể thuê nấu, 292 cơ sở nhận suất ăn sẵn và 630 căng tin trong trường học.

Trong đó, đa phần các trường học mầm non là bếp ăn tự tổ chức (97.7%). Đối với trường tiểu học, bếp ăn tự tổ chức chiếm 30.2%, bếp ăn thầu nấu 8.5% và nhận suất ăn sẵn 21.7%.

Trong thời gian 5 năm, từ năm 2014 đến hết năm 2018, trên địa bàn thành phố xảy ra 25 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có 7 vụ xảy ra tại trường học.

Cụ thể, năm 2014 có 1 vụ ngộ độc làm 97 học sinh mắc, năm 2015 có 1 vụ làm 65 học sinh mắc. Năm 2016 và 2017, mỗi năm có 2 vụ ngộ độc làm 127 học sinh mắc (2016) và 26 học sinh mắc (2017). Năm 2018 có 1 vụ làm 25 học sinh mắc.

Theo PGS.TS. Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, quy mô các vụ ngộ độc xảy ra trong trường học đã giảm đi đáng kể theo thời gian. Tuy nhiên, tình hình ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học trên địa bàn TP.HCM vẫn còn xảy ra.

PGS TS Phạm Khánh Phong Lan khuyến khích các bếp ăn, nhà ở, cơ sở cung cấp thức ăn cho học sinh, căng tin trong trường học sử dụng thực phẩm đạt chuẩn như: Chuỗi an toàn thực phẩm, VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO 22000,... để đảm bảo an toàn thực phẩm cho học sinh. Ảnh: NĐ

PGS TS Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ, đối tượng học sinh trong trường học là những đối tượng rất dễ có nguy cơ bị ngộ độc nếu sử dụng thực phẩm không an toàn. Do đó, ngay khi thành lập, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã thực hiện rà soát 2.314 cơ sở dịch vụ ăn uống trong trường học.

Theo đó, đã hướng dẫn thực hiện bổ sung 440 bản cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm (đối với các trường tự tổ chức dịch vụ ăn uống) và 157 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong trường học, đảm bảo các cơ sở dịch vụ ăn uống trong trường học được cấp bản cam kết/giấy chứng nhận an toàn thực phẩm theo quy định trước khi đi vào hoạt động.

Bà Lan khuyến khích các bếp ăn, nhà ở, cơ sở cung cấp thức ăn cho học sinh, căng tin trong trường học sử dụng thực phẩm đạt chuẩn như: Chuỗi an toàn thực phẩm, VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO 22000,... để đảm bảo an toàn thực phẩm cho học sinh.

"Việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học là vấn đề được các cấp các ngành hết sức quan tâm, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con em chúng ta", bà Lan nhấn mạnh.

Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cũng đã thực hiện triển khai thí điểm tiếp nhận thực phẩm an toàn tại 6 quận: 3,5,8,11, Tân Bình và Bình Thạnh và sẽ tiếp tục được nhân rộng trong năm học tới.

Một bếp ăn trong trường học đang chuẩn bị thức ăn cho học sinh. Ảnh: NĐ

Đa số các trường học trên địa bàn thành phố đều duy trì việc chấp hành nghiêm và thực hiện tốt các quy định pháp luật về lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở dịch vụ ăn uống trong trường học vi phạm về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, chưa bố trí được bếp ăn cũng như khu vực ăn uống cho học sinh.

Một số nơi phát hiện có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập vào khu vực sơ chế và chế biến thực phẩm. Căng tin một số trường sử dụng nước đá uống chưa có bao bì kín khi vận chuyển đến trường,...

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, vẫn còn lỗ hổng để thực phẩm bẩn trà trộn vào trường học. Trong quá khứ đã có tình trạng vì lý do lợi nhuận mà các cơ sở cung cấp thức ăn, bếp ăn trường học mua những hàng ế, hàng dạt, hàng kém chất lượng cho học sinh.

Bên cạnh đó, kiến thức và trách nhiệm của người tổ chức bếp ăn nếu không tuân thủ, đảm bảo đúng quy trình thì nguy cơ thực phẩm bị nhiễm bệnh rất là lớn. Khâu bảo quản cũng rất quan trọng, nếu bảo quản không tốt, thì với khí hậu nóng như TP.HCM thì hết sức nguy hiểm vì vi khuẩn rất dễ xâm nhập.

Thời gia vừa qua, Ban phối hợp với Sở đã tập trung 'phòng bệnh hơn chữa bệnh' nên nguy cơ về ngộ độc đã giảm thiểu đi rất nhiều nhưng chúng ta vẫn không thể chủ quan được.

Theo bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, đa số các trường học đã chú ý, quan tâm hơn, thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ hơn trong các khâu đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn, căng tin.

Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn như một số trường sử dụng suất ăn công nghiệp chưa thường xuyên kiểm soát được từng loại thực phẩm mà nhà cung cấp sử dụng để chế biến món ăn cho học sinh hằng ngày.

Cũng theo bà Thu, một khó khăn khác là sản lượng thực phẩm cung cấp của một số đơn vị trong chuỗi an toàn thực phẩm không đủ cung cấp cho một đơn vị trường học nên dẫn đến tình trạng một trường học phải ký hợp đồng với nhiều công ty khác nhau cho cùng một loại sản phẩm.

Bên cạnh đó, một số trường cũng chưa công khai nhà cung cấp thực phẩm, nguyên liệu, món ăn hằng ngày cho phụ huynh học sinh theo dõi nên vẫn có khả năng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho học sinh khi sử dụng các bữa ăn hàng ngày tại trường học.

Với phương châm "xây dựng thực phẩm sạch - chống thực phẩm bẩn", thời gian qua, nhằm tăng số lượng và đa dạng hóa nguồn thực phẩm an toàn cho người dân trên địa bàn thành phố, Ban Quản lý An toàn thực phẩm cũng đã đẩy mạnh công tác xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn.
Lũy tiến đến nay, đã cấp 365 giấy chứng nhận cho 238 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh vào chuỗi trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh, với tổng sản lượng 166.638,25 tấn rau, củ, quả, thịt, thủy sản/năm; nước mắm 13,1 triệu lít nước mắm/năm; trứng gà: 534.635.284 quả/năm.
Đồng hành cùng nhà trường ngăn chặn thực phẩm bẩn
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang