Tết mẹ, Tết cha…

Thứ Bảy, 25/01/2020 22:28

|

(CATP) Đời người, bước quá tuổi ba mươi, thấy mỗi năm trôi qua nhanh như một cơn mộng. Ở một miền không có gió lạnh, cũng không thấy hương đất hương ruộng như Sài Gòn, cái Tết đến ào như cơn mưa ban trưa.

Thoắt cái đã tháng Chạp, thoắt cái đã cúng đưa ông Táo. Người Sài Gòn tất bật làm cho xong việc, để ai cũng kịp dọn mình trên một chuyến trở về trong nếp nhà cũ, nơi miền quê cũ. Về Tết mẹ, Tết cha…

Người Bắc sống ở Sài Gòn ngày mỗi nhiều. Nên những chuyến bay về phương Bắc vào những ngày tất niên luôn trĩu người. Tôi cũng là một thân phận thiên di suốt 10 năm trên những chuyến bay như vậy.

Tôi nhớ, lúc mới vào Sài Gòn, khi đời thất bát, tôi đã trốn chạy chính mình giữa thành phố huyên náo. Tôi cùng những người bạn làm sự kiện “count down” trên đường Lê Duẩn, quận 1. Khi pháo hoa bừng đỏ từ hầm phía bên kia sông, khi mọi gia đình đang ôm lấy vai nhau nhìn những quầng sáng lấp lánh của hạnh phúc và hạnh ngộ, tôi tự nắm tay mình để đón xuân.

Tôi nhớ tấm lưng gù của bố lui cui trong bếp để hâm mẻ rượu cuối cùng. Tôi nhớ mẹ tôi với những mẹt bánh chưng, bánh ngải còn bốc hơi nóng sực. Và cả nhà cùng quây lại trong đêm trừ tịch, để ăn bữa cơm tất niên, để đón nhau về sau những ngày rượt đuổi kiếm tiền. Và từ ấy, dù bận, dù mệt, dù ngàn nỗi lo vẫn dán đầy trên mặt, tôi vẫn quyết định Tết là phải gói ghém về nhà. Có bố, có mẹ dưới mái nhà năm cũ…

Tết về nhà là về lại với những kỷ niệm. Quê tôi là vùng bán sơn địa, những quả đồi dài vươn mình như những vườn bầu của tạo hóa. Mỗi trái bầu tròn vạnh chứa một gia đình. Nhà nằm trên một quả đồi, xung quanh là vườn cây trái. Vượt ra khỏi hàng rào ngập tràn hoa hồng gai, là những nương chè quanh năm trổ lá mới.

Ngày ông tôi còn sống, Tết chính là dịp để ông trồng lại những hạt chè mới, để bắt đầu cho chè trổ lá vào dịp đất ấm mưa phùn. Mỗi năm, ông sẽ trồng thêm một luống chè. Và vườn chè cứ từ đó mà vươn dài tới tận chân đồi phía dưới. Từ bé, tôi đã uống nước chè pha đặc của ông nội.

Và lớn lên là những cuộc trà trong bóng tối tĩnh lực của cha mình. Ba tháng mùa đông, vườn chè như câm lặng bởi giá lạnh và sương muối. Để có trà thơm cho cha tôi đãi khách những ngày Tết đến, mẹ tôi phải gánh nước tưới mỗi buổi chiều. Những búp chè mùa đông như nảy ra từ tuyết lạnh, cứng cỏi hơn nhưng hương cũng vì thế mà đậm hơn.

Mẹ tôi sẽ hái chè vào giữa tháng Chạp, đun chiếc chảo gang nóng để rang chè giữa bếp lửa đỏ rực. Đôi tay mẹ xoa đều trên chảo để những búp chè dần khô và dậy hương thơm. Khi những búp chè đã đủ chín, cũng là lúc đôi tay nứt nẻ của mẹ trở nên hồng rực, những vết nứt như muốn ứa máu.

Vì sao lại phải dùng tay để xao chè?, tôi hỏi. Mẹ thường không trả lời. Mãi sau này, khi cha tôi mất đi rồi, mẹ tôi mới nói một lần rằng: Các cụ bảo vợ chồng khắc khẩu thì xao chè bằng tay, pha nước mưa cho chồng uống, gia đạo sẽ êm ấm... Tôi không hỏi mẹ, rằng bao năm mẹ có hạnh phúc với cha tôi không. Nhưng mỗi lần nói chuyện là mẹ và cha cãi nhau. Nhưng sau đó thì thấy mẹ thương cha nhiều hơn, và cha cũng chịu thêm nhiều phần tính mẹ.

Hai con người tưởng như mãi không bao giờ hòa hợp, lại có với nhau tới sáu mặt con. Và rồi những đứa con, từng lớp lại từng lớp, đi khỏi mái nhà cũ. Rồi Tết năm đó, tôi quay về. Mùng bốn Tết hóa vàng, những đứa con lần lượt dắt díu nhau trên những chuyến xe. Chỉ còn lại một người phụ nữ gầy ốm và người đàn ông có tấm lưng gù rạp như dấu hỏi. Cha mẹ tôi đứng nơi đầu dốc, nơi gốc sấu già phủ bóng suốt trăm năm, nhìn anh em chúng tôi hối hả chạy vào đời, tiếp tục những câu chuyện dởdang mà chưa biết đến khi nào kết thúc…

Tết quê. Ảnh sưu tầm

Cứ vào sau Tết ông Táo, cả làng đều nấu rượu để cúng Tết và đãi khách. Cha tôi đã nấu cơm rượu từ trước. Những hạt nếp nương thơm mịn, trộn với men lá, ủ trong những chiếc chum sành. Sáng thả cá chép theo ông Táo chầu trời, chiều mẹ tôi nhặt lá ngải luộc để gói bánh, cha tôi bắc nồi đắp ống mai nấu rượu. Rượu nếp nấu chắt qua ống cây mai rừng luôn là niềm tự hào để cha tôi mời họ hàng làng trong làng ngoài. Những giọt rượu đầu tiên, cha tôi thường mời ông nội nếm thử. Về sau, ông nội bay về trời, cha tôi nói, đem qua cho mẹ thử xem có thơm không.

Cha tôi nói, mẹ có khứu giác rất tinh, dù không uống được rượu, nhưng biết rõ loại nào là hảo hạng. Về sau, khi tôi mang cõi lòng chứa đầy những mảnh vỡ của cuộc hôn nhân đầu trở về nhà, ngồi canh nồi rượu với cha tôi, uống rượu đầu với lòng gà chấm mắc khén, cha mới bảo vợ chồng không phải là ai giỏi hơn ai, mà là trọng nhau một chữ tình.

Cha không giỏi không giàu, cũng hay cãi vã chuyện đời với mẹ, nhưng trong mọi chuyện, cha đều muốn dành cho mẹ trước. Thế nên, sau khi không còn ông nội, cha muốn mẹ là người nếm những hạt rượu đầu tiên. Vì ngoài ông nội, cha tôi kính trọng mẹ, vì cả hai đã cùng nhau đồng lòng vượt qua trăm ngàn cái khổ, để sống với nhau đến tận bây giờ…

Nửa năm sau bữa canh rượu Tết, cha tôi theo ông nội về trời. Cha nằm giữa những nương chè, yên lành và an nhiên, vốn như tính tình của ông thời tuổi trẻ. Mẹ tôi vẫn giữ thói quen của cha, bắc rượu nếp với men lá, để cúng tổ tiên và tiếp xóm làng. Mẹ tôi rót những chén rượu đầu mang lên bàn thờ thắp hương.

Tết tôi về nhà, ngồi nhìn những gương mặt thân thuộc của ông nội, của cha tôi, ánh mắt như vẫn đang cười ấm áp. Tôi hỏi mẹ, sống một mình hoài mẹ có buồn không? Mẹ tôi nhìn tôi, không trả lời. Ở tuổi bảy mươi, mẹ tôi đã không còn sợ nỗi buồn. Bà bầu bạn cùng những kỷ niệm đẹp đẽ và thân ái trong ngôi nhà do chính bà tự xây nên và vun quén.

Hồi lâu, nhìn tôi mẹ bảo: Con có thấy mệt, vì phải quá kiên cường với cuộc đời mình không? Người ta yêu và sống chung, đôi khi để được gần gụi, để được yếu đuối, để được nương tựa. Mẹ đã đủ già, để không sợ cả bóng tối và cái chết. Nhưng mẹ muốn khỏe mạnh, để sống và nhìn thấy con hạnh phúc…

Tôi lặng yên nhìn mẹ, trong ngôi nhà đầy hương Tết. Có đôi khi không phải con tự mình kiên cường, mà chỉ là con chưa tìm được một người mà mình muốn gắn bó ngay cả khi đã chết, giống như bố tìm được mẹ, giống như mẹ dành trọn sự thành kính và yêu thương với mái nhà này, ngay cả khi người mẹ yêu đã chỉcó thể mỉm cười từ trên cao sau những vòng hương nghi ngút khói...

Tết. Đôi khi chúng ta côi cút giữa dòng đời, bởi vì chúng ta không có một mái nhà để trở về khi Tết đến. Tôi đã từng nghĩvề những chuyên du lịch xuyên thế giới để trốn mùa xuân khi đã sống một mình quá lâu. Nhưng tôi cũng đã từ chối chính mình trước những chuyến đi ấy. Chỉ để trở về trong không gian quen thuộc ấy, trong đêm giao thừa cùng bưng mâm lễ cho mẹ đi lễ đền, để làm những mâm cơm cúng cho ông nội, cho cha tôi thật dịu dàng, nghiêm cẩn.

Sống trong ngôi nhà của mẹ, với những điều quen thuộc từ tấm bé, cảm giác như mọi thứ ngưng đọng lại, xếp nếp, và cho ta cảm giác đủ đầy như thể chưa từng đánh mất điều gì.

Tết, đôi khi chỉ cần là, có một mái nhà, để trở về…

Bình luận (0)

Lên đầu trang