(CAO) Một người dân trên địa bàn TP.HCM vừa ngộ độc suýt chết do ăn phải con so biển. Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đưa ra lời cảnh báo tình trạng ngộ độc so biển. Theo đó, người dân ăn so biển có thể gây tử vong.
Mới đây, trên địa bàn TP.HCM vừa xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm do ăn so biển, rất may được đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM xử lý kịp thời, nguyên nhân gây ngộ độc được xác định là do độc tố Tetrodotoxin có trong thịt và trứng con so biển.
Cụ thể, một người đàn ông đã đến một nhà hàng trên địa bàn TP.HCM ăn, anh có gọi nhà hàng làm cho mình món ăn từ con sam biển. Tuy nhiên, 15 phút sau khi ăn thì anh này thấy tê môi, miệng, co cứng chân tay chóng mặt, khó thở, mất kiểm soát.
Anh nhanh chóng được chuyển đến BV Thống Nhất cấp cứu trong tình trạng đồng tử giãn, nhịp tim nhanh, bụng chướng.
Các bác sĩ xác định, bệnh nhân bị ngộ độc Tetrodotoxin có trong thịt và trứng con so biển.
Trước đó, BV Chợ Rẫy TP.HCM cũng từng cấp cứu cho 4 người bị ngộ độc do ăn phải so biển. 4 người đàn ông đã nướng con so vì tưởng là con sam làm mồi nhậu. Sau chầu nhậu vài giờ, cả 4 phải nhập viện vì ngộ độc.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần cẩn thận khi ăn hải sản, đặc biệt là sam. Nhiều người gọi so biển là sam nhỏ. Độc tố Tetrodotoxin trong loài so biển là một độc tố thần kinh mạnh, có khả năng gây liệt cơ hô hấp, ngưng thở, gây tử vong nhanh với liều độc rất thấp. Loại này đặc trưng là bền với nhiệt nên quá trình nấu nướng chế biến không loại trừ được. Hiện nay chưa có thuốc giải độc.
Sau khi ăn so biển, chất độc có trong so biển nhanh chóng hấp thu vào cơ thể gây cảm giác tê môi, tê đầu lưỡi; đau bụng, buồn nôn, nôn, tăng tiết đàm nhớt; hôn mê, co giật, suy hô hấp và dẫn đến tử vong.
Qua các trường hợp ngộ độc, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cũng khuyến cáo người dân không đánh, bắt so biển; không vận chuyển so biển; không kinh doanh so biển; không chế biến so biển làm thực phẩm; không ăn so biển.
Khi ăn phải so biển, để xử lý khi ngộ độc do so biển là chủ động gây nôn và nhanh chóng đưa đến cơ sở điều trị gần nhất.
Phân biệt sam biển và so biển
Sam biển: Đuôi sam biển có gờ mặt lưng rất rõ, hình tam giác. Sam biển sống từng cặp, mỗi cặp làm tổ để sinh sống cùng nhau. Sam trưởng thành nặng 1,5-2kg. Sam biển được khai thác, buôn bán và sử dụng làm thực phẩm. Sam biển không gây ngộ độc.
So biển: Sống ở ven biển, nơi các lạch nước ngọt. Có hình dạng rất giống sam biển nhưng kích thước nhỏ hơn và không đi theo thành từng cặp. Đuôi không có gờ mặt lưng, tiết diện cắt ngang của đuôi có dạng hình trứng hay tròn. Kích thước tối đa của so là 25cm, trọng lượng dưới 1kg. So biển có độc tố Tetrodotoxin.
Ở Việt Nam cũng như trên thế giới từ trước đến nay, chưa có trường hợp nào ngộ độc chết người do ăn sam biển nhưng nhiều trường hợp ngộ độc chết người do ăn so biển đã được ghi nhận. Nguyên nhân là do không biết so biển có chứa độc tố cực mạnh nên đã dùng để chế biến thức ăn và một số trường hợp do nhầm so biển là sam biển.
(CAO) Tưởng con so là con sam biển, 4 người đàn ông đã nướng làm mồi nhậu. Sau chầu nhậu vài giờ, cả 4 phải nhập viện vì ngộ độc.