(CAO) Thông tin từ Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người BV Chợ Rẫy (TP.HCM), đến thời điểm hiện tại, tổng số đơn đăng ký hiến tặng mô tạng sau khi qua đời do Đơn vị tiếp nhận được đã vượt qua con số 5.000.
Theo TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người BV Chợ Rẫy, từ ngày phát hành thẻ đầu tiên (28-10-2014) cho đến hôm nay, hơn 5.000 ngàn thẻ đăng ký hiến tặng mô tạng tự nguyện sau khi qua đời đã được gửi đi khắp mọi miền đất nước.
Tính trên cả nước, đến cuối năm 2017, Bộ Y tế đón nhận được gần 13.000 người đăng ký hiến mô tạng. Đó là con số quá khiêm tốn so với tổng dân số 93 triệu dân của Việt Nam và vài chục ngàn bệnh nhân đang chờ cơ hội để được sống bằng phương pháp ghép tạng.
Tuy nhiên, hiện nay số lượng người tự nguyện đăng kí hiến tạng nhân đạo đang tăng dần và nhận được sự quan tâm của xã hội, cộng đồng. Đây thật sự là một niềm vui lớn, là một cột mốc đáng nhớ, một động lực tích cực góp phần chung tay vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người không may mắc bệnh hiểm nghèo.
Theo các chuyên gia y tế, trung bình 1 người bình thường sau khi qua đời có thể cứu sống được ít nhất là 7 người và cao nhất là 13 người.
Riêng tại BV Chợ Rẫy, tính đến ngày 30-9-2017, Khoa Ngoại Tiết Niệu đã thực hiện thành công 622 trường hợp ghép thận trong đó có 588 trường hợp ghép thận từ người cho sống, 31 trường hợp từ người cho chết não và 3 trường hợp ghép thận từ người cho tim ngừng đập. Sau hơn 25 năm thực hiện, đây là đơn vị ghép thận nhiều nhất tại Việt Nam, góp phần mang lại kết quả và cuộc sống tốt hơn cho các bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn cuối.
Một ca ghép thận được thực hiện tại BV Chợ Rẫy. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Trên thế giới vào năm 1954, ca ghép tạng thành công đầu tiên diễn ra tại Mỹ. Lúc đó, ông Ronald Lee Herrick đã đồng ý tặng một quả thận của mình để ghép cho người anh em song sinh của mình. Đó là bước ngoặt đầu tiên trong lịch sử y học hiện đại. Bác sĩ thực hiện thành công ca phẫu thuật đó, Joseph Edward Murray, vào năm 1990, đã được trao giải Nobel về Y học vì những nỗ lực cải thiện thêm về phương pháp phẫu thuật ghép tạng, cung cấp nhiều kinh nghiệm và kỹ năng trong lĩnh vực này.
Người trẻ tuổi nhất phát tâm hoặc được người khác phát tâm giúp trong việc hiến mô tạng là một bé gái vừa tròn 100 ngày tuổi. Cuối năm 2015, khi biết rất rõ đứa con mình vừa sinh ra không thể tiếp tục sống được nữa, cha mẹ của cô bé này đã vận động luật sư đấu tranh về phương diện pháp lý và cuối cùng đã chiến thắng. Đó là ca hiến mô tạng nhỏ tuổi nhất được ghi nhận trên toàn cầu. Còn người lớn tuổi nhất nguyện ý hiến mô tạng là một phụ nữ ở Scotland, lúc đó bà đã 107 tuổi, và đã thành công hiến mô tạng vào năm 2016.
Ca ghép mô tạng được xem là mang tính nhân đạo cao nhất theo đánh giá của các chuyên gia về lĩnh vực này là một người đàn ông 85 tuổi ở Vương quốc Anh, vào năm 2014 đã tình nguyện hiến tặng mô tạng của mình cho một người mà mối quan hệ xã hội giữa hai người hoàn toàn xa lạ, không cùng tôn giáo, bất chấp những tranh biện rất gay gắt về việc hiến mô tạng từ một người đạo này sang một người đạo khác. Lúc ấy, đâu đó trên thế giới vẫn còn có những tranh luận về phương diện tôn giáo, việc này có đáng nên thực hiện hay không.
Có một thực tế đau lòng là do nguồn cho tạng quá khan hiếm trong thời gian qua nên có những bệnh nhân đã tử vong vì không có tạng để ghép. Nhu cầu ghép tạng ở các bệnh nhân suy tạng hoặc mắc bệnh hiểm nghèo như bệnh ung thư, bệnh mắt… rất nhiều. Có hàng trăm ngàn người có nhu cầu được ghép tạng và cũng chỉ có biện pháp đó mới có thể cứu chữa được.
Người dân trên cả nước có nguyện vọng đăng ký hiến mô tạng cứu người khi qua đời có thể liên hệ 2 địa chỉ thuộc quyền quản lý của Bộ Y tế và Nhà nước Việt Nam.
1. Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM)
Địa chỉ: 201B Nguyễn Chí Thanh, quận 5, TP.HCM
2. Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Hà Nội)
Địa chỉ: 40 Tràng Thi – Hà Nội
(CAO) Danh sách những người chờ được ghép tạng luôn lên tới hàng ngàn, nhưng những người hiến tạng chỉ đếm trên đầu ngón tay mỗi năm. Bởi nhiều người còn dè dặt trong việc hiến tạng cứu người.