Sự cảnh giác cao độ của Bệnh viện 30/4 giúp phát hiện 3 ca nhiễm Omicron trong cộng đồng

Thứ Sáu, 21/01/2022 00:17  | Mai Anh

|

(CAO) Cuối tháng 10 vừa qua, Bệnh viện 30/4 (Bộ Công an, đóng tại TPHCM) vinh dự đón nhận Huân chương Chiến công và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Trong thành tích chung đó có sự đóng góp không nhỏ của tập thể CBCS-CNV Phòng Xét nghiệm sinh học phân tử.

Phòng Xét nghiệm sinh học phân tử thuộc Bệnh viện 30/4 chính là đơn vị có công đầu trong việc phát hiện 3 ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên trong cộng đồng tại TPHCM cách đây 1 tuần. Các ca nhiễm này được phát hiện bởi sự cảnh giác cao của các kỹ thuật viên Phòng Xét nghiệm sinh học phân tử.

Trước đó, ngày 15-1, Bệnh viện 30-4 nhận được một số mẫu xét nghiệm đề nghị xét nghiệm PCR trên các bệnh nhân có kết quả dương tính với Sars-CoV-2. Kết quả xét nghiệm PCR Sars-CoV-2 bằng quy trình TapPath (Thermal Fisher Scientifie) tại đây đã phát hiện ra gene S bất thường, trong khi PCR các gene mục tiêu khác cho kết quả bình thường. Chính điều này đã gây chú ý đối với các kỹ thuật viên xét nghiệm PCR của Bệnh viện 30-4.

Các kỹ thuật viên Phòng Xét nghiệm sinh học phân tử đang thực hiện các công đoạn xét nghiệm PCR

Ngay sau đó, các cán bộ của phòng đã báo cáo Ban Giám đốc BV 30-4 và được chỉ đạo thông báo ngay cho các đơn vị liên quan. Ngày 16-1 các mẫu xét nghiệm được gửi tới BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM để thực hiện giải trình tự gene, khẳng định Sars-Cov-2 biến chủng.

Chiều 18-1, kết quả thu được là 3 bộ gene từ 3 mẫu bệnh phẩm mang đi giải mã định danh bằng phần mềm chuyên dụng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho thấy cả 3 bộ gene này thuộc biến chủng Omicron (BA.1).

Chính từ sự tận tâm, trách nhiệm, cảnh giác cao và phát hiện kịp thời của đội ngũ kỹ thuật viên Phòng Xét nghiệm sinh học phán tử Bệnh viện 30-4 đã giúp phát hiện các ca biến chủng Omicron đầu tiên trong cộng đồng, góp phần ngăn chặn không để biến chủng này lây lan rộng.

Kỹ thuật viên tiến hành xét nghiệm

Phòng Xét nghiệm sinh học phân tử thuộc Bệnh viện 30/4 được thành lập ngày 28-6-2021, sau một thời gian chuẩn bị rất ngắn, khi dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh tại TPHCM. Trước đó, các kỹ thuật viên của bệnh viện chưa có kinh nghiệm trong việc xét nghiệm bằng phương pháp PCR mà chỉ thực hiện test nhanh kháng nguyên. Nhưng trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bệnh viện đã chủ động báo cáo lãnh đạo Bộ Công an phê duyệt và tiến hành xây dựng Phòng Xét nghiệm sinh học phân tử (trong đó có kỹ thuật xét nghiệm Real time RT-PCR).

Bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao độ của Ban giám đốc Bệnh viện cũng như tập thể y bác sĩ, cán bộ, công nhân viên, dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành, Phòng Xét nghiệm sinh học phân tử đã được ra đời, đưa vào hoạt động đã đáp ứng nhiệm vụ quan trọng và cấp bách nhằm chẩn đoán, sàng lọc, nhanh chóng phát hiện bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 để kịp thời đưa đi cách ly, điều trị, tránh lây nhiễm trong cộng đồng.

Thành lập khi TPHCM bước vào đỉnh dịch, tập thể cán bộ, kỹ thuật viên của phòng đã làm việc miệt mài, không quản ngại khó khăn, sẵn sàng túc trực làm việc ngày đêm, cố gắng với tất cả sức lực để hoàn thành công việc đòi hỏi sự tập trung cao, không được có sự sai sót, nhằm đưa ra kết quả nhanh, chính xác, phục vụ công tác truy vết, khoanh vùng, điều trị, góp phần đẩy nhanh tiến độ bóc tách các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng.

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm - Trưởng khoa Điều trị cao cấp của Bệnh viện 30/4 chia sẻ: "Suốt trong cao điểm của dịch, các kỹ thuật viên của phòng gần như 24/24 trong bộ đồ bảo hộ, lấy mẫu, tiếp nhận, xử lý mẫu, báo cáo kết quả, luôn phải trong điều kiện tiếp xúc với virus Sars-CoV-2. Có những thời điểm, mỗi ngày phòng tiếp nhận gần 1.500 mẫu, các kỹ thuật viên gần như mất ngủ liên tục, có những người 3 tháng liền không về nhà, nhưng họ vẫn quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực rất cao để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao".

Phòng xét nghiệm được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại

Được biết, đến nay, Phòng Xét nghiệm sinh học phân tử đã thực hiện hơn 37.000 lượt bệnh nhân xét nghiệm test nhanh kháng nguyên và hơn 83.000 lượt xét nghiệm PCR, rút ngắn thời gian trả kết quả, không phải gửi mẫu xét nghiệm đi nơi khác. Để đạt được kết quả này, đội ngũ kỹ thuật viện của phòng đã nỗ lực vừa học vừa làm, vừa cập nhật kiến thức mới, nhằm làm chủ kỹ thuật, thực hiện thành thạo hệ thống xét nghiệm sinh học phân tử.

Những thành tích này đã đóng góp không nhỏ trong thành tích chung của tập thể Bệnh viện 30-4. Vừa qua, Bệnh viện 30-4 đã vinh dự được đón nhận Huân chương Chiến công của Chủ tịch nước và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trao tặng vì những thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Ngày 28-6-2021, Phòng Xét nghiệm dinh học phân tử Bệnh viện 30-4 chính thức khánh thành. Đại tá, TS Vũ Hải Nam – Giám đốc Bệnh viện 30/4 cho biết, việc đưa Phòng Xét nghiệm sinh học phân tử vào hoạt động nhằm thực hiện nhiệm vụ quan trọng, cấp bách là chẩn đoán, sàng lọc bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2.

Hệ thống máy móc, thiết bị còn chẩn đoán được các bệnh nhiễm virus thông thường như: nhiễm cúm mùa, bệnh Herpes; cho phép giải được trình tự gen để khám sàng lọc cho những trường hợp thai kỳ trước 12 tuần để chẩn đoán các dị tật thai nhi; sàng lọc, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh ung thư để có hướng điều trị phụ hợp.

Hệ thống máy xét nghiệm tại đây hiện đại, được đầu tư, đảm bảo yêu cầu nghiêm ngặt của một Phòng Xét nghiệm sinh học phân tử có độ an toàn sinh học cấp 2.

Trước đó, bệnh viện đã nhờ tới những chuyên gia đầu ngành của Viện Vệ sinh dịch tễ tới thiết kế, tư vấn để triển khai được Phòng Xét nghiệm sinh học phân tử đạt chuẩn.

Hệ thống tại phòng xét nghiệm này khi hoạt động làm xét nghiệm mẫu đơn trong 2 tiếng làm được 100 mẫu. Nếu xác định mẫu gộp hay xét nghiệm sàng lọc thì công suất sẽ gấp lên nhiều lần.

Bình luận (0)

Lên đầu trang