Dạo một vòng các chợ lề đường ở TPHCM: Nỗi lo thực phẩm bẩn cận Tết

Thứ Sáu, 26/01/2024 13:58  | Hải Văn

|

(CATP) Càng gần Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm gia tăng đột biến. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay đang bày bán nhiều loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm vệ sinh, chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và ngộ độc cao.

Mất vệ sinh, mập mờ nguồn gốc

Hơn 3 giờ sáng, nhiều điểm kinh doanh thịt heo trên Quốc lộ 22 thuộc xã Trung Chánh (H.Hóc Môn, TPHCM) đã hoạt động tất bật. Để phân loại xương, thịt, nội tạng động vật, nhiều người xử lý ngay trên nền nhà hoặc để bệt trên vỉa hè, lòng lề đường. Nhiều tảng thịt bị kéo lê, quăng qua lại trên nền vỉa hè cáu bẩn; nhiều thùng thịt đặt ngay dưới mặt đường trông rất mất vệ sinh.

Xung quanh Chợ đầu mối Hóc Môn (H.Hóc Môn) có một khu chợ "chồm hổm" hoạt động rất nhộn nhịp, buôn bán rất nhiều loại thịt, cá, hải sản không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh. Để kinh doanh, nhiều người đổ cả đống xương, thịt, đầu, đuôi, chân giò... lên các khung, kệ thấp sát nền đường đầy bụi bặm. Có người để bệt dưới nền đất hoặc treo lủng lẳng từng tảng thịt lên chiếc xe máy cà tàng để bán.

Bên cạnh thịt, các loại hải sản, nội tạng động vật... cũng được bày bán nhan nhản. Người bán đựng đủ loại hải sản trong những chiếc mâm, thau, chậu cũ kỹ hoặc trải một vài tấm bạt qua loa rồi ngồi bán ngay trên lòng lề đường đầy rác và bụi bặm. Nhiều loại tôm, cá bị ươn sình, đỏ quạch, bốc mùi hôi thối. Nội tạng động vật luộc sẵn có màu trắng bợt, thâm tím, mùi ngai ngái như bị tẩm hóa chất rất khó chịu.

Do các mặt hàng thịt, cá, tôm, mực... ở đây có giá chỉ bằng 2/3 hoặc gần một nửa so với các loại thực phẩm được bán trong siêu thị hay các khu chợ truyền thống nên dù trông mất vệ sinh nhưng nhiều người vẫn mua. Chị Nguyễn Thị Hậu, ở trọ gần Chợ đầu mối Hóc Môn cho biết, với đồng lương còm cõi, nhiều người ở xóm trọ công nhân của chị thường ra khu chợ "chồm hổm" này mua thịt, cá giá rẻ về ăn cho tiết kiệm. Biết chất lượng không bảo đảm, nhưng vì ít tiền, người ta phải đành nhắm mắt làm ngơ.

Nhiều điểm kinh doanh thịt heo trên Quốc lộ 22 không bảo đảm vệ sinh

Tờ mờ sáng, trước cổng Chợ đầu mối Thủ Đức (TP.Thủ Đức) có tới 2-3 điểm bán thịt heo, gà đông lạnh. Hàng trăm ký thịt ba chỉ, sườn cây, cốt lết, giò khoanh, móng giò, tim, cật heo và các bộ phận đùi, cánh, ức gà được bán đổ đống. Mặc dù đã được "lên đời", cắt gọt phẳng phiu, nhưng hầu hết thực phẩm ở đây đều có màu nhợt nhạt, tím tái. Sau khi bị rã đông, nhiều miếng thịt trở nên sền sệt, nhầy nhụa không còn hồng hào như thịt heo "nóng". Thịt gà cũng chuyển sang màu sạm đen, bầm tím và có mùi ươn thối.

Tại con đường hẻm từ Chợ đầu mối Thủ Đức dẫn ra Tỉnh lộ 43 và nhiều đường xung quanh khu chợ này, thịt, cá, thủy, hải sản được bày bán la liệt trên nền đất, bên vỉa hè, cạnh đống rác và rãnh nước thải. Có người dồn hàng chục ký thịt ngay dưới chân bàn rồi dùng vài tấm bìa carton đậy qua loa, mặc cho bụi bặm, nước bẩn bắn vào.

Bên cạnh những sạp thịt heo tươi, nhiều người bán các loại thịt ba rọi, lỗ tai, đùi, tim heo ướp lạnh đã ngả màu tím tái, bốc mùi khó chịu như heo chết. Một số sạp bán nội tạng heo, bò đã luộc chín để lẫn lộn với các loại thịt, cá, hải sản còn sống, nhiều miếng có mùi khó ngửi, ruồi nhặng bu bám đen kịt. Nhiều loại cá, hải sản ở đây cũng bị ươn sình, tôm chuyển sang màu hồng ươn, mực đỏ au, nước mực đen sì, có mùi thum thủm...

Nhiều loại nội tạng động vật luộc chín không bảo đảm vệ sinh bày bán tại các chợ "chồm hổm"

Tương tự, trước cổng Chợ đầu mối Bình Điền (Q8) cũng bày bán đủ loại thịt heo, bò, gà, tôm, cá, mực... Để kinh doanh, có người đặt hàng trên chiếc xe kéo với chiều cao cách mặt đất khoảng một gang tay, có người trải vài tấm bạt, bìa carton qua loa. Trước cổng Chợ đầu mối Bình Điền thường xuyên bị triều cường ngập úng, nhưng nhiều người vẫn bì bõm kê bàn ghế buôn bán đủ loại thịt, cá trên vũng nước đen ngòm, bốc mùi tanh tưởi. Nhiều loại thịt heo, gà, chim cút, thịt vịt đông lạnh không rõ nguồn gốc có màu tái nhợt, thớ thịt nhũn nhão đã bốc mùi hôi. Đa số thực phẩm ở những khu chợ tự phát này được bán với giá bèo nên thu hút nhiều người mua.

Về nguồn gốc các loại thực phẩm, chúng tôi được nhiều người quảng cáo, các loại thịt này được nhập khẩu từ Mỹ, Đức, Canada, Brazil... Một số khác trả lời qua loa rằng thực phẩm của họ được nhập từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu... Tuy nhiên hầu hết chúng không có dấu kiểm dịch, không ghi nguồn gốc xuất xứ, hỏi về hóa đơn chứng từ, nhiều người không trả lời hoặc cau mày nhăn nhó "không mua thì đi chỗ khác".

Thịt heo, gà không rõ nguồn gốc được bán tràn lan

Chất lượng... hên xui

Đi kèm với giá cả bèo bọt, chất lượng của những loại thực phẩm trôi nổi này cũng thuộc dạng... hên xui.

Chị Phan Thị Nghĩa (ngụ Q12, TPHCM) cho biết, để tiết kiệm chi phí, chị thường ra chợ "chồm hổm" Hóc Môn mua thực phẩm giá rẻ về ăn, nhưng không ít lần chị vớ phải đồ ôi thiu. Có lần thấy thịt gà căng cứng, trên mình còn dính một ít lông, có vẻ như mới làm, chị chọn mua một con. Thế nhưng khi mang về chế biến thì thịt gà bỗng mềm nhũn, mùi thịt ngai ngái như mùi phoóc môn, xương gà bị vôi hóa, để một lúc thì miếng thịt rệu rã, vuốt bên ngoài đùi gà thấy có chất nhầy dính vào tay. Mặc dù ướp đủ loại gia vị, mắm muối, nhưng khi nấu lên, nồi thịt bốc mùi hăng hắc rất khó chịu, chị đành đành đổ luôn nồi gà không dám ăn. Hơn 150 ngàn đồng tiền gà, tiền gia vị, công đi chợ, công chế biến đành quăng thùng rác.

Ngày nghỉ lễ, anh Lê Văn Báu (ngụ TP.Thủ Đức, TPHCM) ghé chợ "chồm hổm" gần Chợ đầu mối Thủ Đức mua ít thực phẩm về đãi bạn. Nhìn những khoanh giò được tút gọt gọn gẽ, lòng bò trắng nõn, anh mua 2 ký giò cùng 2 ký nội tạng bò. Về phòng trọ, vợ anh trút mớ thịt, lòng ra rửa thì thấy các sớ thịt lỏng lẻo, lớp mỡ không sóng sánh như thịt heo bình thường. Lấy ngón tay nhấn vào khoanh thịt giò thấy độ đàn hồi yếu, để một lúc nước tươm ra như thể thịt này được bơm nước, ướp hóa chất. Nội tạng bò cũng nhũn nhão, ngã màu thâm đen. Bỏ vào nồi nấu, thịt giò bốc mùi khai như mùi ure, ăn thử thì thấy bở, còn lòng bò bốc mùi thối và đắng nghét. Vợ chồng anh Báu đành ngậm ngùi đổ bỏ số thực phẩm trên. Anh Báu ngao ngán, thời buổi kinh tế khó khăn, lương bổng eo hẹp, giá cả "leo thang" mà gặp phải gian thương mua gian, bán lận thì lại còn khổ hơn. Không chỉ mất công, mất tiền mà còn ôm cục tức, rước bệnh vào thân.

Tương tự, thấy người ta bán mực với giá chỉ 90 ngàn đồng/ký ở chợ "chồm hổm" gần Chợ đầu mối Thủ Đức, chị Danh Thị Mây (ngụ TP.Thủ Đức, TPHCM) mua 2 ký về ăn. Sau khi chế biến, gia đình chị ăn thì thấy mực mềm nhũn, mùi thum thủm, vị đắng, không giòn, thơm, ngọt đặc trưng của mực. Tối đến, cả nhà chị bị đau bụng quằn quại vì ăn phải món mực giá rẻ. Thấy có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm, chồng chị tức tốc ra tiệm thuốc tây mua thuốc về cho cả nhà. Sau phen hú vía này, chị cạch mặt luôn các loại phực phẩm giá rẻ.

Gà, vịt gá rẻ, nhưng chất lượng thì... hên xui

Theo Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), năm 2023, đơn vị đã kiểm tra 71.910 vụ, phát hiện, xử lý 52.349 vụ vi phạm (tăng 16% so với năm 2022). Trong đó, lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) kiểm tra 8.306 vụ, xử lý 6.773 vụ. Hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về sở hữu trí tuệ và thực phẩm không bảo đảm chất lượng.

Tại TPHCM, năm 2023, các cơ quan chức năng đã kiểm tra hàng ngàn cơ sở sản suất, kinh doanh thực phẩm. Cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 1.735 cơ sở vi phạm ATTP, tổng số tiền xử phạt hơn 21 tỷ đồng.

Trong đó, Cục Quản lý thị trường TPHCM đã kiểm tra 529 vụ về thực phẩm, phát hiện 441 vụ vi phạm. Các hành vi vi phạm chủ yếu là: không có hóa đơn chứng từ; hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; sử dụng người lao động không mang trang phục bảo hộ lao động theo quy định; vi phạm quy định về nhãn hàng hóa, ATTP... Số tiền xử phạt 7,74 tỷ đồng, giá trị hàng hóa vi phạm khoảng 6,3 tỷ đồng, buộc tiêu hủy 188.488 sản phẩm các loại.

Nhiều tảng thịt được để ngay dưới gầm bàn, mặc cho bụi bặm, nước bẩn bắn vào

Cảnh sát Kinh tế - Môi trường Công an TPHCM đã kiểm tra, xử lý 254 cơ sở có hành vi vi phạm pháp luật về ATTP, số tiền xử phạt hơn 8 tỷ đồng, buộc tiêu hủy khoảng 20 tấn thực phẩm không an toàn; chuyển cơ quan điều tra thụ lý theo thẩm quyền 7 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, đã khởi tố 2 vụ.

Để phân biệt thực phẩm tươi sống hay ướp hóa chất, chị Nguyễn Thúy Vy, một đầu bếp nhà hàng cho biết: "Đối với các loại thực phẩm bị ướp hóa chất, nhìn bề ngoài chúng giống đồ tươi, nhưng độ đàn hồi các thớ thịt thấp, lấy tay ấn sẽ mềm, dễ lõm, ngửi thấy có mùi khai chứ không phải mùi tanh, khi rửa thịt dễ ra nước. Đem nấu, các loại thực phẩm này sẽ nhanh bị rã và không có mùi thơm tự nhiên, lúc ăn không có độ ngọt như hàng tươi sống. Để tránh mua phải thực phẩm tẩm hóa chất, người nội trợ cần chọn các mặt hàng tươi sống, mua ở siêu thị hoặc những cửa hàng có uy tín".

Bình luận (0)

Lên đầu trang