(CAO) Tết luôn là khoảng thời gian thiêng liêng và đặc biệt. Đó là dịp để ai cũng được trở về đoàn tụ cùng gia đình trong những ngày đầu năm. Với những người xa quê, Tết trở thành nỗi nhớ thường trực, khôn nguôi trong tâm khảm.
Những ngày này, cộng đồng gần 80.000 người Việt Nam tại Đài Loan, trong đó có hàng chục nghìn lao động cũng đang háo hức chờ đợi Tết Kỷ Hợi 2019. Vì tuy chênh lệch một tiếng đồng hồ song về cơ bản Đài Loan cũng nghỉ Tết giống Việt Nam.
Anh Nguyễn Đình Tâm (SN 1990, trú tại xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) sang Đài Loan làm cho một công ty sản xuất nhựa được 6 năm nay. Và trong 6 năm qua, anh có 5 cái Tết xa nhà, anh bộc bạch: “Tuy đón tết xa nhà nhưng những ngày được nghỉ Tết thì chúng tôi – những lao động sống và làm việc ở cùng thành phố thường tập hợp lại cùng nhau tổ chức bữa cơm tất niên, trong đó có gói và nấu bánh chưng, làm giò lụa, dưa hành, chuẩn bị mâm ngũ quả, lập bàn thờ… vào đêm giao thừa và ngày đầu tiên của năm mới”.
Những ngày nghỉ còn lại, anh Tâm cùng các thành viên trong Hội đồng hương tỉnh Nghệ An tại Đài Loan tham gia vào các trò chơi có thưởng tại các Hội chợ. Qua đó, dùng số tiền thưởng này quyên góp vào quỹ ủng hộ cho các lao động Việt Nam không may gặp tai nạn, tử nạn tại Đài Loan và còn thường xuyên gửi về ủng hộ cho các hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam.
Bữa cơm tất niên của người Việt ở Đài Loan
Để xua tan đi nỗi nhớ quê hương, những người trong Hội đồng hương Hà Tĩnh đã quây quần nhau lại, tổ chức những nghi thức đón Tết truyền thống.
Anh Phạm Văn Hiệp (27 tuổi, quê Hà Tĩnh) chia sẻ: “Mặc dù không có mai, đào như ở quê nhưng tụi anh vẫn cố gắng xoay xở để có một cái Tết giống ở Việt Nam. Mọi người ai cũng háo hức và vui vẻ khi làm những món ăn truyền thống của quê hương như bánh chưng, nem, chả lụa...”.
Không may mắn như những người lao động ở Đài Loan hay một số nước khác được nghỉ Tết, những người lao động ở Angola những ngày này vẫn miệt mài làm việc kiếm tiền gửi về quê nhà. Sau những giờ phút làm việc mệt mỏi, chiều 30 Tết họ mới nghỉ làm, tranh thủ cùng nhau mua sắm, chuẩn bị cho bữa cơm tất niên, gửi đến nhau lời chúc tốt đẹp nhân dịp năm mới.
Anh Hà Anh Đăng (SN 1990, quê Hà Tĩnh) đã sang làm việc tại thành phố Benguela, Angola được 10 năm bồi hồi chia sẻ: Mấy năm trở lại đây, do khủng hoảng kinh tế nên người lao động Việt Nam ở Angola không còn đông nên ngày Tết cổ truyền của dân tộc cũng không được đầy đủ, đông vui như xưa. Thường thì bữa liên hoan tất niên cũng không có được những món ăn mang đậm không khí Tết như dưa hành, mứt gừng…nhưng không thể thiếu bánh chưng, thịt gà, giò lụa…
“Nay chỉ được tầm vài chục người ở cùng thành phố, chúng tôi tập trung lại, vui vẻ thưởng thức các món ăn, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của năm cũ và dành cho nhau những lời chúc mừng năm mới.
Do lệch múi giờ, 18 giờ ở Angola là 00 giờ giao thừa bước sang năm mới của Việt Nam nên dù bận rộn đến đâu, tôi và mọi người đều tranh thủ gọi điện cho gia đình để được nghe người thân chia sẻ không khí rạo rực vui xuân, đón tết ở quê nhà. Đó là một trong những động lực giúp chúng tôi – những người con xa xứ một năm mới làm việc tràn đầy năng lượng”, anh Đăng tâm sự.
Là du học sinh xa nhà, em Hoàng Phú Yên (24 tuổi, sinh viên trường ESEI International Buiness, Tây Ban Nha) cho biết, đây là năm thứ 2 em ăn Tết xa nhà. “Điều nhớ nhất của em về mỗi dịp Tết đến là không khí gia đình ấm cúng, quây quần bên những bữa cơm đầu năm. Ba mẹ chúc ông bà tuổi mới thêm vui khỏe, sống lâu với con cháu”, Phú Yên chia sẻ.
Những chiếc bánh chưng được gói gắm cẩn thận
Tết Nguyên đán không chỉ là khởi điểm của năm mới mà là dịp để gia đình, họ hàng, làng xóm, người thân xa gần sum họp, đoàn tụ, thăm hỏi, cầu chúc sức khỏe, an yên tới nhau và tri ân ông bà tổ tiên.
Vì thế, “về quê ăn Tết” không chỉ là một khái niệm đơn thuần “đi- về” mà đằng sau nó là cả một quá trình hành hương về với cội nguồn, về nơi chôn nhau cắt rốn, quê hương chòm xóm của mình. Và đối với những người con xa xứ, tuy không được “về quê ăn Tết” song bằng sự đoàn kết, đùm bọc, thương yêu nhau mà họ có những hoạt động vui xuân, đón tết, đưa mọi người xích lại gần nhau hơn.