TPHCM ghi nhận thêm 18 ca mắc biến chủng Omicron, đều là người nhập cảnh

Chủ Nhật, 16/01/2022 12:17

|

(CAO) Theo thông tin từ Sở Y tế TPHCM, đến sáng 16/1, tại thành phố đã phát hiện thêm 18 ca mắc COVID-19 mang biến chủng Omicron; tất cả đều là ca bệnh nhập cảnh, đã được cách ly.

Trong số này có một bệnh nhân 82 tuổi, trở về từ Mỹ và mắc nhiều bệnh nền, đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. 17 trường hợp còn lại không có triệu chứng, hiện được theo dõi, cách ly tại Bệnh viện dã chiến số 12 (thành phố Thủ Đức).

Như vậy, đến thời điểm này, TPHCM đã ghi nhận có 30 ca mắc COVID-19 mang biến chủng Omicron.

Đến thời điểm này, Việt Nam đã phát hiện tổng cộng 68 ca mắc COVID-19 mang biến chủng Omicron tại 9 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội (1 ca), Quảng Nam (27 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (30 ca), Hải Dương (1 ca), Hải Phòng (1 ca), Thanh Hóa (2 ca), Đà Nẵng (3 ca), Khánh Hòa (2 ca), Long An (1 ca). Tất cả trường hợp này đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Trước đó, Bộ Y tế cảnh báo biến chủng Omicron có  tốc độ lây nhiễm rất nhanh, đặc biệt ở nhóm chưa tiêm chủng, có thể dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng số ca mắc, gây quá tải hệ thống y tế. Bộ Y tế đang tiếp tục bám sát diễn biến dịch do chủng mới Omicron gây ra và thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này.

Liên quan đến việc lực lượng Quân y hỗ trợ, Sở Y tế TPHCM cho biết sau 5 tháng hỗ trợ thành phố chống dịch, 406 học viên và bác sỹ của Học viện Quân y thuộc Bộ Quốc phòng đã hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ 391 trạm y tế lưu động.

Trạm y tế lưu động là 1 trong 10 mô hình tiêu biểu của ngành y tế TP, được bình chọn giải thưởng “Thành tựu y khoa Việt Nam năm 2021.” Trước đó, vào thời điểm tháng 8/2021, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Thành phố Hồ Chí Minh đã lập 327 tổ phản ứng nhanh, 5 trạm cấp cứu vệ tinh.

Từ ngày 20/8/2021, ngành y tế thành phố quyết định lập trạm y tế lưu động đầu tiên tại quận 3, sau đó mở rộng với 525 trạm y tế lưu động để chăm sóc các ca F0 điều trị tại nhà do lực lượng bác sỹ quân y hỗ trợ.

Theo ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong đợt dịch vừa qua, việc thí điểm triển khai trạm y tế lưu động chăm sóc các bệnh nhân dựa vào cộng đồng đã phát huy hiệu quả tích cực.

Mô hình chăm sóc, điều trị F0 tại nhà đạt hiệu quả rõ rệt, giúp giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong, giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung và các bệnh viện dã chiến, đồng thời giúp giảm bớt sang chấn tâm lý cho người bệnh, góp phần giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục...

Ông Tăng Chí Thượng khẳng định việc củng cố và nâng cao năng lực y tế cơ sở, trong đó củng cố trạm y tế, là vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Theo đó, ngành y tế thành phố xác định phải duy trì các trạm y tế lưu động đồng thời cần sớm thay đổi chính sách để trạm y tế bao phủ số lượng dân số phù hợp.

Để có lực lượng thay thế, Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm đưa các bác sỹ vừa tốt nghiệp về thực hành tại trạm y tế, trung tâm y tế (12 tháng) thay vì toàn thời gian 18 tháng tại bệnh viện như trước đây; áp dụng tương tự cho điều dưỡng là 9 tháng thực hành tại y tế cơ sở.

Dự kiến có 750 nhân sự; trong đó 689 bác sỹ và 61 điều dưỡng, tốt nghiệp vào tháng 12/2021 được điều động về tuyến y tế cơ sở, với mức dự toán tổng kinh phí hỗ trợ mỗi tháng cho bác sỹ đa khoa, bác sỹ y học dự phòng, điều dưỡng gần 5 tỷ đồng.

Trước đó, để “tiếp quản” các trạm y tế lưu động này, ngày 12/1, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã làm lễ ra quân hỗ trợ các trạm y tế lưu động cho sinh viên y chính quy năm thứ 5 và năm thứ 6. Đợt ra quân kéo dài từ ngày 12/1 đến 20/1, với sự tham gia của 153 sinh viên Y6 và 158 sinh viên Y5 sẽ thực tập tại 15 quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

Bình luận (0)

Lên đầu trang