Hiện, toàn tỉnh Tây Nguyên còn hơn 2.000 người bị nước lũ cô lập, vẫn đang được các ngành chức năng ứng cứu, tiếp tế, chờ lũ rút.
Công an huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) hỗ trợ khiêng bàn ghế cho người dân khi lũ rút
Theo báo cáo của Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai: mưa và lũ kèm sạt lở đất tại các tỉnh Tây Nguyên những ngày qua đã làm chết 10 người chết (Đắk Nông: 4 người, Kon Tum: 2 người, Gia Lai: 1 người, Đắk Lắk: 1 người, Lâm Đồng: 2 người); do ảnh hưởng của gió mùa Đông Nam, dự báo các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai sẽ vẫn còn mưa to, kèm gió lốc.
Thương tâm nhất là vụ tai nạn do sụt lở quả đồi 1ha, xảy ra tại khu vực lòng hồ thủy điện Đắk Sin 1, thôn 14, xã Đắk Sin, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông, vùi lấp gia đình 3 người, gồm: anh Trần Văn Hiệu (SN 1991) và vợ là chị Đỗ Thị Yến (SN 1994) và cháu Trần Thị Diệu (SN 2017). Lúc gặp nạn, chị Yến đang mang thai đứa con thứ hai.
Gia đình anh Hiệu từ ngoài Bắc vào làm thuê, ở nhờ trong một ngôi nhà rẫy của người thân. Ngay khi nhận được thông tin, lực lượng cứu hộ của huyện Đắk R’lấp và xã Đắk Sin đã đến hiện trường tìm kiếm các nạn nhân. Đến chiều tối ngày 8-8, sau nhiều giờ tìm kiếm, thi thể 3 nạn nhân mới được tìm thấy. Hiện, các nạn nhận xấu số đang được gia đình đưa về quê nhà Hưng Yên an táng.
Các lực lượng chức năng và người dân bới tìm 3 nạn nhân tại tỉnh Đắk Nông bị đất, bùn vùi lấp
Tại tỉnh Lâm Đồng, đến chiều ngày 9-8, tại huyện Cát Tiên vẫn tiếp tục mưa. 2 huyện lân cận là Đạ Huoai, Đạ Tẻh do ở gần sông Đồng Nai, và nhiều hồ thuỷ điện, mực nước lên cao, mưa từ thượng nguồn đổ về vẫn gây ngập lụt nặng. Các ngành chức năng đang khẩn trương sơ tán hàng chục hộ dân còn mắc kẹt tại các xã bị nước lũ cô lập. Đên nay, một số tuyến đường liên xã như: thị trấn Đạ Tẻh đi xã An Nhơn, thị trấn Đạ Tẻh đi xã Quảng Trị… vẫn bị ngập nặng và gây chia cắt.
CBCS Công an Lâm Đồng lội nước vớt tìm tài sản của dân và di chuyển bà con đến nơi an toàn
Trước đó, từ rạng sáng ngày 8-8, hàng chục cán bộ, chiến sĩ Phòng cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn công an Lâm Đồng và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã vào xã Lát, huyện Lạc Dương giải cứu 41 người dân thôn Đạ Nghịt bị nước lũ cô lập, trong đó có cháu bé mới hơn 1 tuổi. Do nước chảy xiết, ca nô không thể băng qua suối sang bên kia bờ, lực lượng chức năng triển khai phương án bắc dây cáp cố định ở hai đầu, phát áo phao, thắt dây an toàn để từng người đu qua dòng nước, sang bờ an toàn.
Thống kê sơ bộ từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, tình hình mưa lớn kéo dài những ngày qua đã khiến 10/12 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại nặng. Lũ quét, ngập lụt đã khiến 1.400 ngôi nhà bị ngập, gần 2.000 ha rau, trên 50 ha ao cá trên toàn tỉnh Lâm Đồng bị cuốn trôi.
Đến nay, sự cố kẹt van hồ thủy điện Đắk Kar (xã Đắk Ru, Đắk R’lấp) có sức chứa 13 triệu m3 nước đang được người dân và các ngành chức năng đặc biệt quan tâm, theo dõi.
Ông Nguyễn Bốn - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết, sự cố kẹt van hồ thủy điện Đắk Kar đã được khắc phục nhưng không loại trừ nước sẽ dâng lên ảnh hưởng đến an toàn hồ đập, do khu vực này dự báo còn tiếp tục xảy ra mưa lớn. Sự cố sẽ khiến nước tràn qua đập, gây sạt lở chân đập và có nguy cơ cao xảy ra vỡ đập, đe dọa nghiêm trọng an toàn dân cư khu vực hạ du thuộc các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng. Từ chiều qua, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hai tỉnh Bình Phước, Đắk Nông đã có mặt tại hiện trường và hiện vẫn theo dõi sát sao diễn biến thời tiết để có thể xử lý kịp thời sự cố xấu nhất.
UBND huyện Đắk R’lấp và huyện Bù Đăng - Bình Phước, đã sơ tán khẩn cấp trên 400 hộ dân thuộc 7 xã chịu ảnh hưởng nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Cả đêm qua, hàng chục hộ dân và lãnh đạo chính quyền, ngành chức năng thức trắng đề phòng xảy ra sự cố. Thông tin chúng tôi được biết, đến chiều tối nay, mực nước của công trình thủy điện Đăk Kar đã giảm xuống gần 3m, giải quyết tạm thời tình trạng tích nước. Tuy nhiên, trời vẫn mây mù, chưa quang đãng khiến nhiều người lo lắng mưa trút nước đổ về làm tràn đập.
Lực lượng chức năng đưa người dân qua dòng lũ bằng cách đu dây cáp
Tại huyện biên giới Ea Súp - Đắk Lắk trong ngày nay mưa nhỏ vài cơn không đáng kể, nước đang rút nhưng rất chậm khiến hai xã biên giới của huyện là Ia Lốp, Ea R'Vê vẫn đang bị cô lập, giao thông đi lại khó khăn. Ông Nguyễn Đình Toản - Phó chủ tịch UBND huyện Ea Súp, Đắk Lắk, cho biết, địa phương đang tập trung mọi nguồn lực có thể đề phòng trường hợp mưa vẫn tiếp tục kéo dài.
Theo số liệu báo cáo từ UBND huyện Ea Súp, đến thời điểm hiện nay, hàng ngàn hộ dân bị ngập hoặc bị ảnh hưởng nhà cửa. Khoảng 6.000ha hoa màu, cây trồng các loại bị ngập úng, thiệt hại. Hàng ngàn con gia súc, gia cầm bị chết hoặc bị lũ cuốn trôi. Các huyện Buôn Đôn, Cư M’gar cũng bị thiệt hại nghiêm trọng. Chưa có ghi nhận thiệt hại về người. Tuyến quốc lộ 14C dọc biên giới bị đứt, gãy vẫn chưa được khắc phục.
Hiện, các địa phương đã rà soát tất cả các hồ đập, các khu dân cư ven sông, suối, ao hồ, vùng trũng thấp… để chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn, bố trí chỗ ở tạm thời để tránh lũ. Các lực lượng thanh niên, y tế, cán bộ cơ sở được huy động để quyên góp, vận chuyển nhu yếu phẩm đến người dân, đảm bảo người dân không đói rét, an toàn trong mưa lũ…
Tại hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum, đến ngày 9-8, mưa lũ và sạt lở đất đã làm hàng chục thôn, buôn trên địa bàn các xã, huyện bị cô lập, giao thông đi lại khó khăn. Địa phương đã tổ chức các lực lượng kịp thời hỗ trợ các hộ dân bị ngập nặng, hỗ trợ mỳ tôm, nước uống, gạo cho các hộ dân bị ngập nhà phải di dời nhằm đảm bảo đời sống của nhân dân vùng ngập lũ không bị đói, thiếu nước sạch.
Ngày 9-8, lực lượng chức năng Lâm Đồng vẫn đang làm công tác dọn đường trên tuyến đường đèo Bảo Lộc bị sạt lở
Nhiều chuyên gia cảnh báo, tình trạng mưa lũ diễn ra bất thường những ngày qua là hệ quả của biến đổi khí hậu. Tình trạng bê tông hoá, công trình xây dựng nhiều, trữ lượng cây xanh, rừng, mất đi; cùng đó, ao, hồ, sông suối bị lấn chiếm đất để xây dựng nhà ở; mưa xuống, không đủ diện tích bề mặt đất để thẩm thấu, nước không kịp thoát ra sông suối... rất dễ tạo thành lũ dữ. Cần có sự quy hoạch lại, hạn chế nhà kính và công trình thuỷ điện, tránh bê tông hoá, khơi sông ngòi, ưu tiên phát riển rừng, nếu không giá trị đánh đổi thiệt hại là rất lớn (!).