PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan:

Đồng hành cùng nhà trường ngăn chặn thực phẩm bẩn

Thứ Tư, 20/06/2018 09:30

|

(CAO) Đối tượng học sinh sinh viên trong trường học là những đối tượng rất dễ có nguy cơ bị ngộ độc nếu sử dụng thực phẩm không an toàn.

Thời gian qua, mặc dù TP.HCM đã quan tâm nhiều đến công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tuy nhiên, các vụ ngộ độc vẫn xảy ra. Tại nhiều trường học, việc kiểm tra chất lượng nguồn thực phẩm đầu vào vẫn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc cho học sinh, đặc biệt là bậc mầm non và tiểu học.

Bên cạnh nguồn gốc thực phẩm chưa rõ ràng, nguyên nhân để xảy ra ngộ độc thực phẩm là do nhân viên chưa nắm vững kiến thức về an toàn thực phẩm (về bảo quản, chế biến thực phẩm chưa hợp vệ sinh,...); các bếp ăn, cơ sở chế biến suất ăn sẵn chưa có sự giám sát thường xuyên; thời gian thực phẩm từ lúc chế biến đến khi sử dụng còn dài (sau 2 giờ) mà không có thiết bị bảo quản, hâm nóng;...

Bên cạnh đó, điều kiện cũng như cách thức vận chuyển hàng hóa của nhiều cơ sở vẫn chưa đạt chuẩn nên kéo giảm chất lượng các suất ăn. Thế nhưng, chính việc lơ là trong khâu kiểm soát nguồn gốc đầu vào thực phẩm tại một số bếp ăn, căng tin trong trường học mới là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng mất an toàn bữa cơm học đường.

PGS TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM chia sẻ, đối tượng học sinh sinh viên trong trường học là những đối tượng rất dễ có nguy cơ bị ngộ độc nếu sử dụng thực phẩm không an toàn.

Việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học là vấn đề được các cấp các ngành hết sức quan tâm, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con em chúng ta. Do đó, Ban Quản lý An toàn thực phẩm sẽ phối hợp, đồng hành với ngành giáo dục đào tạo TP siết chặt tiêu chuẩn an toàn cho bữa cơm học đường.

PGS TS Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: NĐ

Sáng 20-6, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM tổ chức Tập huấn công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cho trường học trên địa bàn TP.HCM năm 2018.

Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, chương trình sẽ tập huấn cho hơn 1.000 giáo viên, là hiệu trưởng của các trường cũng như những cán bộ phụ trách công tác thực phẩm ở trường học từ bậc mầm non đến THCS đóng trên địa bàn TP.

Theo đó, chương trình tập huấn sẽ phổ biến về Luật an toàn thực phẩm; Các mối nguy ô nhiễm thực phẩm; Triển khai thực hiện về việc cung cấp thực phẩm có nguồn gốc an toàn cho các bếp ăn, nhà ăn, cơ sở cung cấp thức ăn cho học sinh, căng tin trong trường học; Các văn bản chỉ đạo về ATTP của Ngành giáo dục và Đào tạo trong năm 2018-2019; Các qui định về an toàn thực phẩm;...

Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM tổ chức Tập huấn công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cho trường học trên địa bàn TP.HCM năm 2018

Bà Phạm Khánh Phong Lan mong rằng, qua 8 buổi tập huấn cho 24 quận/huyện, các thầy cô sẽ có thêm kiến thức về vấn đề an toàn thực phẩm để phòng ngừa tình trạng ngộ độc xảy ra ở trường học.

Bà Lan cho rằng, nhiệm vụ của Ban quản lý an toàn thực phẩm là xây dựng quản lý nguồn thực phẩm sạch, an toàn và chống thực phẩm bẩn cho người dân TP. Trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học, Ban rất cần sự hỗ trợ chung tay từ Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM trong việc kiểm tra, giám sát các bếp ăn tập thể, căng tin trong trường học, nơi cung cấp suất ăn sẵn cho học sinh,...

Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM cho biết, trên địa bàn TP hiện có khoảng hơn 1.500 trường từ mầm non đến THCS có bếp ăn tập thể hoặc hợp đồng suất ăn công nghiệp.

Do đó, việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho học sinh là vấn đề vô cùng quan trọng, nguy cơ có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu nguồn thực phẩm chế biến không đảm bảo, kiến thức của những người trực tiếp tham gia vào quá trình cung cấp suất ăn cho các em học sinh chưa được trang bị, thiếu sự giám sát qua lại giữa người thụ hưởng và đơn vị cung cấp suất ăn,...

Việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học là vấn đề được các cấp các ngành hết sức quan tâm, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con em chúng ta. Ảnh: NĐ

Không chỉ đề ra những giải pháp giúp hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học, Ban Quản lý An toàn thực phẩm và Sở GD-ĐT còn hướng đến việc trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để các trường chủ động thiết lập mô hình bếp ăn an toàn, suất ăn đảm bảo nhằm mang đến sự an tâm cho các bậc phụ huynh.

"Làm sao phải đảm bảo các nguồn thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn tập thể, căng tin, nơi cung cấp suất ăn sẵn cho học sinh mua thực phẩm từ các cơ sở chuỗi thực phẩm an toàn được công nhận của TP, các cơ sở đạt chứng nhận HACCP, VietGap, GlobalGap,... Tiến tới mục tiêu là không còn xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học.

Việc tuân thủ mua những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, không chỉ nhằm đảm bảo an toàn trong sử dụng mà cũng góp phần khuyến khích trở lại người sản xuất và kinh doanh làm thực phẩm sạch", bà Lan chia sẻ.

Một số bếp ăn, căng tin trong trường học còn sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang