Tư Xe Ôm hắng giọng:
- Chà, hôm nay là ngày đặc biệt của anh Năm Tu Huýt nghen!
Út Té thắc mắc:
- Ủa, ngày gì vậy anh Tư?
Bà Năm Chè ngạc nhiên:
- Không lẽ ngày sinh nhật mà chú Năm mày giấu?
Năm Tu Huýt cười tủm tỉm:
- Ngày sinh nhật, nhưng không phải sinh nhật cá nhân Năm tui, mà là... sinh nhật nghề nghiệp.
Tư Xe Ôm cười xòa:
- Là ngày Nhà báo 21-6 đó, dì Năm!
Bà Năm Chè gật gù:
- Rồi, dì Năm biết rồi! Vậy dì Năm có ý kiến này: mình làm cuộc phỏng vấn ngược cho vui đi mấy đứa!
Năm Tu Huýt cười cười:
- Ý dì Năm là nhân ngày đặc biệt của người làm báo nên dì Năm phỏng vấn ngược Năm tui, đúng hông?
Tư Xe Ôm gật gù:
- Ý này hay đó!
Út Té cười nụ:
- Nhưng tui chỉ sợ anh Năm không dám trải hết lòng mình ra thôi!
Bà Năm Chè hắng giọng:
- Thằng Năm mày tính sao? Có dám trải lòng khi bị phỏng vấn ngược không?
Năm Tu Huýt cười khì:
- Có gì đâu mà không dám? Xin mời dì Năm, cô Út, chú Tư cứ tự nhiên. Mỗi năm mới có một lần mà, được độc giả ái mộ phỏng vấn là vui rồi, có sao nói vậy... người ơi!
Út Té liến thoắng:
- Vậy tui phỏng vấn trước nghen! Anh Năm làm nhà báo có... khó không?
Năm Tu Huýt nghiêm giọng:
- Làm nghề gì cũng khó, huống chi nghề báo lại càng khó. Đặc biệt là đối với người làm báo chân chính, đam mê, sống chết với nghề, giữ được cái tâm trong sáng và đạo đức nghề nghiệp.
Bà Năm Chè gật gù:
- Chà, chỉ mấy điều chú Năm mày vừa nói là đã thấy khó rồi! Lâu nay, dì Năm cứ nghĩ học báo chí, tốt nghiệp ra trường thì làm nhà báo đi điều tra, phỏng vấn, viết bài thôi chứ?
Tư Xe Ôm hắng giọng:
- Đó chỉ là những điều cơ bản trong nghề thôi, dì Năm! Từ lúc tác nghiệp cho tới khi bài báo được đăng, tiếp cận với độc giả, còn đòi hỏi nhiều thứ khác nữa.
Út Té thắc mắc:
- Anh Năm nói nghề báo khó, nhứt là đối với nhà báo chân chính. Không lẽ cũng có nhà báo... không chân chính, nhà báo dỏm, nhà báo xấu nữa sao?
Năm Tu Huýt gật gù:
- Nhà báo dỏm thì rõ rồi, tức không phải nhà báo thật mà chỉ là kẻ giả danh. Loại này chỉ làm điều xấu xa mà thôi.
Tư Xe Ôm gật gù:
- Còn một dạng nữa là nhà báo thật sự, nhưng không... chân chính. Loại này cũng vì mục đích cá nhân, lạm dụng danh nghĩa nhà báo để "làm tiền", viết bài sai, bóp méo sự thật để có lợi cho người chi tiền. Thậm chí có kẻ còn tống tiền người khác và các doanh nghiệp nữa. Dạng này rất nguy hiểm, gây mất uy tín đối với nghề báo.
Bà Năm Chè bức xúc:
- Hèn chi, lâu lâu lại thấy có vụ nhà báo ăn tiền, viết sai sự thật hoặc dọa nạt doanh nghiệp nào đó để tống tiền, rồi đổ bể và bị bắt. Làm dì Năm mất lòng tin quá!
Năm Tu Huýt chùng giọng:
- Rất buồn, đây đúng là những "con sâu" làm rầu "nồi canh" nghề báo, làng báo và giới nhà báo chân chính.
Út Té mím môi:
- Còn có nhà báo viết bài tào lao, kiểu như: cô ca sĩ này có bầu song thai, người mẫu kia khoe đã từng được đại gia ngã giá tiền tỷ để đi ăn trưa hoặc ngủ một đêm..., làm tui rất dị ứng.
Tư Xe Ôm cười khì:
- Cô Út nói đúng đó! Những nhà báo, bài báo, tờ báo chạy theo thị hiếu tầm thường như vậy cũng là một trong số những "con sâu làm rầu nồi canh" của làng báo.
Bà Năm Chè hắng giọng:
- Nói chung làm nghề nào cũng vậy, không chỉ riêng nghề báo, đều cần phải có tâm, có đức. Chứ không thì sẽ làm xã hội "tầy huầy" ra, đúng không chú Năm?
Năm Tu Huýt gật gù:
- Dạ, chính xác đó dì Năm!