TPHCM: Nỗ lực kiểm soát dịch bệnh đậu mùa khỉ

Thứ Tư, 21/08/2024 15:21

|

(CAO) Sở Y tế TPHCM vừa gởi văn bản trình UBND TP về việc báo cáo cập nhật hoạt động phòng chống dịch bệnh Mpox (đậu mùa khỉ, đã được WHO công bố là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp) trên địa bàn.

Theo Sở Y tế, tháng 7/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông báo dịch lần đầu tiên do bệnh Mpox đã xuất hiện và lây lan tại nhiều nước trên thế giới ngoài lục địa châu Phi. Đến tháng 5/2023, WHO đã công bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp do tình hình Mpox trên thế giới (ngoài khu vực châu Phi) đã tạm lắng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bệnh Mpox tiếp tục gia tăng nhanh chóng số ca mắc và tử vong tại nước Cộng hòa Dân chủ Công - Gô, lan ra các quốc gia lân cận tại châu Phi, đồng thời xuất hiện chủng virus mới thuộc nhóm Ib, lây lan nhanh, chủ yếu qua quan hệ tình dục.

Do đó, mới nhất, vào ngày 14/8/2024, WHO đã thông báo dịch bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu. Đây là lần thứ 02 trong 03 năm qua, WHO công bố dịch bệnh Mpox là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp. Theo WHO, việc công bố tình trạng khẩn cấp nhằm huy động nguồn lực, nguồn vắc xin được cấp phép sử dụng trong tình trạng khẩn cấp cho các nước châu Phi, để ngăn chặn dịch bệnh nguy cơ lan khắp lục địa châu Phi.

Trước tình hình này, Sở Y tế cũng đã báo cáo UBND TP về tình hình dịch bệnh Mpox tại TPHCM cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh đã và đang thực hiện trên địa bàn.

Hình ảnh virus đậu mùa khỉ được chụp bằng kính hiển vi điện tử

Theo đó, tại khu vực phía Nam, trong hai năm 2023-2024, Viện Pasteur TP.HCM đã ghi nhận 199 ca Mpox, trong đó có 8 ca tử vong (năm 2023 có 132 ca mắc và 6 ca tử vong, trong 7 tháng đầu năm 2024 đã có 67 ca mắc và 02 ca tử vong). TP.HCM là nơi ghi nhận số ca mắc cao nhất khu vực phía Nam với 156 ca mắc và 06 ca tử vong, trong 7 tháng đầu năm 2024 có 49 ca mắc, không có ca tử vong. Đáng nói, các ca bệnh được phát hiện nhiều từ tuần 16 đến tuần 19 (cao nhất là tuần 17 với 8 ca); từ tuần 20 đến hết tuần 32 chỉ phát hiện 4 ca. Hiện bệnh đã phát hiện ở 21/22 quận, huyện, trừ huyện Cần Giờ.

Qua phân tích các đặc điểm dịch tễ của các ca bệnh Mpox tại TP.HCM, Sở Y tế nhận định: bệnh nhân 100% là nam giới, tuổi trung bình là 32 tuổi (nhỏ nhất là 18 tuổi và lớn nhất là 53 tuổi), 84% ca bệnh tự nhận bản thân thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), có 55% là người sống chung với HIV và 7% đang điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV.

Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu- Phó GĐ Sở Y tế TPHCM, ngay từ khi có cảnh báo về dịch Mpox trên thế giới, tháng 5/2022 Sở Y tế đã ban hành các văn bản hướng dẫn giám sát, phát hiện và xử trí các trường hợp nghi ngờ bệnh Mpox tại cửa khẩu và tại các cơ sở khám chữa bệnh; đồng thời đã chỉ đạo bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP tổ chức tập huấn cho các cơ sở khám, chữa bệnh và các đơn vị y tế dự phòng trên toàn TP.

Từ khi phát hiện ca Mpox nội địa vào tháng 9/2023 đến nay, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) tăng cường thực hiện các hoạt động giám sát bệnh Mpox trên địa bàn, trong đó tiếp tục giám sát người nhập cảnh qua đường hàng không, hàng hải, thuyền viên trên tàu đang neo đậu tại cảng để phát hiện sớm người nghi mắc thông qua máy đo thân nhiệt và quan sát người có triệu chứng nghi ngờ, tiếp nhận thông tin người có triệu chứng nghi ngờ từ tiếp viên hàng không hoặc người nhập cảnh tự khai báo...

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng tăng cường giám sát ca nghi ngờ tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn TP, đặc biệt chú trọng tại các phòng khám da liễu, bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh phụ khoa/nam khoa; đồng thời lưu ý đến các nhóm nguy cơ nhiễm cao như nam hoặc nữ có nhiều bạn tình, người có bệnh lây truyền qua đường tình dục, nam quan hệ tình dục đồng giới.

Ngoài ra, công tác truyền thông về bệnh Mpox trong nhóm có hành vi nguy cơ cao cũng được đẩy mạnh thông qua các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO, các khoa Tư vấn và điều trị nghiện chất và HIV/AIDS thuộc Trung tâm y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các phòng khám điều trị HIV/AIDS ngoại trú). Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Bệnh viện Da Liễu cũng nhận được phân công thu dung, cách ly điều trị cho các trường hợp mắc bệnh Mpox.

Nhìn chung, dịch bệnh Mpox trên địa bàn TP đang được kiểm soát tốt thông qua các hoạt động giám sát chủ động tại cửa khẩu và tại cộng đồng. Hiện tại vẫn chưa ghi nhận thay đổi về đặc điểm dịch tễ học của bệnh ngoài đường lây chủ yếu trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới hoặc lưỡng tính, qua hành vi quan hệ tình dục không an toàn.

Ông Châu nhấn mạnh, trong thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo HCDC phối hợp với các đơn vị liên quan duy trì các hoạt động giám sát tại cửa khẩu và tại cộng đồng.; giao nhiệm vụ giải trình tự gen một số mẫu bệnh phẩm để giám sát sự biến đổi của virus gây bệnh cho 1 số đơn vị chuyên trách; tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, nhất là truyền thông về phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho các nhóm nguy cơ cao, bao gồm cả nhóm sống chung với HIV và nhóm đang điều trị dự phòng trước phơi nhiễm; đồng thời tiếp tục theo dõi diễn tiến tình hình dịch bệnh trên thế giới, tình hình bệnh tại thành phố để kịp thời báo cáo và tham mưu các kế hoạch ứng phó phù hợp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang