Sợ hãi với thực phẩm bẩn "tân trang"

Thứ Ba, 19/07/2022 10:20  | Hải Văn

|

(CATP) Bỏ một số tiền không nhỏ ra mua thực phẩm về dùng, tưởng rằng sẽ nhận lại được món ăn ngon, nhưng nhiều người phải ngậm quả đắng khi vớ phải thực phẩm bẩn khiến "tiền mất, tật mang".

Chị Nguyễn Thị Nghĩa (ngụ Q.Tân Phú, TPHCM) cho biết vừa ra khu chợ "cóc" trên đường Kênh Tân Hóa mua gà về nấu bữa tối cho cả nhà. Chị ghé sạp bán thịt gà bên vỉa hè để mua. Người bán hàng quảng cáo, gà thả vườn do nhà nuôi, mới mổ, rất tươi ngon. Thấy màu da gà trắng hồng, trên mình còn dính một ít lông, nhìn có vẻ như mới làm, chị chọn một con cỡ 1,7 ký, giá hơn 200 ngàn đồng mua về ăn.

Tưởng rằng mua được con gà ngon về đãi cả nhà, nhưng khi mang ra làm, chị phát hiện thịt gà mềm nhũn không dai chắc như thịt gà tươi, xương gà bị vôi hóa. Gà không có mùi tanh đặc trưng, thay vào đó là mùi ngai ngái như mùi phoóc môn. Chị rửa sạch, chặt miếng vừa ăn rồi để một lúc cho ráo thì nước từ trong thịt ứa ra nhầy nhầy, miếng thịt rệu rã. Mặc dù đã ướp đủ loại gia vị, nước mắm nhưng khi nấu lên, nồi thịt bốc mùi hăng hắc rất khó chịu. Biết đã mua phải gà "đểu", chị đành phải đổ luôn nồi gà mà không dám ăn.

Ngày cuối tuần, anh Trần Công Minh (ngụ Q.Bình Tân, TPHCM) ghé khu chợ "chồm hổm" gần hầm chui Tân Tạo (Q.Bình Tân) mua ít cá biển về nấu lẩu đãi bạn. Thấy cá khoai khá ngon, anh ghé hỏi thì được người bán giới thiệu, cá khoai mới mang từ Vũng Tàu lên còn tươi rói, chiều giờ bán hơn chục ký rồi, còn vài ký anh lấy đi kẻo hết. Nhìn những con cá trắng hồng được ướp đá lạnh, anh mua 2 ký, hết 360 ngàn đồng về chuẩn bị nấu lẩu đãi bạn. Tuy nhiên, về đến phòng trọ, vợ anh trút mớ cá ra rửa, cắt bỏ đầu, vây thì hàng chục con cá đã ngã màu trắng bạch, thân hình teo tóp chứ không hồng hào, mập ú như ở chợ.

Cẩn trọng với việc mua thực phẩm trôi nổi

Nghĩ rằng cái giống cá khoai nó dễ rửa nước nên chị vẫn rửa sạch sẽ, bỏ lên rổ nhựa để khô ráo. Lúc nấu ăn, vừa bỏ vào nồi chưa được bao lâu, mẻ cá khoai nhanh chống rệu rã vỡ vụn, bốc mùi khai như mùi urê, ăn thử thì thấy chẳng có vị ngọt của cá, thay vào đó là vị lợ, đắng. Biết mua phải mớ cá "dỏm", anh Minh quê độ ngậm ngùi đổ nồi lẩu cá hơn nửa triệu đồng rồi gọi điện thoại cho người quen mua cái lẩu bò về "chữa cháy".

Tương tự, cách đây hơn 2 tuần, chị Phan Thị Thương (ngụ TP.Thủ Đức) ghé một điểm bán hải sản vỉa hè gần Chợ đầu mối Thủ Đức mua khoảng 2 ký mực về ăn. Nhìn những con mực được ướp đá to bằng cườm tay con nít, màu trắng nõn, anh không ngần ngại bỏ ra 400 ngàn đồng để mua. Về nhà, anh lấy một nửa để chế biến, nửa còn lại anh cất tủ lạnh để lần sau dùng.

Sau khi làm món mực xào chua ngọt, gia đình ăn thì thấy mực dai, giòn, nhưng lại không có vị ngọt và không có mùi mực đặc trưng, thay vào đó là mùi ngái, đắng. Tối đến, cả nhà anh bị đau bụng quằn quại. Thấy có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm, anh tức tốc ra tiệm thuốc tây mua thuốc về cho cả nhà, đồng thời bỏ luôn gần ký mực còn lại trong tủ lạnh.

Được biết, phoóc môn là hóa chất thường dùng để ướp xác và chế tạo keo dán. Còn urê là phân bón hóa học được dùng trong nông nghiệp có tác dụng kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn. Hai sản phẩm này có giá thành rẻ nên được nhiều người dùng ướp thịt, cá, mực, hải sâm, tôm, lá sách, thịt kho, lạp xưởng... nhằm mục đích bảo quản thực phẩm được tươi lâu. Thế nhưng tác hại của chúng đối với sức khỏe của con người là rất nghiêm trọng. Dùng thực phẩm có chứa phoóc môn có thể dẫn đến các bệnh mãn tính về hô hấp; gây đau đầu, chóng mặt, toàn thân mệt mỏi, thiếu máu, suy giảm hệ miễn dịch; nghiêm trọng hơn còn có thể gây ung thư biểu mô, u tủy, u bạch huyết...

Sử dụng thực phẩm chứa urê với liều lượng quá mức có thể gây giảm hoạt động của tuyến giáp, rối loạn máu ác tính, rối loạn thần kinh... Ngoài ra, urê có thể chứa các thành phần nguy hiểm như kim loại nặng gây ngộ độc. Nhẹ thì chóng mặt, đau bụng, nặng hơn sẽ gây nôn mửa, tiêu chảy, nhiều trường hợp cấp cứu không kịp thì tử vong.

Để phân biệt được thực phẩm có bị "tân trang" bằng hóa chất hay không, chị Lâm Mai Tiên, một đầu bếp quán ăn cho biết, đối với các loại hải sản, khi để lâu chúng sẽ có mùi ươn đặc trưng, mắt đục sình, mang thâm tái, mô thịt thường nhão, không săn chắc như hàng tươi sống. Khi bị ướp hóa chất, nhìn bề ngoài thấy chúng giống đồ tươi, mắt cá trong, mang đỏ hơn bình thường, nhưng độ đàn hồi các thớ thịt không cao, lấy tay ấn sẽ mềm, dễ lõm, ngửi thấy có mùi khai chứ không phải mùi tanh. Khi rửa, thịt cá, hãi sản sẽ nhanh mềm, dễ rửa nước. Đem nấu, thịt, cá, hải sản sẽ nhanh bị rã và không có mùi thơm tự nhiên, lúc ăn không có độ ngọt như hàng tươi sống.

Để tránh mua phải thực phẩm tẩm hóa chất, người nội trợ cần chọn các mặt hàng tươi sống, mua ở siêu thị hoặc những cửa hàng có uy tín.

Bình luận (0)

Lên đầu trang