Ngoài ra, hiện tại tình trạng bệnh nhân ổn định, không sốt, mạch huyết áp bình thường.
Trước đó, hôm 20/4, Bệnh Nhiệt đới TPHCM cũng cho biết, tình trạng rối loạn đông máu của bệnh nhân phi công người Anh cũng được kiểm soát tạm ổn. Đặc biệt, kết quả xét nghiệm bằng RT PCR đều âm tính với SARS-CoV-2 ở cả dịch rửa phế quản và dịch mũi họng.
Về tình hình dịch bệnh Covid-19, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM khuyến cáo, dù nhiều ngày qua TPHCM không có thêm ca bệnh mới, song người dân tuyệt đối không được chủ quan, tốt nhất vẫn nên hạn chế ra khỏi nhà, giữ khoảng cách 2m khi tiếp xúc với người khác, mang khẩu trang khi đi ra ngoài, rửa tay với xà phòng ngay sau khi về đến nhà.
Thực hiện xét nghiệm sàng lọc Covid-19 tại khu lưu trú công nhân khu công nghiệp Hiệp Phước, Nhà Bè. Ảnh: HCDC
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM, ở giai đoạn 2, nhờ tập trung tất cả các nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả nên dịch bệnh Covid-19 tại TPHCM đã được kiểm soát tốt. Các trường hợp nhiễm Covid-19 được phát hiện sớm, khoanh vùng ổ dịch nhanh chóng, triệt để. Công tác giám sát, xét nghiệm được triển khai kịp thời nên không để các ổ dịch bùng phát, lan rộng trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, hoạt động cách ly người nhập cảnh cũng được triển khai nhanh chóng, không xảy ra lây lan trong khu cách ly. Công tác điều trị cũng có những kết quả khả quan khi không có trường hợp tử vong. Thành công trước mắt là tín hiệu đáng mừng nhưng cuộc chiến phía với Covid-19 vẫn còn nhiều gian nan, thử thách ở phía trước khi các trường hợp bệnh mới mắc và sự lây lan vẫn luôn hiện hữu.
Hiện nay, Thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến 22/4/2020. Sau khi Thành phố gỡ bỏ quy định giãn cách xã hội, cho phép nhập cảnh trở lại, sự lưu thông, giao thương, đi lại dễ dàng hơn thì cũng chính là lúc chúng ta có thể sẽ bước vào giai đoạn 3 của dịch bệnh Covid-19.
Giai đoạn 3, theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM, sẽ khó khăn hơn rất nhiều, khi dịch bệnh đã có dấu hiệu lây lan trong cộng đồng ở một số tỉnh thành. Các trường hợp nhiễm Covid-19 có thể sẽ xuất hiện bất kỳ lúc nào, thậm chí có những trường hợp không rõ nguồn lây, không rõ yếu tố dịch tễ.
Ngoài ra, những người nhập cảnh trong thời gian tới đây cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ nhiễm bệnh hơn giai đoạn vừa rồi, khi bệnh đã lan tràn ở khắp các Châu lục trên thế giới. Bên cạnh đó, những tháng sắp tới cũng là lúc Sốt xuất huyết có cơ hội bùng phát khi mùa mưa bắt đầu, làm ảnh hưởng ít nhiều đến nguồn lực phòng chống dịch của Thành phố.
Trong giai đoạn 3, Thành phố cũng lên phương án tiếp tục sẵn sàng cách ly y tế số lượng lớn người nhập cảnh, người tiếp xúc với ca bệnh, người có nguy cơ, …
Theo BS. Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM, một số giải pháp pháp cho giai đoạn 3 cần thực hiện như: Tiếp tục củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy phòng chống dịch, nâng cao năng lực các đội phản ứng nhanh. Rà soát, củng cố lại các Khu cách ly tập trung. Nâng cao năng lực xét nghiệm COVID-19. Thực hiện các xét nghiệm sàng lọc trên những nhóm nguy cơ như: hành khách sân bay, nhà ga, bến xe, công nhân tại khu lưu trú, trong Khu công nghiệp, …
Phối hợp tổ chức đánh giá đánh giá mức độ rủi ro lây nhiễm, khuyến cáo và triển khai các giải pháp phòng ngừa ở những khu vực tập trung đông người, có nguy cơ như nhà máy, xí nghiệp, trường học, cơ sở bảo trợ xã hội,... Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ các hoạt động phòng chống dịch như: giám sát chuỗi lây nhiễm, quản lý, giám sát cách ly y tế, truy dấu tiếp xúc gần với người nhiễm, ...
Tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp phòng bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh như: phân luồng và tổ chức khu vực khám, chẩn đoán cho bệnh nhân có triệu chứng hô hấp; phát hiện sớm các trường hợp nghi bị nhiễm COVID-19, tổ chức cách ly, điều trị hiệu quả; thực hiện nghiêm qui trình kiểm soát nhiễm khuẩn; đảm bảo hệ thống vận chuyển an toàn bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm.