Tập huấn điều trị hậu COVID-19 cho nhân viên y tế Công an TPHCM

Thứ Bảy, 19/03/2022 11:57

|

(CAO) Ngày 19-3-2022, y bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất đã tập huấn về chăm sóc và điều trị “hậu COVID-19” cho gần 100 nhân viên y tế Bệnh viện CATP, trại tạm giam Chí Hoà và trại tạm giam Bố Lá.

Thông qua lớp tập huấn, nhân viên y tế trong lực lượng CATP có dịp tìm hiểu sâu hơn về các triệu chứng hậu COVID-19. Từ đó kịp thời chẩn đoán chính xác và đưa ra những phương án chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tốt hơn.

Thượng tá, bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Mỹ Phượng – Phó Giám đốc Bệnh viện CATP tại buổi tập huấn.

Tại buổi tập huấn, Phó Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Tân – Trưởng khoa tim mạch cấp cứu can thiệp Bệnh viện Thống Nhất đã chia sẻ về các biểu hiện cấp tính và lâu dài trên tim mạch của COVID-19. Bởi bệnh nhân tim mạch có nhiều nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng và các biến chứng khó lường (rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim tối cấp, HCVC, suy tim và các tình trạng gây ra do tăng đông máu).

Thông qua những biểu hiện đó để nhân viên y tế CATP có thể kịp thời chuẩn đoán chính xác (bệnh nhân bị tổn thương tim, suy tim, huyết khối,…) và điều trị hiệu quả.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tân chia sẻ về các biểu hiện cấp tính và lâu dài trên tim mạch của COVID-19.

Đồng thời, nhân viên y tế CATP cũng có dịp nghe bác sĩ chuyên khoa II Ngô Thế Hoàng – Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Thống Nhất chia sẻ những kiến thức về chẩn đoán và điều trị di chứng phổi hậu COVID-19.

Tình trạng hậu COVID-19 xảy ra ở những người có tiền sử nghi nhiễm hoặc xác định nhiễm SARS-CoV2, thường là 3 tháng kể từ khi mắc bệnh. Các triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài ít nhất 2 tháng và không thể giải thích bằng chẩn đoán khác. Di chứng hậu COVID-19 có thể ảnh hưởng đến thần kinh, phổi, da, tim mạch, mệt mỏi và đau cơ,… Tình trạng này kéo dài khiến sức khoẻ bệnh nhân hậu COVID-19 bị suy giảm, dẫn đến nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến cuộc sống của người từng nhiễm virus SARS-CoV2.

Bác sĩ Ngô Thế Hoàng chia sẻ kiến thức về chẩn đoán và điều trị di chứng phổi hậu COVID-19.

Trước tình hình đó, bác sĩ Hoàng khuyến cáo bệnh nhân hậu COVID-19 nên tập phương pháp thở bụng và thường xuyên vận động, đi ra ngoài để hấp thụ vitamin D từ ánh nắng mặt trời. Việc làm này sẽ giúp bệnh nhân hậu COVID-19 giảm tình trạng viêm và cải thiện hệ miễn dịch.

Cách thực hành phương pháp thở bụng (huy động cả cơ hoành): Hít vô thật chậm cho tới khi bụng phình lên rồi thở ra thật chậm cho tới khi bụng xẹp xuống. Ngày làm từ 2-3 lần, mỗi lần từ 15-20 nhịp.

Y bác sĩ tham dự buổi tập huấn trực tiếp tại Bệnh viện CATP.

Ngay sau chia sẻ của bác sĩ Tân và bác sĩ Hoàng, các nhân viên y tế CATP thảo luận, chia sẻ về những triệu chứng hậu COVID-19 thường xảy ra trong thời gian qua để có phương cách xử lý hiệu quả hơn.

Y bác sĩ giải đáp thắc mắc của nhân viên y tế về việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân hậu COVID-19.
Tính đến ngày 18-3-2022, Việt Nam có hơn 7 triệu ca nhiễm COVID-19 (đứng thứ 14/225 quốc gia và vùng lãnh thổ). Trong đó hiện có hơn 4.000 ca nặng đang điều trị, gồm: 3.290 ca thở ô-xy qua mặt nạ, 422 ca thở ô-xy dòng cao HFNC, 111 ca thở máy không xâm lấn, 316 ca thở máy xâm lấn và 5 ca ECMO.

Bình luận (0)

Lên đầu trang