Theo Bản tin của Bộ Y tế về tình hình chống dịch COVID-19 tại Việt Nam, tính từ 19h30 ngày 21/7 đến 6h ngày 22/7 có 2.967 ca mắc mới, trong đó 02 ca nhập cảnh và 2965 ca ghi nhận trong nước.
Cụ thể số ca ghi nhận trong nước tại: TP.Hồ Chí Minh (2.433), Long An (233), Bình Dương (64), Đồng Nai (53), Tiền Giang (41), Vĩnh Long (38), Bến Tre (28), Đà Nẵng (27), An Giang (15), Kiên Giang (10), Hậu Giang (5), Bình Phước (5), Hải Phòng (3), Cần Thơ (3), Hà Nội (2), Sơn La (2), Quảng Bình (2), Thừa Thiên-Huế (1).
Trong số này, có 181 ca tầm soát từ cộng đồng, còn lại đều ở trong khu vực phong tỏa, cách ly.
Từ khi dịch xảy ra, Quảng Bình đã ghi nhận 2 ca mắc đầu tiên. Các trường hợp này đều là các F1, đã được cách ly.
Công an TPHCM kiểm tra người ra đường trong thời gian TP áp dụng biện pháp chống dịch theo Chỉ thị 16
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
Tính đến sáng ngày 22/7, Việt Nam có tổng cộng 71.144 ca mắc, trong đó có 2.101 ca nhập cảnh và 69.043 ca mắc trong nước.
Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 67.473 ca, trong đó có 9.197 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Số ca tử vong: 370 ca.
Có 09/61 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hòa Bình, Bắc Kạn.
Tình hình điều trị
Tổng số ca được điều trị khỏi: 11.971 ca.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 123 ca.
Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 18 ca.
Tình hình xét nghiệm
Số lượng xét nghiệm trong ngày là 93.160 cho 367.921 lượt người.
Tính từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 4.754.692 mẫu cho 12.853.317 lượt người.
Tình hình tiêm chủng
Trong ngày có 31.220 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm.
Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 4.367.939 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.042.984 liều, tiêm mũi 2 là 324.955 liều.
TPHCM sẽ tăng cường thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội triệt để hơn
Theo nhận định, số ca dương tính phát hiện vẫn còn cao, TP vẫn chưa đạt đỉnh dịch và có thể diễn biến phức tạp trong vài ngày tới.
Mặc dù diễn biến phức tạp, nhưng TP đã ghi nhận một số tín hiệu đáng mừng về dịch bệnh, đó là không phát sinh ổ dịch mới. Hơn 95% ca dương tính phát hiện qua lần xét nghiệm đầu tiên trong khu cách ly, phong tỏa cho thấy trường hợp nhiễm COVID-19 là do diễn tiến của bệnh từ F1 thành F0, không có cơ sở để khẳng định do lây nhiễm trong khu cách ly, phong toả.
Trong 3 kịch bản đã đề ra sau 15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tình hình dịch bệnh hiện tại của TPHCM đang phù hợp với kịch bản thứ 2. Đó là tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 và tăng cường một số biện pháp. Do đó, TP sẽ tăng cường thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội triệt để hơn trong thời gian 1 tuần hoặc 10 ngày tới để ngăn chặn được nguồn lây lan và đạt được đỉnh dịch.
Song song đó, TP sẽ tập trung cao việc phân tầng, quản lý, chăm sóc điều trị F0 với mô hình 5 tầng theo đề nghị của ngành y tế. Tầng 1 là cách ly tạm thời người nghi nhiễm, chờ kết quả PCR để xem xét cho cách ly tập trung tại địa phương. Tầng 2 là tầng F0 có triệu chứng cần điều trị, chủ yếu ở bệnh viện quận. Tầng 3 và 4 dành cho F0 vừa có triệu chứng vừa có bệnh nền, cần điều trị ở tuyến cao hơn. Tầng 5 dành cho F0 có triệu chứng nặng nhất sẽ được tập trung điều trị, hạn chế nguy cơ tử vong.
Mỗi người dân cần phát huy tinh thần mỗi người là một chiến sỹ trong cuộc chiến này. Thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết. Tăng cường kiểm soát, siết chặt các giải pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh trong các khu vực trọng yếu như bệnh viện, khu vực sản xuất. Trường hợp nằm trong khu vực phong tỏa, người dân cần thực hiện nghiêm các quy định cách ly y tế để hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho bản thân và gia đình.