(CAO) Bệnh nứt hậu môn là một biến chứng tiêu hóa gây chảy máu, đau rát khiến cho người mắc vô cùng khổ sở và đau đớn.
Theo BS. Võ Duy Tâm, chuyên gia Sức khỏe Nam giới, “rách hậu môn” hay còn được gọi theo từ ngữ chuyên khoa là “nứt hậu môn” không phải là một căn bệnh gây ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, căn bệnh nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, thì nứt hậu môn sẽ chuyển sang thể mãn tính, khó điều trị hơn và làm giảm chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Triệu chứng thường gặp điển hình của bệnh đó là đau hậu môn. Cơn đau có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ, và hậu quả của điều này là các bệnh nhân sẽ cố gắng ngăn chặn việc đi tiêu để tránh cơn đau (nhịn đi tiêu, bỏ ăn uống, …). Bệnh nhân cũng có thể đại tiện ra máu đỏ tươi.
Phần lớn các trường hợp nứt hậu môn là hậu quả của tình trạng táo bón, đi tiêu phân lớn và cứng. Tuy nhiên, tiêu chảy cũng có thể là một trong các nguyên nhân. Các chấn thương vùng hậu môn cũng có thể gây ra các vết nứt tùy vào mức độ. Ngoài ra, các bệnh lý khác cũng có thể gây ra các biểu hiện tương tự như bệnh viêm đại tràng mạn tính Crohn, viêm ruột mạn tính, ung thư ống hậu môn,...
Nứt ống hậu môn là bệnh lí thường gặp, đặc biệt ở giới trẻ trong thời đại ngày nay do chế độ ăn ít chất xơ, ít uống nước và thói quen ít vận động. Ảnh minh họa
BS. Bùi Hồng Minh Hậu, Chuyên gia về Hậu môn – Trực tràng cho biết thêm, phần lớn nứt hậu môn không cần phải can thiệp phẫu thuật, chủ yếu thay đổi chế độ ăn, thay đổi thói quen sinh hoạt và dùng một số loại thuốc hỗ trợ tiêu hóa trong trường hợp cần thiết và có chỉ định của bác sĩ.
Bổ sung thức ăn giàu chất xơ như rau xanh, trái cây…(25- 35 grams chất xơ/ngày); cung cấp nhiều nước lọc cho cơ thể, đặc biệt là với thời tiết khá nóng như nước ta (nên cung cấp 2,5 – 3 lít nước lọc/ ngày); các trường hợp đau rát vùng hậu môn gây khó chịu nhiều, bệnh nhân có thể ngâm hậu môn với nước ấm 1 – 2 lần/ngày, mỗi lần 10 – 20 phút giúp làm dịu vết nứt và giảm bớt tình trạng căng cơ vùng hậu môn gây khó chịu.
Một số loại thuốc uống hỗ trợ lành vết thương hoặc thuốc bôi có thể sử dụng trong vài trường hợp, tuy nhiên cần có sự thăm khám của bác sĩ chuyên khoa và được chỉ định cụ thể.
Phẫu thuật sẽ được các bác sĩ chuyên khoa cân nhắc trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp trị liệu được nêu ở trên hoặc bệnh nhân không đồng ý điều trị với các phương pháp trên và có nguyện vọng được phẫu thuật.
Lợi điểm của phẫu thuật là sẽ giải quyết tốt tình trạng căng cơ vùng hậu môn, giúp giảm đau. Tuy nhiên, cuộc phẫu thuật thì dù lớn hay nhỏ cũng đều có những nguy cơ, biến chứng riêng của nó và cần phải được thăm khám kĩ bởi các bác sĩ chuyên khoa.
Nứt ống hậu môn là bệnh lí thường gặp, đặc biệt ở giới trẻ trong thời đại ngày nay do chế độ ăn ít chất xơ, ít uống nước và thói quen ít vận động. Do vậy phòng bệnh luôn luôn tốt hơn chữa bệnh.
Rách/nứt hậu môn có thể được phòng ngừa bởi chế độ ăn có thực phẩm giàu chất xơ, uống nước đủ và tập thể dục thường xuyên để tránh bị căng thẳng khi đi tiêu, chống táo bón cũng như tiêu chảy kéo dài. Chất xơ có thể giúp giữ cho phân mềm và cải thiện khả năng chữa lành vết nứt/rách. Thực phẩm giàu chất xơ bao gồm trái cây, rau, các loại hạt và ngũ cốc.
(CAO) Ung thư đại trực tràng là loại ung thư thường gặp, tuy nhiên là loại ung thư có thể ngăn ngừa được và việc điều trị ở giai đoạn sớm rất có hiệu quả, khả năng sống sót cao và chi phí điều trị khi phát hiện ở giai đoạn sớm là rất ít.